Theo VEPR, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.
Tài chính ứng phó với hội nhập kinh tế quốc tế
- Cập nhật : 18/04/2016
(Tin kinh te)
Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, với cam kết mở cửa thị trường trên nhiều lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Việt Nam cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.
Thống nhất nhận thức trong các cấp về yêu cầu và thách thức của hội nhập là việc làm quan trọng và cần thiết.
Để thực thi đầy đủ những cam kết, ngành Tài chính đã, đang và sẽ phải triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ nền kinh tế, tận dụng tối đa cơ hội cũng như vượt qua thách thức để hội nhập thành công.
Ông Trương Chí Trung,Thứ trưởng Bộ Tài chính: Cần xây dựng lộ trình cam kết
Thời gian qua, lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nhiều lĩnh vực thuộc ngành Tài chính đã đưa vào cam kết và được triển khai thực hiện nghiêm túc như: thuế XK, thuế NK, thuận lợi hóa thương mại và hải quan, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế. Những nội dung này có tác động không nhỏ đến yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính cũng như cân đối tài khóa trong dài hạn.
Nhiệm vụ hội nhập quốc tế trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác triển khai các cam kết hội nhập đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN. Bên cạnh những cam kết cắt giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại dịch vụ, ta còn phải điều chỉnh hàng loạt các quy định hiện hành để phù hợp với các điều khoản cam kết.
Vấn đề quan trọng hơn là cần phải thống nhất nhận thức trong toàn Ngành về yêu cầu và thách thức của hội nhập; xây dựng lộ trình thực hiện cam kết; theo dõi, đánh giá tác động; đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ. Đây là những nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay trong năm 2016 để tạo nền tảng cho việc triển khai công tác hội nhập trong những năm tiếp theo.
Chạm mốc tự do hóa
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã ký kết được 10 FTA với nhiều đối tác kinh tế quan trọng. Các cam kết trong các hiệp định này đã được xây dựng và đàm phán theo hướng cân bằng lợi ích cho Việt Nam. Thực hiện chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng phương án cam kết trong lĩnh vực tài chính để đàm phán với các đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh châu Âu (EU), 4 nước Bắc Âu (EFTA), đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),…
Trong hầu hết các FTA đã ký, mức độ tự do hóa về thuế NK trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 98%. Thời điểm 2015, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao, trong ATIGA đạt khoảng 93%, ASEAN-Trung Quốc 84%, ASEAN-Hàn Quốc 78% và ASEAN-Nhật Bản 62%.
Cam kết về thuế NK trong khuôn khổ 2 FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam- EU có tỉ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế. Trong các FTA thế hệ mới, trên tinh thần phải xóa bỏ thuế XK, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cam kết nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu NSNN. Đối với EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế XK với hàng XK sang EU với lộ trình dài nhất là 15 năm. Trong đó có 546 mặt hàng sẽ xóa bỏ thuế XK với lộ trình 5-7-10-12-15 năm. Trong TPP, Việt Nam bảo lưu đối với khoảng 70 mặt hàng thuế XK sẽ có mức thuế suất từ 2- 40%, với lộ trình xóa bỏ thuế XK ngay hoặc trong vòng 5-7-10-15 năm.
Cho đến nay phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết mặt hàng NK với các đối tác thương mại chính.
Khẩn trương ứng phó
Chia sẻ về công tác thực thi các cam kết, ông Vũ Nhữ Thăng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết: Việc cắt giảm thuế quan và thực hiện cam kết mở cửa thị trường dịch vụ trong các thỏa thuận song phương cũng như đa phương đang được cơ quan này tích cực triển khai. Trong đó, các đơn vị chuyên môn đã chủ động xây dựng phương án để đảm bảo kết thúc đàm phán các FTA quan trọng trong năm 2015 như Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, TPP; Việt Nam – Liên minh châu Âu.
Theo ông Thăng, Bộ Tài chính đã ban hành 9 Thông tư thực hiện lộ trình cắt giảm thuế NK giai đoạn 2015-2018 trong khuôn khổ các FTA đã ký kết bao gồm: Khu mậu dịch tự do ASEAN, Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, ASEAN-Úc-New Zealand, ASEAN - Ấn Độ và mới đây là Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ 20-12-2015. Thông tư thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ Hiệp định Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu cũng đã được hoàn thiện và sắp được ban hành. Đối với Hiệp định TPP và Hiệp định Việt Nam – Liên minh châu Âu, Bộ Tài chính đang rà soát nội dung kỹ thuật để đảm bảo cho việc ký kết. Đây là 2 FTA thế hệ mới với diện cam kết rộng và mức cam kết sâu, trong đó gắn với nhiệm vụ triển khai của ngành Tài chính.
Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị 02/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hội nhập trong lĩnh vực tài chính năm 2016, Vụ Hợp tác quốc tế đang chủ trì tiến hành xây dựng các kế hoạch dài hơi cũng như chương trình hành động cụ thể. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã thành lập Tổ rà soát pháp lý các nội dung cam kết thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính trong Hiệp định TPP với nhiệm vụ rà soát pháp lý, xác định danh mục các văn bản pháp luật thuộc phạm vi của Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết trong TPP. Cùng với đó, Vụ Hợp tác quốc tế cũng đang liên hệ với các đối tác cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho cán bộ đánh giá tác động cam kết hội nhập sẽ triển khai trong thời gian tới.
Cần những chính sách thiết thực
Trong một hội thảo gần đây, hiến kế để ngành Tài chính ứng phó với hội nhập, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Ngoài các cam kết mở cửa thị trường ở mức cao, các FTA thế hệ mới bao gồm nhiều cam kết về thể chế kinh tế thị trường nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch thông qua các nội dung về DNNN, mua sắm công, minh bạch hóa,… Với các nội dung đó, ngành Tài chính cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời thiết kế các chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển, tự chủ và nâng cao sức cạnh tranh của các DN tư nhân. Đặc biệt, để hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia thành công vào các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trong khu vực cũng là tận dụng lợi ích XK mà các FTA mang lại, Bộ Tài chính cần tập trung hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các ưu đãi về thuế hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Cũng theo bà Nga, việc phổ biến các cam kết để tạo sự thống nhất là hết sức quan trọng. Không chỉ phổ biến, quán triệt các cam kết cho CBCC trong Ngành mà cần thiết phải mở rộng giới thiệu chuyên sâu theo từng lĩnh vực đến từng đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp để nâng cao ý thức của người thực hiện. Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, điều chỉnh hệ thống pháp luật hướng đến kinh tế thị trường để cơ cấu lại các nguồn lực kinh tế và tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch tối đa.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc An – Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao cho rằng việc phổ biến kiến thức về hội nhập là cần thiết nhằm nâng cao năng lực cho các địa phương, DN trong quá trình thực thi. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần tích cực trao đổi với các cơ quan liên quan về những động thái, xu thế lớn trong quan hệ kinh tế - tài chính quốc tế để làm cơ sở tham mưu, kiến nghị và đề xuất chính sách phù hợp; tranh thủ mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiểu kinh nghiệm của các nước sở tại trong thúc đẩy quá trình hội nhập,… Đó là những động thái cần thiết để ngành Tài chính có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu, thiết thực giúp nền kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội và khắc phục khó khăn trong tiến trình hội nhập.
Hồng Vân
(Theo Báo Hải Quan)