tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TS Cấn Văn Lực: 'Văn hóa vay tiêu dùng đang thay đổi'

  • Cập nhật : 18/10/2015

(Tai chinh)

Xuất hiện tại Việt Nam từ hơn 10 năm về trước nhưng tới nay kênh tài chính tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng, kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, cùng với xu thế thay đổi văn hóa tiêu dùng sẽ là những động lực giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

 ts can van luc, chuyen gia tai chinh-ngan hang.

 TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng.

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thị trường tài chính tiêu dùng và sức ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam?

+ TS Cấn Văn Lực: Ở nhiều quốc gia trong khu vực, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 15%-25% tổng dư nợ. Những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ cho vay tiêu dùng chiếm tới 40%, Úc là 60%. Ở Việt Nam hoạt động này mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Đó là một con số rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường nước ta.

Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan đến tiếp cận dịch vụ tài chính-ngân hàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Ví dụ, theo như thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số thẻ tín dụng trên đầu người hiện nay ở Việt Nam khoảng 1,5% so với mức 7% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; hay số máy ATM, rồi số chi nhánh ngân hàng thương mại tính trên đầu người vẫn thấp so với khu vực. Những con số này là minh chứng khá thuyết phục để khẳng định thói quen, văn hóa vay tiền tiêu dùng của người Việt Nam chưa cao.

. Ông khẳng định rào cản chính là thói quen tiêu dùng của người dân, vậy có rào cản nào từ chính sách không, thưa ông?

+ Về mặt chính sách hiện nay không có rào cản nào lớn, vì cho vay tiêu dùng hiện nay không thuộc diện phải hạn chế, thậm chí cho vay tín chấp đang được khuyến khích. Rào cản lớn nhất đối với thị trường tài chính tín dụng hiện nay là do thói quen vay tiêu dùng của người dân. Phần lớn người dân không vay tiêu dùng qua các kênh của ngân hàng hay công ty tài chính mà chủ yếu là tích cóp nhiều năm, rồi vay bạn bè, người thân hoặc mua chịu. Đấy là vấn đề liên quan tới văn hóa chi tiêu, mà khi có liên quan tới yếu tố văn hóa thì cần thêm nhiều thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, hội nhập quốc tế và động thái “kích cầu” của các định chế tài chính… mới thay đổi được.

. Ông nhận định thế nào về tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong khoảng năm năm tới đây?

+ Thị trường sẽ phát triển mạnh hơn hiện nay vì thu nhập của người dân tăng, rồi văn hóa tiêu dùng cũng đang dần thay đổi, người dân bắt đầu sử dụng các kênh cho vay tiêu dùng nhiều hơn. Những năm vừa qua việc phát hành, tần suất và doanh số sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng tăng mạnh hằng năm, đó là một điều kiện tốt cho thị trường tài chính tiêu dùng thời gian tới.

Thứ hai, nhìn vào kinh tế vĩ mô chúng ta thấy đang có sự tăng trưởng ổn định theo chiều hướng tốt lên.

Tôi đã từng nói ba động lực được coi là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế đó là: (i) Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhờ cú hích về sự hồi phục của kinh tế thế giới; (ii) Dòng vốn FDI, ODA và kiều hối tiếp tục tăng tích cực nhờ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; và (iii) Cải cách thể chế, nhất là thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh có tiến triển, là động lực quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Hiện nay cả ba động lực này đều đang tiến triển tích cực, tạo thuận lợi cho kinh tế vĩ mô nước ta.

. Có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang ở mức khá cao?

+ Ai cũng mong muốn lãi suất tín dụng thấp hơn nhưng trên thực tế cần có những nhìn nhận công bằng. Cho vay tiêu dùng chủ yếu là vay tín chấp, thủ tục bây giờ rất nhanh gọn, đó là một ưu thế với khách hàng. Khi các khoản vay được giải quyết nhanh mà lại không cần tài sản thế chấp, trong khi rủi ro cao hơn thì khách hàng chịu mức lãi suất cao hơn là tất yếu.

Bên cạnh đó, lãi suất cao hay thấp còn phụ thuộc một số yếu tố đầu vào khác như lãi suất huy động, trích lập dự phòng rủi ro chung và riêng, chi phí hoạt động… của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

Riêng đối với các công ty tài chính không được huy động tiền gửi mà chỉ được phép phát hành trái phiếu và vay mượn từ các tổ chức thì đương nhiên với nguồn huy động đầu vào của họ cao thì họ phải cho vay cao.

. Xin cảm ơn ông.

Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành

Rủi ro cho vay tín chấp đối với các ngân hàng và công ty tài chính là rất lớn, vì thế đòi hỏi ý thức, tính tuân thủ trả nợ của khách hàng phải đảm bảo những nguyên tắc, điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, do ý thức, văn hóa vay tiêu dùng của một bộ phận người dân chưa cao, trong khi các chế tài xử lý về mặt pháp lý lại không đủ mạnh, các công ty tài chính xử lý nợ xấu chủ yếu dựa vào các mối quan hệ và thiện chí hợp tác của bên vay và các bên liên quan nên dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao và thậm chí còn bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Để thay đổi hiện trạng này cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan và cần được thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, bản thân hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cần công khai, minh bạch các hoạt động đối với cho vay tiêu dùng, ví dụ như hệ thống chấm điểm, yêu cầu về thủ tục, phí đối với  khách hàng cần được công bố rộng rãi hơn.

Hay về mặt pháp lý, thực thi pháp luật, cần có sự vào cuộc của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, hệ thống tòa án, chính quyền địa phương…

(Theo Báo Pháp Luật TP.HCM)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục