Theo TS. Trần Hoàng Ngân, từ nay tới cuối năm khó xảy ra việc NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Bởi cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư, dự trữ ngoại tệ đủ lớn để can thiệp thị trường.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Bốn yếu tố chặn đà tăng giá đồng USD
- Cập nhật : 13/05/2018
Sử dụng công cụ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, một vấn đề gây quan ngại cho các quốc gia, Việt Nam phải thận trọng
Diễn biến thị trường quốc tế vừa qua cho thấy đồng USD khó có khả năng tăng giá mạnh trong ngắn hạn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, nhận định hôm 7.5.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đà tăng của đồng USD bị hạn chế bởi 4 yếu tố: Thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương khác thu hẹp chính sách tiền tệ trong ngắn và trung hạn; quan ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại của Mỹ; quan ngại về chu kỳ đi xuống của nền kinh tế Mỹ trong ngắn-trung hạn và quan ngại về bất ổn chính trị Mỹ và bất ổn địa chính trị toàn cầu.
Ông Kim Anh cho biết, thanh khoản thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm dần trong năm 2018 và thời gian tới
Tỷ giá được giữ ổn định và dự trữ ngoại hối tăng cao, vượt con số 50 tỷ USD vào năm 2017. Thế nhưng, cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn là vấn đề doanh nghiệp luôn quan tâm.
Trong 3 tháng đầu năm, nền kinh tế xuất siêu 2,4 tỷ USD và khả năng tiếp tục được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ toàn cầu trong ngắn hạn (gia tăng nhu cầu toàn cầu). Nhưng cạnh đó vẫn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn nhất định đối với sự ổn định của thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Thặng dư cán cân thương mại và thặng dư cán cân tài chính của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khối FDI cũng như quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền tảng kinh tế Việt Nam và phản ứng của họ trước các diễn biến trên thị trường trong và ngoài nước.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn có thể thu hẹp chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến của thị trường. Điều này có thể gây áp lực tâm lý đối với thị trường, trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại và tiềm ẩn nguy cơ xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể tác động bất lợi đến thương mại toàn cầu, thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Đặc biệt, việc sử dụng công cụ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu đang là một vấn đề gây quan ngại cho các quốc gia, các tổ chức trên thế giới. Bộ Tài chính Mỹ, năm 2017, đã đưa vào danh sách theo dõi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Thụy Sỹ.
Hằng năm, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo về chính sách tỷ giá của các quốc gia là đối tác thương mại lớn, nhằm đánh giá và xác định khả năng các nước thao túng tiền tệ (định giá thấp giá trị đồng tiền để đạt mức tỷ giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế).
Tại Việt Nam, kể từ 2016 đến nay, tỷ giá được điều hành theo cơ chế tỷ giá tập trung, phản ánh các yếu tố cung cầu ngoại tệ trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế, phù hợp với các cân đối vĩ mô khác. Các điều hành này, chuyên gia kinh tế, TS Phan Minh Ngọc, cho là “mức độ vừa phải”.
Theo TS Ngọc, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng không có sự biến động sát với tỷ giá trung tâm. Ở đây, có thể Ngân hàng Nhà nước đưa ra tỷ giá trung tâm như một chỉ báo về mặt chính sách, còn sự hưởng ứng của hệ thống Ngân hàng thương mại theo tỷ giá định hướng như thế nào lại là một câu chuyện khác.
Một điều có thể thấy, có nhiều khi tỷ giá trung tâm và tỷ giá trong hệ thống ngân hàng thương mại không đồng hành với nhau. Như vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có ý định dùng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, thì định hướng của thị trường lại gần như một sự biến động tương đối khách quan, khó có thể kiểm soát.
Việt Nam đã và đang tham gia hơn 10 hiệp định thương mại tự do, TS Phan Minh Ngọc cảnh báo việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như sử dụng công cụ tỷ giá vẫn rất cần phải thận trọng.
Theo Nhipcaudautu.vn