Sau tốc độ tăng giá "kinh hoàng" của một số đồng tiền ảo, mà tiêu biểu là Bitcoin, trong năm 2017, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đã đưa ra những dự báo thận trọng về tiền ảo trong năm 2018.
Đồng VND có thể giảm bao nhiêu trong năm 2018?
- Cập nhật : 30/12/2017
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đặc biệt từ các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khi có rất nhiều cơ hội đầu tư từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Một năm tỷ giá “lặng sóng”!
Mặc dù có những biến động nhất định vào thời điểm đầu năm nhưng 2017 được xem là năm thị trường ngoại tệ cũng như tỷ giá duy trì mức ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại (28/12), khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2017, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 1,21% so với đầu năm (ở mức 22.426 đồng) trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mạilại giảm nhẹ 0,18%, phổ biến quanh mức 22.680-22.750 đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), điều này phần nào được hỗ trợ nhờ các diễn biến tích cực trên thị trường thế giới. Bất chấp lộ trình tăng lãi suất của FED, việc USD giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác được xem là yếu tố tích cực đối với sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Thậm chí, nếu so với mặt bằng chung của các đồng tiền trong khu vực, sức mạnh tương đối của VND có sự cải thiện trong năm 2017.
Mặc dù vậy, VCBS cho rằng cũng cần nhìn nhận vai trò lớn của cơ quan điều hành trong việc duy trì và bình ổn thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước đã có một năm điều hành thành công”, VCBS đánh giá.
Còn nhớ hồi đầu năm, khi tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng, NHNN đã tiến hành tăng dần tỷ giá trung tâm nhằm tránh những biến động giật cục cũng như dần loại bỏ tâm lý đầu cơ trên thị trường.
Kèm theo đó, NHNN cũng đã có động thái nâng tỷ giá mua ngoại tệ giao dịch với các NHTM nhằm nâng cao khả năng mua vào ngoại tệ khi nhận thấy nguồn cung tiềm tàng từ các ngân hàng này.
Chính sách xuyên suốt trên đã mang lại thành quả khi lượng dự trữ ngoại hối tăng lên mức cao kỷ lục 46 tỷ USD trong tháng 11, thanh khoản thị trường không quá dư thừa khi động thái mua được tiến hành dần dần.
Trong khi đó, tại phiên họp cuối năm tổ chức sáng qua (27/12), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên tới mức 51,5 tỷ USD, kể cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco.
Diễn biến tỷ giá trong 4 năm qua.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào trong năm 2017 được đánh giá là yếu tố chính quan trọng hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Cụ thể, thặng dư thương mại 11 tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng, đạt 16 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái).
Song song, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư ngoại với số liệu tăng trưởng trong năm 2017 ước tính lên tới 50%.
“Dòng vốn tìm đến Việt Nam như một điểm sáng để đầu tư và tìm kiếm cơ hội với lợi thế về sự ổn định chính trị và kinh tế trong khi nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực Châu Á, duy trì chính sách nới lỏng”, VCBS nhận định.
Đồng VND có thể giảm 2% so với USD
Về các yếu tố có thể ảnh hưởng lên tỷ giá trong năm 2018, theo VCBS, nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đặc biệt từ các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khi có rất nhiều cơ hội đầu tư từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Trong đó, tâm điểm tiếp tục là dòng vốn đầu tư gián tiếp với định hướng rõ nét ở nhiều doanh nghiệp là Nhà nước chỉ nắm cổ phần không chi phối.
Dù vậy, đồng USD có thể sẽ mạnh lên trở lại khi FED tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2018. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD cũng còn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác, đặc biệt là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đi cùng mức độ hiện thực hóa chính sách của chính quyền tổng thống Donald Trump.
Theo đó, VCBS cho rằng nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp NHNN có thể chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng như: đảm bảo sức hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn đầu tư, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng, qua đó giữ nợ công ở mức giới hạn cho phép.
“Chúng tôi dự báo mức giảm giá của VND trong năm 2018 sẽ không quá 2%. Trong đó, các biến động sẽ được dần dần ghi nhận và không xảy ra trạng thái giật cục khi NHNN đã có những kinh nghiệm điều hành hợp lý so với các năm trước đây”, VCBS nhận định.
Theo Trần Thúy/bizlive.vn