Dù phần lớn các nhà băng đều đạt lợi nhuận khả quan nhưng hiệu quả khai thác tài sản cũng như khai thác nguồn vốn tại các ngân hàng này lại có sự phân hoá khá rõ rệt.
Những thương vụ 'đình đám' nhất năm 2017
- Cập nhật : 15/01/2018
Năm 2017 đã khép lại nhưng có lẽ là năm mang rất nhiều ý nghĩa đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Nếu năm 2018 được kì vọng là năm chứng khoán Việt sẽ thăng hoa thì năm 2017 được xem là năm bản lề với hàng loạt sự kiện đáng ghi nhớ làm thay đổi cục diện căn bản của TTCK Việt Nam sau nhiều năm thể hiện mờ nhạt.
Có hai điểm đáng chú ý nhất của TTCK Việt trong năm 2017 đó là chất lượng cổ phiếu niêm yết tăng rất mạnh khi có mặt nhiều “ông lớn” lên sàn như SAB (cuối 2016), BHN, PLX, VPB, VRE... Điểm thứ hai chính là độ “ mở” của thị trường khiến dòng vốn ngoại mạnh lên trông thấy với hàng loạt thương vụ M&A đình đám của các “đại gia” trong và ngoài nước.
Điểm mặt các thương vụ M&A đình đám nhất trong năm 2017 có thể kể đến những cái tên như Sabeco, Thế giới Di động và An Dương Thảo Điền.
Sự kiện nóng nhất trong năm 2017 chính là thương vụ lịch sử thâu tóm Sabeco của ThaiBev, công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen…, với trị giá thương vụ lên tới 5 tỷ USD, đây có thể xem là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á, đứng trên cả thương vụ 4 tỷ USD vào năm 2012 khi Heineken thâu tóm ABP, công ty sở hữu nhãn bia Tiger.
Thương vụ M&A này mang rất nhiều ý nghĩa cho TTCK Việt Nam, lâu nay vẫn ở tâm thế là thị trường cận biên với quy mô doanh nghiệp nhỏ độ mở với nhà đầu tư ngoại thấp và tính thanh khoản không cao, tất cả đã được “giải đáp” trong thương vụ bán vốn rất chóng vánh và thành công vang dội như Sabeco.
Đứng thứ hai trong làn sóng M&A cũng gây chú ý không kém thuộc về một doanh nghiệp nội là Thế giới Di động, công ty này đã thâu tóm chính đối thủ của mình là Trần Anh. Mặc dù giá trị thương vụ chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng, thua xa so với quy mô của thương vụ Sabeco nhưng nó cho thấy câu chuyện đáng chú ý hơn: sáp nhập để lớn mạnh hơn. Một xu thế tất yếu của doanh nghiệp nội khi hội nhập với đối thủ là các các ông lớn tỷ đô trong khu vực và thế giới.
Sự kiện thứ ba là một chuỗi các thương vụ liên tiếp gây sốc cho thị trường của An Dương Thảo Điền, khi chỉ trong vài tháng từ giữa năm 2017, công ty này đã liên tiếp thâu tóm một loạt doanh nghiệp trong đó có cả những tên tuổi lớn như Dược Bến Tre (cổ đông chiến lược của Codupha, nhà phân phối dược hàng đầu Việt Nam), Cơ Khí Ngân Hàng (đơn vị đầu ngành két sắt và độc quyền xây dựng kho tiền và xe chở tiền), Phương Đông (sở hữu nhãn hiệu xà bông Cô Ba), Nha Trang Coral Beach (đơn vị duy nhất được phép phát triển villa trên biển tại Việt Nam)…
Ấn tượng bởi sự kiện thâu tóm nhưng câu chuyện dài hơi hậu thâu tóm có lẽ mới là điều các nhà đầu tư quan tâm. Cả thị trường vẫn chưa hết ngạc nhiên khi Thaibev bỏ ra đến 330.000 đồng cho một cổ phiếu Sabeco, con số ngoài sức tưởng tượng ngay cả với các chuyên gia. Tuy nhiên cần có một số điểm cần lưu ý khi người đi thâu tóm là tỷ phú Thái, người đã mua lại hệ thống sản xuất rượu Whisky của nhà nước Thái cách đây hơn 30 năm và biến nó thành cơ sở để xây dựng đế chế Thaibev với thương hiệu bia Chang đang chiếm 60% thị phần bia của Thái Lan.
Vị thế của Sabeco hiện tại đang tốt hơn rất nhiều với công việc kinh doanh hiệu quả, thị phần bia chiếm 40% Việt Nam dù vẫn mang phong cách quản lý cũ. Trước mắt, với kinh nghiệm của mình, ông Charoen có thế hướng tới 2 mục tiêu cơ bản : tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của Sabeco (hiệu quả sinh lời của Thaibev nhỉnh hơn Sabeco khoảng 10%) và hất cẳng các ông lớn ngoại ra khỏi thị trường Việt Nam để gia tăng thị phần như đã từng làm với Carlsberg tại Thái Lan.
Nếu thực sự thành công với chiến lược này, cái giá mà Thaibev bỏ ra để thâu tóm SAB sẽ trở nên dễ hiểu hơn, chỉ cần hiệu quả hoạt động của SAB tương đương Thaibev thì EPS của SAB sẽ xấp xỉ 10.000 đồng chưa kể hiệu quả của việc mở rộng thị phần. Mức P/E của giá thâu tóm sẽ về quanh 30 trong thời gian ngắn, thương vụ SAB bỗng dưng trở nên rất hợp lý và có lợi cho ngài tỷ phú. Bắt đầu với SAB có vẻ sẽ đơn giản hơn các nhà máy whisky khi mà SAB vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, cần thiết nhất lúc này với tỷ phú Thái có lẽ là thời gian và sự khôn ngoan khi đấu với đối thủ chính của SAB là Heineken.
Đối với MWG việc tăng trưởng nhanh có vẻ là áp lực lớn nhất hiện tại khi doanh nghiệp này muốn chiếm lĩnh thị trường ICT. Chiến lược phát triển điểm bán lẻ phủ sóng cả nước vẫn có một số khó khăn nhất là đối với các khu vực có đối thủ mạnh như miền Bắc. Vì vậy, thay vì đấu trên đất khách, MWG chọn chiến lược sát nhập đối thủ để nhanh hơn. Đây cũng là hướng đi tất yếu đối với các doanh nghiệp ICT khi phải đối mặt với các đối thủ cực mạnh là các trang bán hàng trực tuyến Lazada, Tiki…
Chiến lược lớn nhanh của doanh nghiệp nội thông qua sát nhập với nhau để gia tăng thực lực là yếu tố cần thiết. Vấn đề còn lại hiện giờ đối với MWG có lẽ là việc liên thông được hệ thống phân phối mở rộng này để gia tăng hiệu quả so với các ông lớn bán hàng online. Khả năng MWG vẫn tiếp tục duy trì việc mở rộng hệ thống bán lẻ nhưng sẽ có lựa chọn và chỉ đầu tư sâu vào các điểm bán hàng có hiệu quả. Cuộc chơi sôi động hơn sẽ là mảng bán hàng online mà MWG cũng đang tăng trưởng rất nhanh.
Câu chuyện của An Dương Thảo Điền lại có vẻ có chút liên quan đến câu chuyện đầu tiên. Việc cá bé nuốt cá lớn cũng không phải hiếm trên TTCK Việt Nam, nhưng điểm đáng chú ý là doanh nghiệp này có vẻ chuyển mình từ sau khi ký hợp tác chiến lược với Fraser Centrepoint Limited (FCL), công ty bất động sản Singapore nằm trong đế chế kinh doanh của tỷ phú Thái, người vừa thâu tóm Sabeco. Vấn đề sở hữu BĐS vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm đối với các doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên, với những động thái cởi mở hơn hiện nay của chính sách thì việc các nhà đầu tư ngoại trực tiếp tham gia thị trường BĐS trong nước sẽ không còn xa. Việc HAR thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp với tuyên bố mở rộng quỹ đất tại Tp.HCM, thị trường BĐS năng động nhất Việt Nam vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về tiềm lực của doanh nghiệp này. Tuy nhiên việc này không khó hiểu khi đối tác chiến lược là FCL vừa cùng với HAR mở bán dự án đầu tay của liên doanh này tại Quận 2, Tp.HCM.
Việc mở rộng mạnh quỹ đất của HAR thông qua hàng loạt thương vụ thâu tóm có vẻ là hướng đi dễ hiểu của liên doanh này. Đặt 1 chân vào thị trường phát triển nhà ở thông qua liên doanh có lẽ là bước đi hợp lý của người Thái trước khi thực sự xâm nhập thị trường này.
Với phân khúc được xác định rất rõ là mảng cao cấp, liên doanh FCL - HAR nhắm tới phân khúc khó nhất nhưng cũng có biên lợi nhuận cao nhất. Việc có sẵn quỹ đất từ thâu tóm là lợi thế đầu tiên, tuy nhiên hành lang chính sách sẽ không đuổi kịp tiến trình phát triển dự án. Câu chuyện hiệu quả từ các dự án Phạm Văn Hai, Lê Hồng Phong, Kim Biên và nhanh nhất là Q2- Thảo Điền sẽ là câu chuyện dài hạn. Trước mắt với một loạt các địa điểm cho thuê cùng với hoạt động cốt lõi của các doanh nghiệp vừa mới thâu tóm sẽ đóng góp đáng kể vào hiệu quả hoạt động của HAR (riêng doanh thu cho thuê mặt bằng kinh doanh các địa điểm trên xấp xỉ 40 tỷ/năm). Với phong cách "làm lớn" của người Thái thì việc gia tăng hiện diện tại thị trường BĐS Việt Nam cũng chỉ là yếu tố thời gian chờ hoàn thiện chính sách. Vì vậy, khả năng sắp tới xuất hiện các doanh nghiệp Sing (thực tế là giới chủ Thái) thâm nhập sâu vào các doanh nghiệp BĐS và phát triển BĐS nhà ở sẽ không có gì bất ngờ.
Theo Bizlive.vn