Sử dụng công cụ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, một vấn đề gây quan ngại cho các quốc gia, Việt Nam phải thận trọng
Ngân hàng nào khai thác tài sản, vốn hiệu quả nhất?
- Cập nhật : 09/02/2018
Dù phần lớn các nhà băng đều đạt lợi nhuận khả quan nhưng hiệu quả khai thác tài sản cũng như khai thác nguồn vốn tại các ngân hàng này lại có sự phân hoá khá rõ rệt.
Ảnh minh họa.
BizLIVE trân trọng giới thiệu tới độc giả chuỗi bài về bức tranh ngành ngân hàng năm 2017 và những thay đổi sau một năm đầy biến động. Tiếp theo các bài viết cơ cấu thu nhập, nợ xấu và hiệu quả kinh doanh của nhân viên ngân hàng, BizLIVE giới thiệu bài viết về hiệu quả khai thác tài sản, vốn của nhà băng.
Lợi nhuận tăng vọt
Có thể nói, 2017 là một năm kinh doanh thành công của ngành ngân hàng khi không chỉ những ông lớn như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV báo lãi lớn mà ngay cả những ngân hàng thuộc nhóm dưới cũng ghi nhận lợi nhuận lên đến cả ngàn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm trước.
Thống kê 13 ngân hàng đã công bố BCTC năm 2017 (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, TPBank, LienVietPostBank, SHB và Sacombank) cho thấy, tất cả các ngân hàng đều báo lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 61.602 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với con số đạt được trong năm 2016.
Như thường lệ, với lợi thế về tài sản, quy mô, ba “ông lớn” có vốn nhà nước vẫn là những nhà băng có lợi nhuận khủng nhất.
Cụ thể, vị trí quán quân đang thuộc về Vietcombank với mức lợi nhuận trước lên tới gần 11.337 tỷ đồng, tăng trưởng 32,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngân hàng đã vượt hơn 23% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đứng thứ hai là ngân hàng Vietinbank khi ghi nhận lợi nhuận gần 9.206 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm trước.
Với mức lãi 8.800 tỷ đồng năm 2017, tăng 14,2% so với cùng kỳ, BIDV đang là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ ba trong hệ thống.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Sacombank đang là ngân hàng có sự “lột xác” lớn nhất khi ghi nhận lợi nhuận gấp tới 9,5 lần so với mức đạt được trong năm 2016, đạt hơn 1.488 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã vượt gấp 3 lần so với kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm (500 tỷ đồng).
Các nhà băng khác như Eximbank, Techcombank, VIB cũng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Ngân hàng nào khai thác tài sản, vốn hiệu quả nhất?
Dù phần lớn các nhà băng đều đạt lợi nhuận khả quan nhưng hiệu quả khai thác tài sản cũng như khai thác nguồn vốn tại các ngân hàng này lại có sự phân hoá khá rõ rệt.
Khảo sát của BizLIVE tại 13 ngân hàng cho thấy, hiện BIDV đang là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Đứng thứ hai là Vietinbank với 1,02 triệu tỷ đồng và thứ ba là Vietcombank với 911 nghìn tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng TMCP đứng sau với Sacombank hơn 350 nghìn tỷ đồng, MBB 285 nghìn tỷ đồng, ACB gần 259 nghìn tỷ đồng...
Dù vậy, một điều khá bất ngờ là hiệu quả khai thác tài sản cao nhất lại không thuộc về nhóm ngân hàng Nhà nước, dù nhóm này có lợi nhuận cao nhất trong năm qua.
Cụ thể, kết thúc năm 2017, ROA của Vietcombank chỉ ở mức 1%, nghĩa là trong 100 đồng tài sản, ban lãnh đạo của Vietcombank đem về cho cổ đông 1 đồng lợi nhuận. Mức sinh lời này chỉ đứng thứ 4/13 ngân hàng trong nhóm khảo sát.
Trong khi đó, hiệu quả khai thác tài sản của các ông lớn khác là Vietinbank và BIDV còn “khiêm tốn” hơn nhiều, đạt lần lượt 0,73% và 0,63%, thấp hơn cả một số ngân hàng top dưới như MBB (1,22%), VIB (0,99%), ACB (0,82%),…
Trong khi đó, xét về quy mô, tổng tài sản của Techcombank chỉ bằng 22,9% tài sản của BIDV và bằng 24,7-27,7% tổng tài sản của Vietinbank và Vietinbank nhưng đây lại là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm khảo sát về hiệu quả khai thác tài sản với ROA lên tới 2,55%, tức với mỗi 100 đồng tài sản, cổ đông ngân hàng được nhận 2,55 đồng lợi nhuận.
Đứng ngay sát sau là VPBank với ROA đạt 2,54%, MB đứng thứ ba với ROA đạt 1,22%. Sacombank là ngân hàng có ROA thấp nhất trong nhóm khảo sát, đạt 0,33%.
Xét về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, Techcombank cũng là ngân hàng có suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong 13 ngân hàng khảo sát. ROE năm 2017 của Techcombank là 27,7%, nghĩa là ngân hàng đã kiếm lời được 27,7 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh.
VPBank đứng thứ hai với ROE đạt 27,47% trong khi Vietcombank đứng thứ ba với 17,78%.
Ở chiều ngược lại, Sacombank đang là ngân hàng có tỷ lệ ROE thấp nhất, với 5,16%, tại Eximbank là 5,94%.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn