Có rất nhiều đánh giá của cộng đồng về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua. Nhìn chung khen là chủ yếu nhưng vẫn có chê. Tuy nhiên, cao hơn là những băn khoăn của dư luận về những thay đổi, biến động trong tương lai của FDI không dễ nắm bắt.
Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ: Lợi nhuận đến từ đâu?
- Cập nhật : 12/05/2018
Nối tiếp đà thành công từ năm 2017, quý I/2018, nhiều ngân hàng tiếp tục báo lợi nhuận tăng mạnh với những con số lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Những con số nghìn tỷ
Với lợi thế về quy mô vốn cũng như tài sản, hai “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank và VietinBank vẫn đang dẫn đầu hệ thống về mức lợi nhuận đạt được.
Trong đó, Vietcombank vẫn là ngân hàng đang giữ vị trí quán quân với việc đạt 4.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2018, tăng trưởng tới 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành tới 33,5% kế hoạch lợi nhuận của năm (13.000 đồng).
Đứng thứ hai là VietinBank với mức lợi nhuận 3.027 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, BIDV lại tỏ ra "hụt hơi" khi ghi nhận 2.485 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm, bị 2 ngân hàng TMCP là VPBank và Techcombank “vượt mặt” với lợi nhuận tương ứng là 2.618 tỷ đồng và 2.568 tỷ đồng.
Một số ngân hàng TMCP khác cũng tỏ ra không mấy kém cạnh khi ghi nhận lên tới cả ngàn tỷ đồng chỉ trong quý đầu năm như ngân hàng MB (1.918 tỷ đồng) hay ACB (1.490 tỷ đồng), hoàn thành lần lượt 28,2% và 26,1% kế hoạch năm.
Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, Eximbank và VIB là hai trong số các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất so với cùng kỳ. Cụ thể, kết thúc quý I/2018, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 560 tỷ đồng còn VIB đạt lợi nhuận 518 tỷ đồng, cùng gấp 3,3 lần so với con số đạt được trong quý I/2017.
Ngân hàng lãi lớn nhờ đâu?
Thống kê 13 ngân hàng cỡ lớn và trung bình của Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý I/2018 gồm ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, VPBank, Eximbank, Techcombank, TPBank và LienVietPostBank cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần đạt hơn 43,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 24,8% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng này đã giảm xuống còn 74,34%, so với mức 79,29% cùng kỳ năm trước. Hơn 25% thu nhập còn lại của các nhà băng đến từ các mảng phi tín dụng.
Trong đó, mảng dịch vụ đóng góp 4.598 tỷ đồng cho 13 nhà băng, tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ và chiếm 7,78% tổng thu nhập hoạt động.
Đứng tiếp sau là Hoạt động khác, mang về 4.566 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, chiếm 7,8% tổng thu nhập. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đóng góp 1.923 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Với xu hướng này, có thể thấy thu nhập của các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Eximbank là một trong những ngân hàng có tỷ trọng thu nhập thuần/tổng thu nhập hoạt động thấp nhất hệ thống, chỉ 49,6%, giảm mạnh so với mức cùng kỳ năm ngoái, 82,4%.
Nguyên nhân chính là do trong kỳ ngân hàng chứng kiến mảng cho vay khách hàng tăng trưởng âm 0,8%, theo đó, thu nhập lãi thuần cũng bị ảnh hưởng giảm 2,9%, chỉ đem về cho ngân hàng 667 tỷ đồng trong 3 tháng.
Bù lại, ngân hàng có lãi lớn từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, đạt 521 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sacombank, chiếm 38,7% tổng thu nhập.
Eximbank cho biết, với giá bán bình quân là 14.064 đồng/cổ phần, thu nhập từ thoái vốn tại Sacombank đem về cho ngân hàng lợi nhuận tổng cộng gần 684 tỷ đồng, trong đó năm 2017 đã ghi nhận hơn 126 tỷ đồng và 521 tỷ đồng còn lại được ghi nhận vào quý I năm nay.
Tương tự, tại Techcombank, tỷ trọng thu nhập thuần/tổng thu nhập hoạt động chỉ ở mức 54,6% trong khi lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng chiếm tới 45,4% tổng thu nhập.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, tín dụng của Techcombank tăng trưởng ở mức khá khiêm tốn là 1,93% (thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống là 3,5%). Theo đó, mảng này mang về cho ngân hàng khoản lãi thuần 2.546 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ngân hàng này lại chứng kiến sự bật tăng mạnh đến từ các mảng khác. Như mảng mua bán chứng khoán đầu tư trong kỳ ghi nhận khoản lợi nhuận thuần tăng tới gấp 4,7 lần, lên 441 tỷ đồng trong khi thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng báo lãi tới 894 tỷ đồng, gấp 2,5 lần quý I/2017, chiếm lần lượt 9,5% và 19,2% tổng lợi nhuận.
Mảng dịch vụ kỳ này mang về khoản lợi nhuận 491 tỷ đồng, tương đương 10,56% tổng lợi nhuận của cả nhà băng.
Tại Vietcombank, dù mảng tín dụng vẫn đóng vai trò “xương sống” mang về cho ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng, nhưng các hoạt động phi tín dụng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng thu nhập.
Kết thúc quý I/2018, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt mức 6.197 tỷ đồng, tăng trưởng 17,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đóng góp của mảng này vào tổng thu nhập đã sụt giảm từ mức 72,4% trong quý I/2017 xuống còn 62,4% trong kỳ này. Đó là một sự thay đổi lớn đối với một “ông lớn” như Vietcombank.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động khác lại đóng góp tới gần 16,2% tổng thu nhập (cùng kỳ là 7,7%), thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần chiếm 3,5% (cùng kỳ là 1,4%) và mảng dịch vụ đóng góp 8,9% tổng thu nhập.
Trong thời gian gần đây, một loạt các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Sacombank… đã tiến hành tăng một số loạt phí dịch vụ. Với động thái này, kỳ vọng nguồn thu phi tín dụng của các nhà băng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn