Tất cả đều đang dõi theo chính sách nội địa, chính sách đối ngoại cũng như chính sách thương mại của Mỹ và xuyên suốt đó là diễn biến của đồng USD.
Làm sao phát hiện lừa đảo đa cấp với tiền ảo?
- Cập nhật : 10/04/2018
Từ khi những vụ việc đầu tiên xuất hiện trên mặt báo, giới quan sát đã nhanh chóng phát hiện sự tương đồng giữa các nhóm đầu tư tiền ảo và "mô hình Ponzi" - tức lừa đảo đa cấp.
Thông tin về tiền ảo gia tăng trong thời gian gần đây và đi kèm nó là những chương trình kêu gọi đầu tư hấp dẫn - Ảnh: AFP
Từ "Ponzi" bắt nguồn từ tên của doanh nhân người Mỹ gốc Ý Charles Ponzi sống hồi đầu thế kỷ 20.
Về cơ bản, cách làm theo mô hình Ponzi là sự hứa hẹn một khoản lợi tức hấp dẫn từ số tiền "đầu tư" (thực chất là cho vay) không gặp ở bất cứ mô hình đầu tư nào khác.
Thay vì dùng số tiền gom được để kinh doanh sinh lợi rồi trả cho nhà đầu tư, các tay lừa đảo chỉ dùng tiền của người mới trả cho người cũ, và thực chất không hề có hoạt động kinh doanh, đầu tư nào diễn ra.
Để một mô hình Ponzi thành công, hệ thống phải hút liên tục các nhà đầu tư mới, nếu không dòng tiền sẽ bị gián đoạn và tay lừa đảo mất khả năng chi trả. Nhưng không sớm thì muộn, đây là kết quả tất yếu của 100% trò lừa đa cấp vì cách mô hình này vận hành không thể kéo dài mãi mãi.
Muôn vẻ lừa đảo trong thế giới tiền ảo
Nhà kinh tế học người Mỹ Paul Krugman từng vài lần nêu ý kiến hoài nghi rằng tiền ảo Bitcoin là một mô hình Ponzi, còn giới đầu tư Bitcoin là "một giáo phái có suy nghĩ hoang tưởng".
Tuy nhiên, các ý kiến khác nói ông Krugman không chỉ ra được ai là kẻ thủ lợi chính trong mô hình Ponzi mà ông nghi ngờ.
Họ lập luận rằng Bitcoin là kết quả của thuật toán đằng sau phần mềm Bitcoin Core dựa trên cơ chế "đồng thuận phân quyền", không phải được phân phối bởi một cá nhân nào.
Trong trường hợp Bitcoin, không ai chịu trách nhiệm thu tiền từ nhà đầu tư hoặc trả lợi tức cho họ.
Nếu có sự tương đồng nào giữa tiền ảo kiểu Bitcoin với với mô hình Ponzi thì đó là sự cường điệu giả tạo hoặc trò tác động tâm lý của những người sở hữu để khuyến khích người khác mua vào và làm tăng giá trị đồng tiền.
Ẩn danh là tính năng hấp dẫn khiến việc lừa đảo bằng tiền ảo dễ dàng hơn so với ngoài đời - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, thực tế cũng có một vài loại tiền ảo được quản lý theo cơ chế đồng thuận tập trung và điều hành bởi một hay một vài cá nhân - đây chính là mô hình Ponzi.
Các nhóm này thường dụ dỗ nhà đầu tư bằng các khoản lợi tức siêu khủng.
Một ví dụ nổi tiếng là BitConnect. Nhà đầu tư BitConnect được hứa hẹn khoản lời lên đến 40% mỗi tháng, với cam kết lợi nhuận tối thiểu 1%/ngày.
Theo công thức trên, người ta sẽ nhẩm ra nếu đầu tư 1.000 USD mua BitConnect, 3 năm sau số tiền sẽ lên thành 50 triệu USD - một con số hết sức "ảo diệu".
Trong một ví dụ khác, chính quyền Ấn Độ gần đây bắt giữ một nhóm người sáng lập công ty marketing đa cấp tên gọi GainBitcoin vì tội lừa đảo tài chính.
Nhóm này hứa hẹn với khách hàng khoản lợi tức 10%/tháng nếu họ đồng ý ký một hợp đồng góp vốn 18 tháng trị giá 1 Bitcoin. Sau 18 tháng khách sẽ nhận lại 1 Bitcoin đó cộng với phần lời.
Ước tính có 8.000 người Ấn đã mắc lừa và giao khoảng 56 triệu USD cho nhóm tội phạm.
Cái hay của trò lừa đa cấp bằng tiền ảo chính là tính năng ẩn danh. Nó tạo điều kiện cho các tay tội phạm che giấu danh tính, khi mọi thứ đổ vỡ thì chính quyền cũng khó mà lần ra đầu dây mối nhợ.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức Ấn Độ đã cấm doanh nghiệp dùng tiền ảo để tránh các hoạt động lừa đảo.
Những dấu hiệu dễ nhận biết
Theo các chuyên gia, những người kinh doanh tiền ảo có thể để ý 3 dấu hiệu giúp dễ nhận ra trò lừa đảo đa cấp:
1. Lợi tức cố định: Không có thương nhân, nhà đầu tư hoặc nhà quản lý tài chính nào, dù chuyên nghiệp đến đâu, có được một lý lịch đầu tư hoàn hảo. Đơn giản vì dự đoán thị trường đúng 100% là chuyện bất khả thi.
Do đó, hứa hẹn một khoản lợi tức cố định là dấu hiện lừa đảo số 1.
2. Sinh lời cao: Trông đợi một khoản sinh lời cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện hành là phi thực tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.
3. Bí mật và ra vẻ ta đây: Cẩn thận với các nhóm đầu tư không chịu chia sẻ phương pháp kinh doanh, kết quả làm ăn có thể kiểm chứng hoặc tự nhận chiến thuật của họ là "bí truyền".
Thông thường, chủ mưu các mô hình Ponzi sẽ nói phương pháp của họ hết sức tinh vi và sinh lợi đến mức không thể chia sẻ với nhà đầu tư vì sợ lọt đến tai đối thủ cạnh tranh.
Nhà đầu tư nào hay tỏ thái độ tự ái trước các câu hỏi đơn giản về phương pháp làm ăn, khẳng định danh tiếng của bản thân "nói lên tất cả", thường là những người có âm mưu lừa đảo và không thể tin tưởng.
Nói tóm lại, nếu cái gì đó nghe qua "trên cả tuyệt vời", đa phần là lừa đảo, nhất là liên quan đến tiền ảo.
Khác với một tay lừa đảo ngoài đời, tính năng ẩn danh trong giao dịch tiền ảo đồng nghĩa tay tội phạm sẽ biến mất dễ dàng, để lại các nhà đầu tư "khô máu" hoặc giữ trong tay những đồng tiền vô giá trị.
Phúc Long
Theo Tuoitre.vn