tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Châu Âu liệu có tụt lại trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo với Mỹ và Trung Quốc?

  • Cập nhật : 26/04/2018

Châu Âu đối diện với một vấn đề không nhỏ và không hề dễ giải quyết: liên minh châu Âu có dân số 500 triệu người, nhưng lại chia tách thành 28 quốc gia.

anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Tại phòng nghiên cứu Bristol Robotics Laboratory ở Tây Nam nước Anh, người ta nhìn thấy rất nhiều những chiếc máy nhỏ cùng nhảy múa trên một mặt phẳng sáng bóng. Các nhà khoa học đang thử nghiệm để xem những robot này có thể tự tổ chức hoạt động và làm việc cùng với nhau như thế nào.

Cơ sở nghiên cứu này được nhận trợ cấp trực tiếp từ Liên minh châu Âu (EU), nó phản ánh cho nỗ lực của EU trong việc cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong ngày thứ Tư, EU công bố muốn tạo ra một hệ thống hàng trăm phòng nghiên cứu giống như phòng nghiên cứu kể trên. Mục tiêu chính là giúp các doanh nghiệp và nhà khoa học châu Âu cùng hợp tác với nhau nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu và công nghệ mới, đồng thời khuyến khích hàng nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hiện đang hình thành nên “xương sống” của nền kinh tế áp dụng nó.

Giáo sư tại phòng nghiên cứu Bristol, ông Farid Dailami, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tất cả những phòng nghiên cứu sẽ kết nối và trao đổi thông tin với nhau, tối đa hóa lợi ích của công nghệ và những kiến thức mà họ phát triển được”. Phòng nghiên cứu tại Bristol kết nối các nhà nghiên cứu và nguồn tài chính với những doanh nghiệp cần robot. 

Hiện nay, châu Âu đang có hai công ty chế tạo robot lớn nhất thế giới bao gồm ABB của Thụy Sỹ và Kuka AG của Đức. Tuy nhiên châu Âu không có nền hệ thống Internet lớn kiểu như Google hay Tencent để có thể khai thác được những dữ liệu làm nên nhiều bước tiến công nghệ trong AI.

Tệ hơn nữa, những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc có tiềm lực tài chính mạnh, họ sẽ không chỉ đủ tiền để chi tiêu cho những hoạt động nghiên cứu tốn kém mà còn có thể dễ dàng thâu tóm công ty công nghệ thành công của châu Âu. Một công ty Trung Quốc đã mua Kuka còn Google thâu tóm công ty trí tuệ nhân tạo thành công của Anh có tên Deep Mind.

Châu Âu đối diện với một vấn đề không nhỏ và không hề dễ giải quyết: EU có dân số 500 triệu người, nhưng lại chia tách thành 28 quốc gia. Mạng lưới các trường đại học, quỹ nghiên cứu và nhiều hệ thống khác có vai trò vô cùng quan trọng với hoạt động nghiên cứu không được liên kết tốt với nhau. 

Trung Quốc và các doanh nghiệp của họ, trong khi đó, lại có lợi thế khai thác đến 1,4 tỷ khách hàng tiềm năng chỉ trong một thị trường. Còn với Facebook, chỉ riêng Facebook đã có hơn 2 tỷ người dùng ở khắp nơi trên thế giới. 

“Hoạt động cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu cần đến việc EU phối hợp để có thể cạnh tranh được trong việc phát triển AI", Phó chủ tịch thị trường số của Ủy ban châu Âu (EC), ông Andrus Ansip, tuyên bố.

Mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn sau khi Anh rời EU vào năm sau. Giám đốc phòng nghiên cứu tại Bristol cho biết ông đã được thông báo vẫn tiếp tục hoạt động nghiên cứu như bình thường, tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu nguồn ngân sách của EU có thể tiếp tục tài trợ cho các phòng nghiên cứu ở Anh. 

Nhiều quan chức EU đánh giá cao môi trường nghiên cứu châu Âu đa dạng, tuy nhiên họ lo lắng các ý tưởng nghiên cứu đang rất khó có tính thực dụng cao. Có thể kể đến trong mảng sản xuất điện thoại di động, châu Âu chỉ dẫn đầu thế giới vào giai đoạn đầu, thế nhưng cuối cùng đã thảm bại với nhiều hệ điều hành đến từ bên ngoài châu Âu ví như Android hay IOS.

Trong số khoảng 230 startup có giá trị vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên - được coi là những "kỳ lân" (Unicorn) và là những Google hay Tencent của tương lai, EU chỉ có khoảng 26 doanh nghiệp và hơn nửa trong số đó hiện đang ở Anh. Trong khi đó, Trung Quốc có 65 doanh nghiệp còn Mỹ có 115 doanh nghiệp thuộc nhóm này.

EU sẽ bơm thêm khoảng 20 tỷ USD vào ngân sách nghiên cứu AI tại châu Âu, tiếp tục đào tạo thêm nhân lực nghiên cứu, cấp quyền sử dụng dữ liệu giá rẻ hơn đồng thời phát triển mạng lưới hệ thống nghiên cứu giống kiểu như phòng nghiên cứu Dailami ở Bristol. 


TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục