Một cơ chế tỷ giá linh hoạt hoàn toàn phải là do thị trường tự điều tiết. Trong khi đó, chính sách tỷ giá của NHNN tuy là “thả nổi có kiểm soát” nhưng thiên về kiểm soát hơn là thả nổi – tức là về bản chất cũng không khác gì so với trước đây.
Mở thị trường phái sinh tỷ giá, “chợ” ngoại hối thêm sinh động
- Cập nhật : 06/01/2016
(Tai chinh)
Điều hành tỷ giá sát thị trường nhưng vẫn xác định “vùng mục tiêu” để quản lý kết hợp với mở thị trường phái sinh...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cơ chế này mở ra cung cầu ngoại tệ thông suốt, giúp doanh nghiệp mua bán dễ dàng, đồng thời tránh được những cú sốc về giá.
Điều hành tỷ giá sát thị trường nhưng vẫn xác định “vùng mục tiêu” để quản lý kết hợp với mở thị trường phái sinh. Nhờ đó, “chợ” ngoại hối trở nên sinh động và bớt cứng nhắc khi mà doanh số phái sinh lên tới 200 - 300 triệu USD/ngày. Có thể, cơ quan quản lý tránh được tình trạng quần quật bảo vệ tỷ giá do áp lực no dồn đói góp.
Mặc dù từ bỏ cơ chế cấp “quota” tỷ giá hàng năm như từ 2015 về trước nhưng không có nghĩa, Ngân hàng Nhà nước buông hẳn sự biến động tỷ giá cho thị trường điều tiết.
Thay vào đó, khái niệm “thả nổi có quản lý” có vẻ mơ hồ, định tính nhiều hơn nhưng chắc chắn, nhà điều hành chỉ cho phép tỷ giá biến động trong một khung khổ hay còn gọi là “vùng mục tiêu”.
Phái sinh nhập cuộc
Để làm được điều này, ngoài việc tải một phần áp lực vào thị trường, Ngân hàng Nhà nước còn mở ra thị trường phái sinh, có giá trị như chốt chặn các con sóng của tỷ giá, trước khi chúng công phá vào “vùng mục tiêu” trước khi nhà điều hành sử dụng đến “lá bài” dự trữ ngoại hối.
Nói về vấn đề phái sinh tỷ giá, tại buổi tiếp xúc với báo chí ngày 4/1/2015, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, song hành với cơ chế mới về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đưa ra công cụ phái sinh, một điểm mới trên thị trường ngoại hối so với trước.
“Trước đây, khi can thiệp ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước thường sử dụng các công cụ đơn giản như giao ngay nhưng từ 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước bán phái sinh cho các tổ chức tín dụng với trạng thái về 0, giá bán cao hơn 1% so với giá bán ngày 31/12/2015, kỳ hạn 3 tháng, tức đến cuối tháng 3/2016”.
Lý do đầu tiên ở đây là phái sinh phải kết hợp với tỷ giá lên xuống, bởi thay vì đưa ra tuyên bố cứng tỷ giá biến động trong một khoảng phần trăm như trước thì Ngân hàng Nhà nước sử dụng biện pháp kỹ thuật giao dịch có kỳ hạn, nhằm hướng thị trường vào vùng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn đến cuối tháng 3/2015 là khoảng 1%.
Một yếu tố nữa liên quan đến “giá bán phái sinh 1%” như nói trên là yếu tố cung cầu vào cuối tháng 12/2015 và đầu tháng 1/2016. Đó là, cung ngoại tệ có thể tăng và khi Ngân hàng Nhà nước bán kỳ hạn cho tổ chức tín dụng ở mức đó (cao hơn 1% như nói trên), đồng nghĩa, nhà điều hành gửi thông điệp đến thị trường rằng các tổ chức tín dụng cứ để trạng thái ổn định và kinh doanh bình thường.
Trong trường hợp cần bù đắp, đến 31/3/2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ra nhưng thiết kế theo hướng “cho hủy ngang giữa chừng” và mức thu phí chỉ có tính chất tượng trưng.
Bởi vì để cho các tổ chức tín dụng tự do linh hoạt khi bán trạng thái nhằm tạo ra nguồn cung cho thị trường, khi nguồn cung căng thẳng. Tuy nhiên, sau Tết âm lịch, nguồn cung dồi dào hơn (do yếu tố mùa vụ), các tổ chức tín dụng có thể chủ động mua để thỏa mãn trạng thái. Giả định, nguồn cung không tốt như kỳ vọng, lúc đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra can thiệp với vai trò “người mua bán cuối cùng”.
“Bán kỳ hạn thực hiện song song với cơ chế mới tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước muốn đạt tới mục đích vừa neo được kỳ vọng của tổ chức tín dụng, xác định vùng mục tiêu điều chỉnh tỷ giá; đồng thời, cũng tạo ra nguồn cung phù hợp với diễn biến cung cầu”, ông Dũng quả quyết.
Doanh nghiệp lưu ý điều gì?
Ông Bùi Quốc Dũng cũng cho biết, với cơ chế mới, đặc biệt là sự nhập cuộc của phái sinh kỳ hạn, tỷ giá bình quân liên ngân hàng cuối ngày 5/1/2016 so với 31/12/2015 thấp hơn khoảng 60 VND với mỗi USD.
Có thể thấy, quan hệ về tỷ giá giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tạm coi như ổn nhưng với doanh nghiệp, cơ chế mới sẽ tác động như thế nào và cần lưu ý gì?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cơ chế này mở ra cung cầu ngoại tệ thông suốt, giúp doanh nghiệp mua bán dễ dàng, đồng thời tránh được những cú sốc về giá. Bởi trước đây, áp lực được tích tụ trong một thời gian dài, đến lúc điều chỉnh đột ngột, khiến chi phí mua ngoại tệ tăng cao, doanh nghiệp rất khó ổn định kế hoạch tài chính.
Nhưng điều quan trọng hơn, khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra giao dịch kỳ hạn, sẽ giúp tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phát triển thị trường ngoại hối thông qua công cụ phái sinh.
Phản ứng tích cực dễ nhận thấy từ thị trường là ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán phái sinh kỳ hạn thì trước đó 3 ngày, khi thị trường nhận được tín hiệu, doanh số giao dịch phái sinh lên tới 200 - 300 triệu USD/ngày thay vì 10 triệu USD/ngày như trước đây.
Trước đó, để đồng bộ với cơ chế tỷ giá mới và động thái mở cửa thị trường phái sinh, ngày 2/10/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN về “hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối” quy định: mua ngoại tệ trong vòng 2 ngày, được phép mua “giao ngay”; còn từ 3 ngày trở lên là mua “kỳ hạn”.
Mục tiêu thông tư này nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mua công cụ phái sinh tỷ giá và mua đều đặn thành nhiều lần trong năm để tránh áp lực tăng tỷ giá tăng tại một thời điểm.
Việc mua kỳ hạn, doanh nghiệp được lợi kép ở chỗ: được bảo vệ rủi ro tỷ giá, song song, mức phí trả cho ngân hàng khi mua phái sinh thấp hơn lãi suất VND mà doanh nghiệp thu được khi gửi vào ngân hàng.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngay trong ngày đầu năm 2016, doanh số giao dịch nghiệp vụ phái sinh với doanh nghiệp tăng gấp 3 - 4 lần/ngày so với trước đó.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn BIDV nhận định: không loại trừ khả năng trong năm 2016, dòng vốn ngoại đổ bộ vào Việt Nam tương tự, thậm chí lớn hơn năm 2007, khi Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO. Việc tạo ra thị trường ngoại tệ thông suốt kèm theo các công cụ phái sinh là cần thiết nhằm giúp thị trường tự phòng ngừa rủi ro; đồng thời, cơ quan quản lý cũng chủ động hơn khi ứng xử với các cú sốc từ bên ngoài.