Lời hứa thu hồi 34.000 tỷ đồng nợ thuế trong năm 2015 của vị tư lệnh ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội đã thành hiện thực và thậm chí số thực thu còn nhiều hơn thế (hơn 39.000 tỷ đồng).
Ai lợi, ai thiệt từ cơ chế tỷ giá trung tâm?
- Cập nhật : 06/01/2016
(Tai chinh)
Nếu tỷ giá điều hành linh hoạt hơn thì các mặt hàng xuất khẩu sẽ không bị mất tính cạnh tranh nhiều so với cách điều hành trước đây. Tuy nhiên, cơ chế này lại tạo ra thách thức cho những thành phần được lợi từ việc tỷ giá hối đoái ổn định, đó là DN vay nợ bằng ngoại tệ và các nhà đầu tư chứng khoán.
Nhận định trên được ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về các tác động của việc điều hành tỷ giá trung tâm vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố.
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới - tỷ giá trung tâm, áp dụng từ ngày 4/1/2016. Vậy cơ chế mới này sẽ tác động thế nào đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam?
Theo cơ chế điều hành này, trước mắt tác động sẽ không đáng kể. Vì về bản chất không khác nhiều so với trước đây, tức là NHNN vẫn công bốtỷ giá hối đoái trung tâm và chỉ một phần căn cứ vào cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Như vậy quyền tự định của NHNN vẫn là chính trong việc xác định tỷ giá hối đoái trung tâm và biên độ dao động vẫn là +/-3%.
NHNN đưa thêm sản phẩm công cụ phái sinh trong việc bán ngoại tệ kỳ hạn cho các NHTM đến quý I/2016, tỷ giá chênh lệch 1% so với cuối năm 2015. Mức chênh lệch 1% kỳ hạn 3 tháng này không căn cứ chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD. Trong khi đó, cam kết chính của NHNN cho thấy tỷ giá sẽ linh hoạt hơn nhưng thực tế vẫn bị kiểm soát.
Vì vậy trước mắt tác động đến các chỉ số vĩ mô không nhiều. Song đương nhiên sẽ tác động đến vi mô tức là các DN mà cụ thể là khi tỷ giá biến động hàng ngày thì sẽ tác động nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cụ thể chính sách điều hành này sẽ tác động thế nào đến các hoạt động xuất nhập khẩu, thưa ông?
Trước đây NHNN lo khi can thiệp vào tỷ giá, nên đặt ra vấn đề là tỷ giá ảnh hưởng xuất nhập khẩu. Đơn cử như xuất khẩu nông sản Việt Nam thời gian vừa qua, do tỷ giá tiền Đồng giữ ổn định với USD trong khi tỷ giá các nước khác mất giá rất nhiều, dẫn đến trong năm 2015 xuất khẩu nông sản gặp khó khăn và có nguyên nhân lớn từ tỷ giá.
Song nếu tỷ giá điều hành linh hoạt hơn, Đồng Việt Nam được cho mất giá thì các mặt hàng xuất khẩu nông sản như cà phê sẽ không bị mất tính cạnh tranh nhiều như vừa rồi.
Nhập khẩu cũng tương tự, nếu trong năm qua nhập siêu của ta gia tăng, một phần do kinh tế phát triển, tăng trưởng cao hơn, nên làm tăng cầu nhập khẩu. Nhưng yếu tố nữa là khi tỷ giá hối đoái ổn định, những mặt hàng của các nước khác như Trung Quốc và các nước ASEAN nhập về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn thì nhập khẩu tăng. Do đó tỷ giá linh hoạt hơn thì nhập khẩu sẽ tự điều chỉnh.
Nếu tỷ giá cố định thì sẽ bị đánh giá là ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của xuất khẩu hay nhập khẩu, nên có thể DN xuất khẩu cho rằng thời gian qua gặp khó khăn do không điều chỉnh tỷ giá. Nhưng tỷ giá được thả nổi hoàn toàn thì lại do tác động của thị trường.
Chung quy lại, về mặt vĩ mô thì khi tỷ giá linh hoạt hơn, hoạt động xuất nhập khẩu và tính cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu cũng sẽ thay đổi theo biến động của tỷ giá.
Vậy theo ông những đối tượng nào sẽ gặp khó khăn khi NHNN điều hành tỷ giá theo cách thức này?
Việc NHNN cần can thiệp để ổn định tỷ giá là có lý do riêng. Tuy nhiên, việc thả nổi sẽ tạo ra thách thức cho những thành phần được lợi từ việc tỷ giá hối đoái ổn định trước đây.
Cụ thể là các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ và phải trả nợ bằng ngoại tệ trước đây được lợi từ tỷ giá hối đoái ổn định, giờ đây sẽ chịu áp lực của thị trường là đồng tiền Việt Nam có thể phải mất giá nhiều hơn.
Các nhà đầu tư chứng khoán cũng muốn tỷ giá được ổn định vì khi đầu tư chứng khoán mệnh giá đều bằng tiền Việt Nam, nên việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo thách thức cho họ là phải tự quản lý rủi ro khi biến động tỷ giá.
Một thách thức nữa cũng đặt ra là cho chính cơ chế điều hành tỷ giá. NHNN cho biết việc xác định tỷ giá hối đoái trung tâm sẽ căn cứ vào ba nhóm yếu tố, nhưng bản chất vẫn là NHNN có quyền tự định lớn trong việc xác định tỷ giá hối đoái trung tâm mà không nhất thiết phản ánh điều kiện cung cầu trên thị trường. Tức là vẫn có sự can thiệp lớn của NHNN.
Mà đối với nhà đầu tư, nếu như hoàn toàn thị trường thì họ sẽ quản lý rủi ro nhưng bây giờ thì thực tế họ phải chấp nhận tỷ giá biến động nhiều hơn. Tức là họ phải quan sát động thái, giải thích lại những giải thích của NHNN và cũng phải phỏng đoán động thái của NHNN trong điều hành tỷ giá chứ không chỉ nhìn vào thị trường.
Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!