tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TS.Nguyễn Đức Độ: Chính sách tỷ giá mới sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lạm phát

  • Cập nhật : 06/01/2016

(Tai chinh)

Mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cơ chế tỷ giá mới không phải để tác động cho sản xuất, mà để chống găm giữ ngoại tệ, giảm đô la hóa. Do đó tác động đến xuất nhập khẩu cũng sẽ là lâu dài và hiện chưa cảm nhận được.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cho rằng cơ chế tỷ giá mới không phải là yếu tố quyết định tác động đến lạm phát hay các ngành sản xuất mà mức độ phá giá mới là yếu tố căn bản quyết định, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nói với chúng tôi rằng cơ chế tỷ giá trung tâm mà NHNN đưa ra có tác dụng nhiều hơn trong việc chốnggăm giữ ngoại tệ và giảm đô la hóa.

Ông đánh giá thế nào về tác động của cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm đến lạm phát năm 2016?

Chính sách tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, vì NHNN vẫn sẽ ổn định tỷ giá thôi. Mặc dù có tác động, nhưng có thể thấy năm 2015 phá giá 5% thì lạm phát cũng chỉ như vậy (PV- ở mức tăng thấp là 0,63%), cho dù có yếu tố giá dầu giảm.

Do vậy, cơ chế điều hành tỷ giá từ cơ chế cũ sang cơ chế trung tâm cho dù có tác động đến lạm phát nhưng sẽ không quá lớn. Quan trọng là năm nay NHNN phá giá bao nhiêu thôi chứ còn cơ chế tỷ giá này theo tôi là không có ảnh hưởng nhiều.

Nếu như vậy thì đối với các ngành sản xuất, cơ chế điều chỉnh tỷ giá trung tâm của NHNN cũng sẽ không bị tác động nhiều?

Để tỷ giá tác động đến khu vực sản xuất thì phải có độ trễ tương đối lớn. Đầu tiên là khi phá giá DN thấy giá bán với doanh thu bằng tiền Việt cao lên thì mới tính đến đầu tư thêm tài sản máy móc và nguyên vật liệu để sản xuất thêm, nên sau một thời gian mới tác động đến khu vực sản xuất.

Chưa kể nếu xuất khẩu ở mức cao, tức là sản xuất nhà máy đã hết công suất rồi, thì phải xây dựng nhà máy mới, thuê công nhân, sẽ mất ít nhất vài tháng, nhiều là một vài năm, chính sách tỷ giá mới tác động đến khu vực sản xuất.

Do đó, tôi cho rằng việc NHNN phá giá một ngày vài đồng, một tháng vài trăm đồng thì không khác nhau nhiều lắm. Mục tiêu mà NHNN đưa ra cơ chế tỷ giá mới không phải để tác động cho sản xuất nhiều hơn hay ít hơn, mà để chống găm giữ ngoại tệ, giảm đô la hóa. Theo đó tác động đến xuất nhập khẩu cũng sẽ là lâu dài và hiện chưa cảm nhận được.

Tuy nhiên vẫn có một số ngành sản xuất phải sử dụng ngoại tệ nhiều lại cho rằng họ sẽ gặp rủi ro nhiều hơn với cơ chế tỷ giá này?

Với cơ chế mới mà NHNN đưa ra thì mỗi ngày tỷ giá chỉ dao động một vài đồng và mọi người đều đoán được. Sau một hai tháng hay một hai quý, nhìn nhận tỷ giá thay đổi như thế nào thì mới có biện pháp bảo hiểm. Cơ chế này vẫn còn hơn là điều chỉnh một lúc tăng ngay 1% - 2%. Tức là với cơ chế mới NHNN muốn mọi người nhìn thấy con đường đi và đoán định được xu hướng của tỷ giá.

Điều quan trọng nhất ở cơ chế này cần phải thấy rõ, đó là mục tiêu vẫn phải ổn định thị trường ngoại tệ. Tỷ giá có lên có xuống nhưng mục tiêu vẫn là ổn định, nên không thể nói là rủi ro, thậm chí còn ít rủi ro hơn so với cách điều hành tăng tỷ giá như trước đây. Do đó, tác động của cơ chế này nhìn thấy rõ nhất là hoạt động găm giữ ngoại tệ, còn với các ngành sản xuất thì không khác gì với trước đây.

Như vậy thì cơ chế điều chỉnh tỷ giá trung tâm qua việc điều chỉnh tỷ giá hàng ngày khác gì với cơ chế trước đây, thưa ông?

Cần phân định rõ, cơ chế tỷ giá là điều chỉnh hàng ngày hay điều chỉnh giật cục, sẽ khác với mức độ phá giá. Mà yếu tố ảnh hưởng đến ngành sản xuất là mức độ phá giá chứ không phải là cơ chế điều chỉnh tỷ giá.

Điều chỉnh hàng ngày hoặc hàng quý, nửa năm một lần, tác động đến khu vực sản xuất là không khác nhau, mà khác nhau nằm ở việc quy mô phá giá là 1% hay 5%. Tôi khẳng định việc thay đổi cơ chế không tác động đến ngành sản xuất trong trước mắt và chỉ có tác động dần dần, về lâu dài, còn mức độ phá giá mới là yếu tố chính tác động đến các ngành sản xuất.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục