Phản ứng của giá vàng với những nguy cơ địa chính trị đang gia tăng trong những tháng qua khá là mờ nhạt.
Lịch sử đang nghiêng về nới biên độ tỷ giá
- Cập nhật : 21/08/2015
(Tin kinh te)
Lịch sử điều hành chính sách tỷ giá USD/VND đang nghiêng về một biên độ tỷ giá rộng hơn, như một ứng xử cần thiết trước các biến cố.
Từ đầu giờ chiều 18/8/2015, có một diễn biến nhỏ và tưởng như riêng lẻ: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bất ngờ nâng mạnh giá mua vào USD, tăng thêm 20 VND cả mua vào tiền mặt và mua chuyển khoản.
Nhưng, đó là diễn biến rất đáng chú ý, vì lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ từ +/-1% lên +/-2%, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại kịch trần, việc nâng mạnh giá mua vào như trên tại một thành viên có thị phần thanh toán xuất nhập khẩu lớn mới diễn ra.
Trên thị trường liên ngân hàng, 4 ngày đầu thực hiện biên độ mới, khó có thể nói tỷ giá USD/VND đã định hình được một mặt bằng phản ánh đúng quan hệ cung - cầu, vì mức giao dịch phổ biến trong khoảng 22.085 - 22.106 VND.
Tương tự, trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, cũng khó thể nói một mặt bằng thực tế do chính thị trường đã định hình, vì mức giá bán ra đã kịch trần biên độ.
Nói cách khác, tỷ giá USD/VND đã ở giới hạn tối đa của biên độ cho phép. Nó không thể tiếp tục biến động theo chiều tăng lên để có thể tiếp tục phản ánh tiếng nói thị trường và định hình một mặt bằng mới đúng nghĩa. Hay, tiếng nói của thị trường vẫn chưa thực sự được thỏa mãn (?).
Về cơ chế điều hành, biên độ được nới lên +/-2% vẫn chưa phản ánh được hết sự truyền dẫn của tác động từ sự kiện Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, vì tỷ giá USD/VND đã sớm kịch trần và tiếp tục có biểu hiện căng thẳng.
Vậy thì, một biên độ lớn hơn sẽ phản ánh rõ hơn mức độ của tác động đó. Việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ là một sự kiện lớn, có sức cộng hưởng lớn trên thị trường thế giới và cả Việt Nam.
Trong lịch sử điều hành chính sách tỷ giá, trước các biến động lớn, Ngân hàng Nhà nước thường mở rộng biên độ tỷ giá, như để thị trường có điều kiện ghi nhận một cách đầy đủ hơn và phản ánh sát thực hơn, qua đó để xác định các biện pháp điều hành hỗ trợ khác.
Điển hình như năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng nới biên độ tỷ giá từ +/-5% lên +/-10%. Sau đó, khi thị trường dần ổn định, biên độ tỷ giá nhanh chóng được thu hẹp trở lại.
Gần hơn, như năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu xẩy ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phản ứng nhanh, liên tục nới và nới rộng biên độ tỷ giá, từ +/-0,75% lần lượt lên tới +/-5%.
Lần này, việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ cũng là một biến cố lớn, có tác động lớn, và Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.
Tuy nhiên, như trên, biên độ +/-2% nói trên đã đủ để tạo linh hoạt cho thị trường - điều mà Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh - hay chưa, có tiếp tục nới biên độ tiếp hay không là điều hẳn các thành viên thị trường đang quan tâm.
Còn Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 4 ngày thực tế thực hiện biên độ mới để quan sát, đánh giá và xem xét biện pháp ứng xử (như bán ra ngoại tệ can thiệp cũng là một biện pháp).
Nhưng nếu trạng thái kịch trần biên độ kéo dài, yêu cầu bán ra ngoại tệ can thiệp kéo dài, và tiếng nói của thị trường bị giới hạn ở mức trần như trên, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục linh hoạt các biện pháp điều hành, có các công cụ và phương án để chủ động lựa chọn.