Nếu chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách, thì những sự kiện lớn của kinh tế thế giới như sự thay đổi chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) vừa qua của Trung Quốc không những không gây biến động cho Việt Nam, mà ngược lại có thể giúp nền kinh tế.
Thống đốc nói gì về việc cho vay tín chấp chưa mạnh?
- Cập nhật : 22/08/2015
(Tai chinh)
Theo Thống đốc, việc cho vay tín chấp còn yếu có nhiều lý do như kinh doanh của DN và người dân gặp khó khăn, năng lực tài chính của DN yếu, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án...
Ngân hàng Nhà nước mới đăng tải thông tin trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đã cơ cấu lại nợ được hơn 320 nghìn tỷ đồng
Tại văn bản trả lời đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, thực tiễn cho thấy, trước năm 2011, tín dụng của hệ thống ngân hàng liên tục tăng cao đã dẫn đến nợ xấu phát sinh, theo đó nhiều khoản vay không thu hồi được nợ và đã có nhiều vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng xảy ra, dẫn đến cán bộ tín dụng thận trọng hơn khi lựa chọn khách hàng và xét duyệt cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD) đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, từ đó mạnh dạn cho vay hơn. Về phía NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp như ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 cho phép các TCTD được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng vay mà TCTD đánh giá là có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Cơ chế này đã giúp cho doanh nghiệp được các TCTD cơ cấu lại nợ với tổng số tiền là 320.819 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như được tiếp tục vay vốn ngân hàng.
3 năm thực hiện kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đã có gần 100 nghìn tỷ đồng được cho vay
Thống đốc cho biết thêm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, NHNN đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, đồng thời tạo điều kiện cho TCTD mạnh dạn hơn trong cho vay đối với doanh nghiệp.
Việc triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong cả nước đã mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (Năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, đã tổ chức 36 đợt ký kết với 19 ngân hàng thương mại tham gia cho 2.120 khách hàng vay với tổng số tiền là 71.341 tỷ đồng và qua hơn 3 năm thực hiện đã có khoảng 5.500 khách hàng vay vốn tại TCTD với tổng số tiền trên 98.700 tỷ đồng).
Ngoài ra, NHNN tích cực triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ nhằm khuyến khích các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó quy định TCTD xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền theo chuỗi liên kết.
Để tháo gỡ vấn đề hình sự hóa quan hệ tín dụng, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương để xem xét các vụ việc đảm bảo nguyên tắc xử lý đúng người đúng tội; trường hợp áp dụng các biện pháp kinh tế, thì thực hiện các biện pháp kinh tế.
Không cấm TCTD cho vay tín chấp
Đối với vấn đề tăng cường cho vay tín chấp, theo các quy định của pháp luật hiện hành thì không cấm các TCTD cho vay tín chấp. Các TCTD được xem xét quyết định cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản; theo đó, doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn, thì có thể được TCTD xem xét quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tín chấp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cho vay tín chấp chưa được nhiều một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, một số doanh nghiệp năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn.
Để tăng cường cho vay tín chấp, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức (như Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp) kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay...;
NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và dự kiến sớm được ban hành trong thời gian tới, trong đó NHNN đã đề xuất điều chỉnh tăng mức cho vay không có tài sản đảm bảo từ 1,5 đến 2 lần so với mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhất là cho vay tín chấp, tránh tình trạng hình sự hóa quan hệ tín dụng, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ngoài những cố gắng nỗ lực từ phía hệ thống ngân hàng, theo Thống đốc cần có sự nỗ lực phẫn đấu của doanh nghiệp và sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.