Tại các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên GDP vẫn đang tiếp tục gia tăng, bất chấp sự cạnh tranh từ các công nghệ mới.
TQ phá giá, Mỹ nới lỏng: Việt Nam ‘chưa có tiền lệ’
- Cập nhật : 22/08/2015
(Tin kinh te)
Quyết định tăng tỷ giá thêm 1% đồng thời nới biên độ thêm 3% được cho là quyết định chưa có tiền lệ của NHNN. Bước đi này được cho là cần thiết để đối phó với việc Trung Quốc liên tiếp phá giá NDT ở mức 4,7%, đồng thời để đối phó với việc FED có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 này. Tuy nhiên, thị trường cũng vẫn ‘sốc’. Nhất là khi, chỉ trong một tuần, NHNN đã có hai quyết định mạnh tay về tỷ giá. Hôm 12/8, biên độ tỷ giá từ 1% lên 2%.
Thích vẫn sốc
Nếu không điều chỉnh, Việt Nam sẽ đối mặt với bất lợi, bởi Trung Quốc (TQ) là đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (VN). Hàng hóa xuất khẩu của VN sang các thị trường quốc tế khá tương đồng với hàng hóa TQ.
“TQ là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn nhất và đang xuất siêu sang VN. NDT yếu sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng nhập siêu từ TQ. Cùng với đó, nhiều đồng tiền của các nước trong khu vực cũng đang mất giá, sẽ khiến cho xuất khẩu của VN chịu áp lực của sự cạnh tranh mạnh”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: "Tỷ giá tăng, các DN xuất khẩu sẽ được lợi rất nhiều. Chắc chắn họ sẽ háo hức đón nhận tin này. Những ngành hàng được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá là nông thủy sản, dệt may, da giày...’.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: "Trong hoàn cảnh các đồng tiền khác mất giá, mà cố giữ VND trong biên độ hẹp 2% là không nên. Với kinh doanh quốc tế, việc làm cho đồng tiền có giá trị thấp là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, cứ “neo” vào USD, đồng tiền của chúng ta sẽ cao giá, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước. Cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt cho DN và người dân quen dần, không nên giữ cố định, bởi sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, đầu cơ để đẩy tỷ giá lên”.Các kinh tế gia cũng cho rằng, với việc nới biên độ lên +/- 3%, cơ quan điều hành đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng. Điều này sẽ khiến cho cung cầu gặp nhau trên thị trường, tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Điều này sẽ làm giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường.
Tuy nhiên, với hai quyết định mạnh tay liên tiếp trong một tuần cũng không tránh khỏi việc gây sốc cho thị trường. Giải thích điều này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói: việc điều chỉnh biên độ tăng lên +/-2% ngày 12/8 là giải pháp bước đầu nhằm ứng phó với việc NDT đột ngột giảm giá. Nếu như điều chỉnh luôn một lần vào thời điểm TQ điều chỉnh giảm giá NDT thị trường sẽ cho rằng việc điều chỉnh này chỉ nhằm ứng phó với biến động của NDT, do đó sẽ tiếp tục kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, ảnh hưởng bất lợi tới sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
“Sau khi điều chỉnh tăng biên độ, thị trường có xu hướng dần ổn định nhưng tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc FED sẽ sớm tăng lãi suất. Bởi vậy NHNN quyết định điều chỉnh tăng cả tỷ giá BQLNH và biên độ thêm 1%”.
Cắt đầu cơNói về những diễn biến gần đây, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh - phân tích: "Chúng ta chia ra làm hai lần điều chỉnh. Lần thứ nhất nhằm đối phó ngay lập tức với việc TQ giảm giá đồng NDT, còn lần này sẽ dài hơi hơn".
Tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước.
Theo ông Nghĩa, một mặt để đối phó với việc FED có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 này, mặt khác diễn biến thị trường ngoại hối tuần qua cũng bị ảnh hưởng của việc giảm giá đồng NDT và NHNN cần thiết phải có tác động chính sách. Quan trọng thông điệp của NHNN nói rõ sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.
“Các DN ngân hàng và người dân cũng không dại gì mà giữ ngoại tệ mà họ duy trì trạng thái Việt Nam đồng để có lợi hơn. Tôi nghĩ đó là động thái điều hành đón đầu thị trường rất kịp thời và mức độ điều chỉnh lớn như vậy rất tốt, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ thời gian tới”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam, những biện pháp chính sách vừa qua của NHNN như mở rộng biên độ tỷ giá và giảm giá đồng tiền là bằng chứng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, qua đó cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ tỷ giá, đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính.
“Chúng tôi cho rằng đây là bước đi đúng hướng và chủ động của NHNN sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài và thậm chí đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới như việc FED rút gói nới lỏng định lượng”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh,
Bà Victoria Kwakwa lưu ý, NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra, ví dụ như diễn biến của đồng NDT và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời theo hướng để cho các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường trong biên độ đề ra.