Việt Nam đã có được thành công bước đầu với startup và đang có thế hệ startup thứ ba trẻ trung và sôi nổi hơn. Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ startup này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu.
Trở thành giám đốc marketing dù không có bằng đại học
- Cập nhật : 04/08/2015
(Kinh doanh)
Thất bại khi khởi nghiệp sớm và dở dang trong việc lấy bằng đại học, nhưng bù lại, anh Xuân Trường đã trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm thực tế để giờ đây đang được một công ty trọng dụng với vị trí giám đốc marketing.
Dưới đây là bài học khởi nghiệp do anh Hoàng Xuân Trường chia sẻ với độc giả VnExpress.
Tôi năm nay 24 tuổi, sinh ra ở một thị xã ven biển nghèo. Gia đình tôi, từ ba và mẹ đều có tuổi thơ khó nhọc. Ba tôi sinh ra ở vùng bom đạn Quảng Trị. Năm 1972, gia đình ba di tản chiến tranh vào nam và cuộc sống gần như bế tắc khi ông nội hy sinh, để lại người bà và đám con thơ.
Bà nội tôi sáng sáng lại đòn gánh trên lưng, một bên là hàng, một bên là đám con nheo nhóc, vượt đồi cát để đi bán những món hàng quê đổi lấy gạo tiền lo cho con. Ba tôi lớn lên với một tuổi thơ khổ cực và chỉ học hết lớp 11. Sau đó, ba cảm thấy gia đình quá khó khăn nên đành phải thoát ly, tìm kiếm cho mình một cơ hội mới.
Còn mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nghèo 4 chị em ở vùng quê Nam Định. Năm 18 tuổi, sau khi thi tốt nghiệp cấp 3, một mình mẹ đã theo chuyến tàu vào nam để tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc đời. Ba mẹ tôi đã gặp nhau và nên duyên chồng vợ.
Vốn đã nghèo khó, khi sinh tôi được hai tuổi, ba mẹ gặp trục trặc về công việc nên cuộc sống càng thêm vất vả. Từ đó cho đến hơn 10 năm sau, một bữa cơm thịt cá đầy đủ là điều hết sức xa xỉ với gia đình tôi. Bản thân mẹ, suốt thời gian đó cũng không đủ tiền may cho mình một bộ đồ mới.
Sau đó, với sự cố gắng làm việc của ba mẹ, gia đình có một nguồn kinh tế khá hơn, nhưng tôi không bao giờ quên được cái quá khứ khó nhọc đó. Trong suốt những năm học cấp 3, tôi luôn cố gắng tập cho mình một cuộc sống tự lập về mặt suy nghỉ, đồng thời khao khát làm giàu.
Hãy gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, làm giàu của bạn vềkinhdoanh@vnexpress.net
Thời gian này, tôi luôn tìm tòi trên mạng các thông tin kinh doanh, tự học các kiến thức để khởi nghiệp. Bản thân tôi tự nghĩ rằng, không có gì là khó cả, tuổi tác không quan trọng, miễn là mình có đam mê, có ý chí, có nghị lực để vươn lên.
Trong suốt những năm tập tành làm kinh doanh ở lứa tuổi học trò, không kiếm được nhiều tiền nhưng tôi tích luỹ cho mình thêm một chút kinh nghiệm sống. Sau đó, tôi thi đậu vào một trường đại học cũng khá nổi tiếng ở TP HCM với chuyên ngành marketing.
Ngay khi nhận giấy trúng tuyển nhập học cũng là lúc tôi chính thức nhận được giấy đăng ký kinh doanh của công ty. Lúc đó, tôi lập công ty chuyên cung cấp dịch vụ tiếp thị (agency) cho các đại lý vé máy bay, rồi đặt phòng khách sạn trực tuyến, cũng như xin làm đại lý cho một số agency booking ở Việt Nam. Hầu như ai cũng thiếu tin tưởng vào công việc này của tôi vì cho rằng, kinh doanh gì với số vốn chỉ vài triệu đồng. Ba mẹ cũng nghĩ tôi "không bình thường", và khuyên tôi nên tập trung vào việc học. Nhưng họ thấy tôi quyết tâm nên rồi cũng ủng hộ 5 triệu theo kiểu "không làm được thì lấy tiền đó mà ăn cho ấm thân".
Tôi lao vào thực hiện khát vọng kinh doanh. Cứ sáng đi học, chiều làm, tối nghiên cứu. Tôi tìm hiểu kỹ các trang mạng xã hội và thấy đây là một kênh kiếm tiền tốt vì nó đang là trào lưu ở Việt Nam. Tôi bắt đầu mày mò, ngồi đọc tài liệu ebook, ngồi dịch từng chữ bằng từ điển để hiểu và biết cách làm, sau đó ứng dụng vào việc kinh doanh.
Nhờ các mạng xã hội này, khách hàng đặt dịch vụ của tôi ngày càng nhiều, doanh thu khá tốt. Tôi bắt đầu thuê nhân viên, từ 1- 2 người, rồi đến 8 người. Tôi tiếp tục đầu tư văn phòng, trang thiết bị để phục vụ công việc (văn phòng được một người anh đồng hương cho mượn cái phòng ở kho công ty).
Trong vòng một năm, vừa học, vừa làm, tôi có một lượng khách ổn định, doanh thu hàng tháng có khi lên tới vài trăm triệu, cũng đủ tiền trả lương nhân viên, đồng thời dư ra một phần lợi nhuận chi tiêu và gửi về cho ba mẹ. Cũng nhờ công việc của mình, tôi có điều kiện đi du lịch nhiều nơi, ở khách sạn sang trọng lại hoàn toàn "miễn phí".
Sau đó, trong quá trình làm việc, tôi quen biết một anh là chủ công ty lớn (có 3 khách sạn, 2 nhà hàng, một chuỗi sân bóng mini). Thấy tôi có chí tiến thủ, lại học marketing cũng như hiểu về internet nên ngỏ ý muốn tôi góp vốn bằng cách nhập công ty tôi vào, sau đó tách ra làm một bộ phận chuyên về thương mại điện tử.
Tôi trở thành một phó giám đốc marketing mảng thương mại điện tử của công ty này khi chỉ gần 21 tuổi. Vẫn thế, sáng tôi đi học, chiều làm, tối nghiên cứu. Tôi cứ miệt mài làm việc và sau đó đã tìm ra cho mình một sản phẩm mới - dịch vụ lưu trữ đám mây. Theo kế hoạch, tôi muốn nó trở thành một dịch vụ đám mây miễn phí và tiện ích lớn tại Việt Nam.
Thời điểm tôi ra mắt sản phẩm có nhiều đối thủ cạnh tranh với nguồn vốn lớn hơn. Đó cũng là một khó khăn, nhưng không vì thế mà khiến tôi chùn bước. Tôi vẫn cứ làm hết mình và theo đuổi hết mình cho sản phẩm này. Và rồi, trời không phụ công khi dịch vụ của tôi tốt, nhiều tiện ích nên thu hút được khá đông khách hàng, có những lúc lên tới vài trăm ngàn khách truy cập mỗi ngày.
Nhưng sau đó, khó khăn lại ập đến khi kinh phí bắt đầu đội lên, dự án của tôi thu không đủ chi. Tôi bắt đầu phải tự mình tìm kiếm các quỹ đầu tư nhằm rót vốn vào nhưng đều thất bại.
Cuối năm 2014, "đứa con tinh thần" của tôi chính thức chết, tức chỉ trụ được hơn một năm. Lúc đó tôi rất đau, mọi thứ xung quang như tối sầm lại. Với thất bại này, tôi phải bước ra khỏi công ty đó, với một sự hụt hẫng tột cùng vì có cảm giác mình bị mất hết :"công việc, kể cả tương lai học hành".
Có thời điểm, vài ngày tôi không thể ngủ được, nước mắt cứ trào ra lúc nào không biết. Bởi bao nhiêu công sức, tiền bạc của bản thân cũng như một phần vốn của công ty đều đổ vào với cố gắng duy trì nhưng rồi lại thất bại. Nhiều khi tôi cảm thấy mình kiệt sực và hối tiếc vì nhìn xung quanh bạn bè ai cũng tốt nghiệp, còn bản thân do quá bận công việc nên đầu năm thứ tư đại học phải gác lại để cố gắng cứu "đứa con tinh thần" này. Vậy mà giờ tôi đã trắng tay.
Ba mẹ tôi cũng buồn vì thấy con trai mình trở về với số không. Nhưng rồi, tôi không cho phép mình quỵ ngã. Thời gian ngắn sau đó, tôi nhanh chóng lấy lại thăng bằng vì nghĩ rằng mình vẫn còn cái đầu, kinh nghiệm và sự chững chạc sau thất bại ấy.
Tôi nghỉ ngơi 2 tháng để lấy lại tinh thần cho những công việc mới. Tôi quyết định viết hồ sơ xin việc trong đó không che giấu bất cứ thứ gì, từ việc không bằng cấp đại học cho đến việc thất bại của mình. Tôi đưa hồ sơ lên các trang mạng tìm việc và thật bất ngờ là khi đó lại được nhiều công ty để ý đến. Họ đã gọi phỏng vấn tôi với nhiều vị trí khác nhau, đa phần là công việc quản lý cấp trung.
Sau đó, tôi trúng tuyển vào vị trí Giám đốc Marketing của một công ty quy mô vừa với mức lương khởi điểm trên 700 USD (khoảng 14 triệu đồng), đủ để trang trải cuộc sống cũng như tiết kiệm tiền để ... khởi nghiệp lại lần nữa.
Hiện tại công việc của tôi rất tốt. Tuy nhiên, tôi đã đưa ra quyết tâm là sẽ đi làm thuê một thời gian, tích luỹ thêm kinh nghiệm, mối quan hệ và ít vốn, sau đó tiếp tục xây dựng lại "đứa con tình thần" của mình.
Qua câu chuyện của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ một điều rằng tấm bằng đại học không phải lúc nào cũng là con đường tốt nhất. Nếu chúng ta có nghị lực, chịu khó cọ xát thực tế thì trường đời cũng sẽ giúp cho mỗi người học được những kinh nghiệm tốt để làm việc hiệu quả sau này.
Riêng với các bạn sẽ và đang là sinh viên, tôi cũng có lời khuyên rằng, muốn có công việc tốt và có thể thành công, các bạn không nên chỉ học lý thuyết suông ở nhà trường mà cần có sự thực hành ngoài xã hội. Vừa học, vừa làm có thể sẽ vất vả, nhưng với cách học như vậy, sau khi ra trường không có công ty nào nỡ lòng không tuyển các bạn cả.
Còn thực tế hiện nay, rất nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp là do họ chỉ biết học mà không có hành. Do vậy, bạn nào nếu không xin được việc, đừng trách công ty, đừng bao giờ đặt câu hỏi "tôi là sinh viên mà đòi kinh nghiệm".