Công ty chứng khoán MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ đẩy lãi suất tăng nhẹ trong thời gian tới và áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm đang ngày một gia tăng.
Kiểm toán nhà nước đối với quản lý ngân sách: Những vấn đề đặt ra
- Cập nhật : 08/11/2015
(Tai chinh)
Không chỉ riêng Việt Nam, hiện nay phần đa các nước trên thế giới đều nhìn nhận kiểm toán là công cụ quan trọng bậc nhất giúp Nhà nước thực hiện quản lý thu – chi ngân sách. Tuy nhiên, để kiện toàn và nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách trong bối cảnh hội nhập, bài viết khái quát vai trò của kiểm toán đối với công tác quản lý ngân sách, từ đó đề xuất giải pháp và khuyến nghị cho hoạt động này thời gian tới.
Cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước trong nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động quản lý ngân sách
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005 nêu rõ, mục đích của hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là “phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.
Vấn đề này tiếp tục được tái khẳng định trong hiến pháp 2013 “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Đồng thời, chúng được cụ thể hóa trong Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2015, đó là thông qua quy định đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là “việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán” và chức năng của Kiểm toán Nhà nước là “đánh giá, xác nhận kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Với cơ sở pháp lý vững chắc cùng hơn 3.500 cán bộ, công chức, kiểm toán viên, thời gian qua Kiểm toán Nhà nước đã thực sự phát huy vai trò tích cực trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN). Cụ thể theo đánh giá của giới chuyên gia, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần và đạt được một số kết quả nhất định sau:
Thứ nhất, thông qua việc thực hiện chức năng đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực và hợp lý của báo cáo quyết toán NSNN, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp được thông tin có chất lượng, tin cậy về quản lý NSNN để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát ngân sách. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cung cấp thông tin, dữ liệu để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình. Các thông tin Kiểm toán Nhà nước cung cấp cũng được HĐND sử dụng ngày càng nhiều trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Thứ hai, Kiểm toán Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý NSNN. Với chức năng tư vấn của một cơ quan kiểm tra tài chính công, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ nhiều văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế liên quan đến quản lý, sử dụng NSNN...
Thứ ba, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần đưa công tác sử dụng, quản lý tài chính ngân sách vào nề nếp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện được những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính - ngân sách. Trong khoảng thời gian 1994 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các kiến nghị, đề xuất xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần không nhỏ làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Theo Báo cáo 20 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng trong 20 năm qua; trong đó tăng thu NSNN 29.148 tỷ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỷ đồng. Tính riêng 5 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính, trong đó tăng thu NSNN 14.290 tỷ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỷ đồng. Riêng năm 2014, kết quả kiểm toán thu, chi NSNN năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tăng thu 4.497,8 tỷ đồng… (Theo Báo cáo tổng hợp kiểm toán quyết toán NSNN 2013).
Bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục, đó là: Thực trạng công tác kiểm toán NSNN của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế về quy mô, phạm vi, chất lượng, hiệu lực kiểm toán. Thực trạng kiểm toán hiệu quả sử dụng ngân sách cho thấy, hiện nay về cơ bản chúng ta chỉ tiếp cận ngân sách qua kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, trong đó còn nặng về phát hiện sai sót. Kiểm toán hoạt động chưa chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, chưa đi sâu vào kiểm toán mục tiêu đánh giá tính hiệu quả của chi tiêu ngân sách, kiểm toán dự toán, phân bổ nguồn lực ngân sách do năng lực đội ngũ kiểm toán viên còn hạn chế cũng như những rào cản, sự hạn chế về phạm vi của các quy định pháp lý trong kiểm toán ngân sách…
Đặc biệt, mối quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan nhà nước hữu quan trong kiểm toán NSNN chưa đạt hiệu quả cao. Bởi do mối quan hệ chưa có tính thường xuyên, liên tục và cơ chế chưa mang tính ràng buộc pháp lý. Mối quan hệ hiện chủ yếu dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin phục vụ kiểm toán, phối hợp sau kiểm toán còn rất hạn chế nên việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn chưa hiệu quả. Không ít trường hợp thông tin được đơn vị được kiểm toán cung cấp không kịp thời, đầy đủ, gây tâm lý ức chế cho kiểm toán viên khi thực hiện nghiệp vụ và cũng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán…
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách qua hoạt động kiểm toán
Một là, đổi mới phương pháp kiểm toán. Hoàn thiện, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động (kiểm toán hiệu quả chi tiêu ngân sách); đồng thời, tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng NSNN, đặc biệt là các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm;
Hai là, cần giảm đầu mối kiểm toán, tập trung kiểm toán đầu mối ngân sách lớn và đẩy mạnh công tác kiểm toán tổng hợp, nâng cao chất lượng kiểm tra, phân tích, đánh giá dự toán NSNN giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia, từng bước tư vấn cho Hội đồng nhân dân quyết định ngân sách địa phương…;
Ba là, cần có giải pháp tổ chức kiểm toán một cách phù hợp nhất để bao quát phạm vi kiểm toán ngân sách. Trong đó, có vấn đề về tổ chức kiểm toán đồng bộ, phối hợp giữa kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ;
Bốn là, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước trong nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong lĩnh vực ngân sách nhà nước nói riêng và tài chính công nói chung để đảm bảo việc công khai minh bạch. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm toán đòi hỏi phải xem xét đến yếu tố lịch sử;
Trong 20 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 29.148 tỷ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỷ đồng. Tính riêng 5 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính.
Năm là, xác lập vai trò Kiểm toán Nhà nước đối với công tác quản lý nợ công cũng như sửa đổi, bổ sung công tác kiểm toán quản lý nợ công của Kiểm toán Nhà nước trong luật quản lý nợ công;
Sáu là, để tổ chức kiểm toán việc quản lý sử dụng NSNN đạt chất lượng và hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước cần chú trọng trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin thuần thục;
Bảy là, nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm các nước tiên tiến về phương thức quản lý ngân sách, quản lý chi ngân sách theo kết quả đầu ra và quản lý chi ngân sách theo phương pháp lập kế hoạch chi tiêu trung hạn cũng như việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, quy trình kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.