tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lãi suất năm 2016 có tăng hay không?

  • Cập nhật : 11/11/2015
lai suat nam 2016 co tang hay khong?

Lãi suất năm 2016 có tăng hay không?

(Tin kinh te)

Diễn biến các số liệu vĩ mô đều cho thấy thực tế đang nghiêng về kịch bản tăng lãi suất trong năm 2016.

Càng về cuối năm, những dự báo về xu hướng lãi suất cho năm tới càng sôi động. Đa phần các chuyên gia kinh tế đều cho rằng lãi suất sẽ tăng vào năm sau, nhưng trong ngắn hạn, lãi suất được dự báo sẽ vẫn ổn định.

Ở kịch bản tích cực, việc duy trì chỉ số lạm phát cơ bản thấp như hiện tại chỉ tương đương khoảng 2% (đã loại bỏ các yếu tố giảm của lương thực và năng lượng) và giữ nguyên tuyên bố không giảm giá tiền đồng thêm sẽ giúp lãi suất diễn biến đi ngang và không tăng đột biến.

Nếu đặt cạnh các yếu tố vĩ mô khác trên thế giới, lãi suất thậm chí có thể đi lùi chút ít nếu nhân dân tệ không bị phá giá thêm và FED duy trì lãi suất ổn định như hiện tại. Theo mục tiêu của Chính phủ, năm 2016 sẽ duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, lạm phát khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Như vậy, trong ngắn hạn, kịch bản tích cực này hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Cũng cần nói thêm, trong 2 tháng vừa qua có sự chuyển dịch đi lên của lãi suất mà nguyên nhân chính là sự cạnh tranh trong huy động giữa các ngân hàng thương mại nhiều hơn là do tác động của các yếu tố vĩ mô. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào do lượng trái phiếu đến hạn nhiều, cùng với đó là tác động của Nghị định 78 của Quốc hội về việc chỉ phát hành các trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm. Điều này khiến cho các tổ chức tín dụng tập trung một phần luồng vốn vào đầu tư tín phiếu kho bạc ngắn hạn thay vì trái phiếu như những năm trước. Một phần luồng tiền được đưa vào tín dụng. Theo số liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay của toàn hệ thống ngân hàng là 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm cũng tăng đến 10,78%.

Ở một kịch bản khác, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên kinh tế vĩ mô, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, lại nghiêng về chiều hướng đi lên của lãi suất tín dụng trong năm 2016. Theo ông, đáng lưu ý là tín dụng trực tiếp cho sản xuất chiếm 55% tổng lượng tín dụng mới của hệ thống ngân hàng. Tổng tài sản toàn hệ thống chỉ tăng 3,7% tính từ đầu năm và tiền gửi cá nhân tăng đến 11,6% trong 8 tháng đầu năm. Sức khỏe tài chính của khu vực doanh nghiệp được cải thiện đáng kể khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng từ tổ chức tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Diễn biến các số liệu vĩ mô khác cho thấy thực tế đang nghiêng về kịch bản tiến lên của lãi suất. Vấn đề rõ nét nhất chính là sự phục hồi của nền kinh tế kéo theo nhu cầu lớn về nguồn tiền để đưa vào hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng. Trong 9 tháng đầu năm, hàng loạt chỉ số vĩ mô đều diễn biến tăng như GDP tăng 6,5%, chỉ số điện sản xuất tăng 12,3%, công nghiệp chế biến tăng 10,2% và tổng mức bán lẻ tăng 9,1%. Hai thông số đáng chú ý và khả quan nhất chính là xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng lần lượt là 14% và 21,4% khi loại bỏ yếu tố giá. Rõ ràng, khi dùng phương pháp bình quân di động, cho thấy áp lực lên tăng trưởng tín dụng.

Theo phân tích của ANZ- Roy Morgan, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam đứng ở mức vững mạnh, xếp trên cả Singapore và Ấn Độ. Chỉ số PMI cao cũng cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến của Việt Nam vượt trội hơn các nước trong khu vực. Số liệu tăng trưởng về phía tổng cầu cũng cho thấy Việt Nam đang quay lại mô hình tăng trưởng cũ, tức ưu tiên tăng trưởng GDP bằng cách đẩy mạnh tăng lượng cung tiền và sử dụng luồng vốn FDI để tăng cường đầu tư, kích thích tăng trưởng, bù thâm hụt ngân sách.

“FED đã kéo dài chính sách lãi suất 0% từ năm 2008. Cân nhắc tăng lãi suất là chắc chắn. Chúng tôi chỉ đang xem xét về vấn đề thời điểm”, Phó Chủ tịch FED, ông Stanley Fischer, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN tại Lima, Peru bên lề cuộc gặp thượng đỉnh G20 mới đây.

Một khi FED tăng lãi suất, hiệu ứng đầu tiên là dòng vốn gián tiếp sẽ chảy ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Anh Tuấn, con số thất thoát này sẽ không đáng ngại, vì ngay kể cả khi FED tăng lãi suất thì lợi suất sinh lời của các tài sản tại Việt Nam vẫn đủ duy trì mức hấp dẫn đối với dòng vốn gián tiếp đang nằm trong nước. Kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, trái phiếu chính phủ tại Việt Nam vẫn đang được giới đầu tư đánh giá mang lại lãi suất sinh lời hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

“Điều đáng lo nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp dự kiến sẽ đổ vào Việt Nam giảm một khi đồng USD mạnh lên”, ông Anh Tuấn nhận định. Một khi dòng vốn đổ vào giảm sẽ ngay lập tức gây áp lực lên lượng cung tiền. Hiện tại, cơ quan quản lý vẫn đang thận trọng với chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm mục tiêu duy trì chính sách tỉ giá. Điều này dẫn đến hệ quả là chính sách tỉ giá đã “trói” chính sách lãi suất. Trong những năm trước, tốc độ tăng cung tiền ra nền kinh tế Việt Nam trung bình là 16%/năm. Đây là “năng lượng” để tạo tác động tích cực lên các hoạt động của nền kinh tế. Các ngân hàng thông qua việc tăng trưởng tín dụng của mình đã dẫn dắt dòng vốn đi sâu vào từng khu vực kinh tế như công nghiệp khai thác, cơ sở hạ tầng xây dựng, bất động sản, chế biến.

Giai đoạn trước đây, lượng cung tiền luôn lớn hơn tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, năm 2015 chứng kiến sự đảo chiều, tức là lượng cung tiền bắt đầu nhỏ hơn so với tăng trưởng tín dụng. Hệ quả là sẽ dẫn tới các áp lực lạm phát trong tương lai gần. Một khi lạm phát gia tăng, lãi suất khó có thể không tăng theo trong năm 2016. Trong khi số nợ xấu còn tồn tại chưa được VAMC xử lý là hơn 140.000 tỉ đồng và con số nợ xấu ngoại bản và trên mục tài sản khác của hệ thống ngân hàng còn cao thì VAMC tiếp tục phải bung tiền xử lý dứt điểm số nợ xấu này theo kế hoạch. Nghĩa là lãi suất cho vay sẽ khó giảm xuống.


(NCĐT)

 
Trở về

Bài cùng chuyên mục