Trung Quốc đang nỗ lực đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền mạnh trên thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau.
Khủng hoảng tài chính TQ: Ai là nạn nhân?
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tin kinh te)
Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhận xét nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nhất chính là người dân Trung Quốc vay nợ để đầu tư.
Giới kinh tế bắt đầu sử dụng cụm từ “phá sản tài chính” hay “khủng hoảng tài chính” khi quan sát thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụp đổ trong mấy ngày qua.
“Phá sản tài chính” là tình trạng giảm giá cổ phiếu đột ngột và dồn dập (trong vài ngày giảm hơn 20%) đồng thời ảnh hưởng đến một hay nhiều thị trường tài chính.
Trong bối cảnh đó, báo Le Monde (Pháp) đã đăng bài viết với đầu đề “Ai sẽ là nạn nhân của tình hình phá sản tài chính Trung Quốc?”.
● Nạn nhân đầu tiên chính là người để dành tiền tiết kiệm ở Trung Quốc. Nhiều người ở Trung Quốc đã đi vay tiền mua cổ phiếu đầu tư vào bất động sản. Bây giờ họ đành ngậm đắng nuốt cay khi giá cổ phiếu sập và thị trường kinh doanh bất động sản chết đứng.
Các nhà phân tích ở tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Swiss Life (Thụy Sĩ) giải thích có hai hậu quả trực tiếp: Một là sức mua tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ giảm và hai là các ngân hàng Trung Quốc sẽ không cho vay nữa.
● Nếu xét về trung hạn, nạn nhân kế tiếp của cơn bão chứng khoán sẽ là kinh tế Trung Quốc.
Kinh tế Mỹ đang hồi phục đã bị tác động từ nền kinh tế Trung Quốc trở nên trì trệ. Biếm họa của PARESH NATH (báo The Khaleej Times của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)
Các hộ gia đình Trung Quốc sẽ chi tiêu ít hơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc có đăng ký trên sàn giao dịch chứng khoán sẽ gặp khó trong đầu tư vì các nhà đầu tư đã mất niềm tin.
Nhà nước Trung Quốc cũng bị thiệt vì phải can thiệp, ví dụ như đã bơm 150 tỉ nhân dân tệ hôm 25-8 vào hệ thống tài chính để làm giảm áp lực tiền mặt.
Báo Le Monde lưu ý một vấn đề khác là rất khó dự đoán tác động của khủng hoảng tài chính đến kinh tế Trung Quốc bởi số liệu công bố thường vo tròn, độ tin cậy thấp.
● Các nhà phân tích ở ngân hàng Nantixis (Pháp) nhận xét thật ra tác động từ khủng hoảng tài chính Trung Quốc chỉ ảnh hưởng tương đối đến kinh tế thế giới.
Họ giải thích nếu lấy sức mua để tính vai trò của các nền kinh tế trong GDP thế giới thì Trung Quốc là nền kinh tế đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cần phải liên kết GDP với sức mua nội địa.
Nếu tính GDP trên đầu người thì Trung Quốc còn kém xa bất kỳ nước phát triển nào và kém xa nhiều nước mới nổi.
Ngoài ra, khủng hoảng tài chính Trung Quốc có lợi ở chỗ làm cho hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil) rẻ hơn.
Ngày 25-8, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron nhận xét nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nhất trong khủng hoảng tài chính Trung Quốc chính là người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu đã đầu tư tiền tiết kiệm và mang nợ.
Ông nhận định khủng hoảng tài chính Trung Quốc sẽ tác động trước tiên đến các nhà thầu phụ của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia và các nhà xuất khẩu phương Tây có làm ăn với Trung Quốc.
Ngoài ra, khủng hoảng tài chính Trung Quốc cũng sẽ tác động đến các ngoại tệ mạnh. Nhân dân tệ không còn được ưa chuộng dù trước đây muốn trở thành ngoại tệ chuyển đổi thứ ba sau USD và euro. USD rồi sẽ lên ngôi, sau đó đến euro.
Tỉ phú Trung Quốc Vương Kiện Lâm, chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (chuyên kinh doanh bất động sản và giải trí), đã trở thành nạn nhân nổi tiếng của cú lao dốc đột ngột của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Sau khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 8,49% trong ngày 24-8, ông mất đứt 3,6 tỉ USD chỉ trong 24 giờ, tức hơn 10% tài sản. Dù vậy, muốn biết thắng hay thua thì phải so sánh giá đầu tư ban đầu và giá bán ra. Lúc cổ phiếu Trung Quốc cao ngất ngưởng, Vương Kiện Lâm đã bỏ túi 5,96 tỉ USD.
________________________________
Có thể gọi tình hình Trung Quốc là “phá sản tài chính” vì các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã hủy hoại tương đương 1/3 GDP Trung Quốc.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp EMMANUEL MACRON