Các doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc đứng đầu chuỗi cung ứng thế giới. Xuất khẩu của Hàn Quốc suy giảm sẽ khiến công nghiệp thế giới lao dốc theo.
"Nạn nhân" tiếp theo của kinh tế Trung Quốc
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Các hãng sản xuất chip nhớ và màn hình sẽ thiệt hại không nhỏ khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến thị trường bị thu hẹp.
Những hiệu ứng cộng hưởng từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, một thị trường điện thoại thông minh (smartphone) đang bão hòa và những bấp bênh của thị trường đang làm khó các nhà cung ứng linh kiện điện tử của châu Á. Suốt mấy năm gần đây, họ đã dựa vào nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc và ngành sản xuất để tạo nên tăng trưởng cho nền kinh tế.
Sau một vài năm tăng trưởng nóng, doanh số smartphone được bán ra ở Trung Quốc đang chững lại với những thiết bị tồn kho ngày càng chất đầy hơn trong các cửa hàng và nhà kho. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Gartner, doanh số smartphone của toàn thế giới đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ 2013. Quý II vừa qua là quý suy giảm đầu tiên của thị trường Trung Quốc.
Xu hướng này đang đe dọa các hãng sản xuất chip lớn của châu Á nhưSamsung hay SK Hynix – những hãng có chip nhớ được sử dụng rộng rãi trên thị trường smartphone. Một số nhà cung ứng của Nhật Bản hoạt động ở nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng – như Fanuc Corp. (nhà sản xuất robot công nghiệp và các công cụ được sử dụng trong các nhà máy sản xuất smartphone) hay Tokyo Electron (nhà cung cấp các thiết bị sản xuất chip) – mới đây đã hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận của năm tài chính kết thúc vào tháng 3.
Doanh số smartphone ở Trung Quốc sụt giảm cũng khiến giá màn hình LCD giảm, gây bất lợi cho Sharp – nhà cung ứng màn hình tinh thể lỏng hàng đầu thế giới. Sharp đã viện dẫn “sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường Trung Quốc” là lý do khiến mảng này thua lỗ trong những quý gần đây.
Từ năm 2012 đến 2014, doanh số smartphone của thị trường Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi và chiếm hơn 30% trong con số 1,27 tỷ chiếc được bán ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, con số được dự báo sẽ giữ ở quanh mức 400 triệu chiếc trong vài năm tới.
Một số nhà sản xuất Trung Quốc như Lenovo đã ghi nhận mức lợi nhuận ảm đạm trong quý mới nhất. CEO Yang Yuanqing nhận định vừa qua có lẽ là quý khắc nghiệt nhất trong mấy năm gần đây. Trong quý II, Lenovo có lượng smartphone tồn kho tương đương 12 tuần doanh số, cao vượt trội so với mức 7 tuần của Samsung hay 4 tuần của Apple.
Tuần trước CEO Tim Cook của Apple vừa lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng doanh số ở thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt.
Với thị phần trên thị trường smartphone sụt giảm trong 2 năm qua, về mặt tài chính Samsung ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào mảng sản xuất chip bán dẫn. Lợi nhuận từ chip chiếm gần một nửa lợi nhuận hoạt động quý II của Samsung.
Trong 2 năm qua, Samsung và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, đã đón đầu giai đoạn bùng nổ nhu cầu về DRAM – loại chip được sử dụng trong máy tính cá nhân và smartphone. Lợi nhuận thặng dư của ngành này đã tăng khoảng 20 – 30%.
Cả hai công ty này mới đây đã thông báo những kế hoạch xây dựng thêm nhà máy chip ở Hàn Quốc để tăng công suất. Samsung dự định chi 15.600 tỷ won (tương đương 13 tỷ USD) xây dựng một nhà máy hiện đại nhằm duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường chip. SK Hynix cũng đầu tư 46 triệu won trong 10 năm tới vào 3 nhà máy chip.
Hồi tháng 4 Sony cũng thông báo trong năm tài khóa này sẽ chi 1,73 tỷ USD để tăng sản lượng cảm biến hình ảnh, đồng thời chi 80 tỷ yên cho mảng sản xuất camera. Bất chấp tình hình kinh tế Trung Quốc, Sony cho rằng hãng chỉ đang đi theo nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng các kế hoạch đầu tư mạnh mẽ này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và khiến giá giảm sâu hơn dự báo. Đối mặt với sự suy giảm của thị trường smartphone, ngành sản xuất chip không hề có được sự trợ giúp từ thị trường PC hay máy tính bảng vốn cũng đang có doanh số sụt giảm.