TS. Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA) nhận định về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trước thềm chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Giải bài toán khai thác tiềm năng vốn FDI từ Trung Quốc
- Cập nhật : 14/05/2017
Việc khai thác tiềm năng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc như thế nào đang là vấn đề lớn.
“Soi” vốn đầu tư từ Trung Quốc
Những tháng đầu năm nay, bắt đầu có những quan ngại khi dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, thậm chí có những thời điểm, Trung Quốc đã vượt qua cả Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, sau 4 tháng, tình hình đã “dịu” lại.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2017, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trên 902 triệu USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Con số này tuy còn thua xa mức 4 tỷ USD của Hàn Quốc hay 1,85 tỷ USD của Nhật Bản, nhưng rất “đáng kể” so với thực tế đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua.
Sản xuất sợi tại Phân xưởng kéo sợi số 1, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Ảnh: Hữu Việt
Nếu tính lũy kế, tính đến hết tháng 4/2017, Trung Quốc còn 1.633 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11,2 tỷ USD. Đối tác này hiện đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu “soi” vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có gì, thì khác với các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore, khó để kể ra các dự án quy mô lớn và có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Điểm mặt các dự án đầu tư từ thị trường này, có thể kể tới Dự án Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD ở Bình Thuận. Trong dự án này, các nhà đầu tư Trung Quốc (Liên danh giữa Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc) nắm giữ tới 95% vốn. Hay tại Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương (vốn đầu tư 1,85 tỷ USD), Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC) nắm giữ 50% vốn.
Bên cạnh đó, cũng có thể kể khá nhiều dự án quy mô lớn khác của các nhà đầu tư Trung Quốc, như Dự án Lốp xe Việt Luân (vốn đầu tư 400 triệu USD tại KCN Tây Ninh), Dự án Chế biến cao su Tân Cao Thâm tại Lào Cai (tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD), Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung tại Lào Cai (vốn đầu tư 337,5 triệu USD)...
Những năm gần đây, để đón đầu các cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, hàng loạt nhà đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực xơ sợi, dệt nhuộm cũng đã mang nhà máy tới Việt Nam. Texhong là ví dụ điển hình, với các dự án hàng trăm triệu USD ở Quảng Ninh, thậm chí còn đầu tư một khu công nghiệp để thu hút các dự án dệt nhuộm, xơ sợi của Trung Quốc.
Ở phía Nam, Tập đoàn Shenzhou cũng đã đầu tư Dự án Worldon, vốn đầu tư 300 triệu USD, tại Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM). Ở khu vực phía Nam, cũng đã có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư xây dựng các nhà máy dệt may.
Đầu năm nay, cũng đã có thêm các dự án lớn từ Trung Quốc, như Dự án nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD tại Tây Ninh, hay Dự án Nhà máy Nhựa Khải Hồng Việt với vốn đầu tư 150 triệu USD tại Bắc Giang...
Dù không thiếu dự án cũng “tầm tầm” song nếu “chia đều”, thì thực tế, quy mô vốn đầu tư của các dự án FDI của Trung Quốc không lớn, chỉ xấp xỉ 7 triệu USD/dự án, trong khi quy mô vốn trung bình của các dự án FDI vào Việt Nam nói chung là 13 triệu USD. Thậm chí, có nhiều dự án của Trung Quốc có vốn đầu tư dưới 1 triệu USD.
Nắm bắt tiềm năng của Trung Quốc thế nào?
Luôn có một nhận định rằng, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam còn chưa xứng với tiềm năng. Nhưng việc khai thác tiềm năng này lại là một câu chuyện khác.
Nếu chỉ nhìn ở góc độ con số, cũng không thể chối bỏ rằng, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là chưa xứng với tiềm năng. Năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài khoản tiền kỷ lục là 225 tỷ USD, nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào và cao hơn 2 lần so với năm 2015. Vậy mà tính lũy kế trong mấy thập kỷ thu hút FDI, Việt Nam mới thu hút được trên 11,2 tỷ USD từ Trung Quốc - một con số rất khiêm tốn.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút đầu tư từ thị trường này. Lý do được TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phân tích là sự dư thừa vốn của nền kinh tế. Thêm vào đó, với chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2015”, theo hướng ưu tiên các ngành công nghệ cao thì Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy các dự án có công nghệ thấp hơn sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam - một thị trường được đánh giá là có tiềm năng hàng đầu trong khu vực trong hấp dẫn FDI.
Đang cần vốn để phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ nền kinh tế lớn này của thế giới. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đã nhấn mạnh điều này. Theo ông Nghĩa, các nước thiếu vốn đều đang “nhòm ngó” Trung Quốc, vậy thì không có lý gì Việt Nam lại “lờ” đi.
“Nếu chúng ta thờ ơ thì sẽ đi sau các nước khác như Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan…, đều đang chạy đua hút vốn đầu tư từ Trung Quốc”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ, thu hút vốn FDI Trung Quốc thế nào khi mà những cảnh báo gần đây cho thấy, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc. Xu hướng ngày càng nhiều dự án dệt nhuộm, xơ sợi đổ vào Việt Nam là điều cũng đã được nhắc tới rất nhiều, bởi những dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Trong “dòng chảy kinh tế” thế giới, quan trọng là Việt Nam phải có giải pháp để tối ưu hóa lợi ích từ sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2017 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã một lần nữa khẳng định điều này. “Phải làm sao để tránh tình trạng biến Việt Nam thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu, nhất là từ quá trình tái cân bằng tại Trung Quốc”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, không phải Trung Quốc không có công nghệ hiện đại. Thậm chí, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về robot sản xuất. “Nhưng khi doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao thì sẽ dư thừa rất nhiều công nghệ cũ và không loại trừ họ sẽ chuyển các công nghệ này sang Việt Nam. Đây là điều chúng ta phải lưu ý”, ông Trương Đình Tuyển nói.
Đúng là cần phải đề phòng, nhưng từ nhận định của ông Trương Đình Tuyển, có thể thấy, nếu “biết cách chơi”, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được lượng vốn lớn từ Trung Quốc, mà không phải trong lĩnh vực công nghệ lạc hậu, có thể cả là công nghệ cao.
Bài toán tối ưu hóa lợi ích
Khi đề cập dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế đã nhắc rất nhiều tới nguy cơ Việt Nam “xuất khẩu hộ” doanh nghiệp Trung Quốc khi họ ngày càng đổ nhiều vốn vào Việt Nam.
Đây là một thực tế cần tính tới. Tuy nhiên, trong câu chuyện với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, cần nhìn ở góc độ tổng thể hơn, không chỉ là đầu tư, mà còn là thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác.
Chẳng hạn, cùng với đầu tư trực tiếp, thì một thực tế khác mà ai cũng rõ, đó là các nhà thầu Trung Quốc hiện là tổng thầu EPC của rất nhiều dự án quy mô lớn ở Việt Nam, mà không ít trong số đó đã gây tai tiếng, như Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Dự án Đường ống nước Sông Đà...
Khi tổng thầu là nhà đầu tư Trung Quốc, với chất lượng thi công không tốt, thì hệ lụy tới nền kinh tế là không nhỏ. Chuyện Việt Nam đang phải tìm cách xử lý các dự án ngàn tỷ đồng nằm đắp chiếu, trong đó có Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, là bài học nhãn tiền. Chưa kể, cùng các dự án FDI và dự án tổng thầu EPC của Trung Quốc, sẽ là nhập khẩu tăng cao, kéo theo nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng chóng mặt. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu tới 9 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc.
Nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào là một chuyện, chuyện khác là máy móc, thiết bị mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Nghĩa là, có tới hai nguy cơ khiến Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ, thông qua đầu tư trực tiếp và thông qua cả nhập khẩu trực tiếp.
Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn. Trung Quốc cũng là một thị trường thương mại lớn. Số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 72 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015. Các nhà thầu Trung Quốc, trên một khía cạnh nào đó, cũng là những nhà thầu hàng đầu.
Trong “dòng chảy kinh tế” thế giới, quan trọng là Việt Nam phải có giải pháp để tối ưu hóa lợi ích từ sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Nguyên Đức
Theobaodautu.vn