Giải mã sức mạnh của Bitcoin
- Cập nhật : 12/09/2017
"Cơn sốt" Bitcoin đang nóng hơn bao giờ hết khi giá trị đã lên đến 70 tỉ USD, tăng đến đến hàng triệu lần dù ra đời chưa đến 10 năm. Vậy bí ẩn đang sau sức mạnh Bitcoin là gì?
Bitcoin (BTC) là một loại tiền tệ kỹ thuật số được quản lý phân cấp. Bitcoin được tạo ra bởi một hệ thống mã hóa phức tạp. Đây là một giao thức mật mã dùng để chuyển hóa dữ liệu bí mật nhằm bảo tồn giá trị của các đơn vị trao đổi.
Bitcoin là đồng tiền không thể làm giả hay gian lận được vì nó đã được bảo mật theo một cách rất đặc biệt. Cha đẻ của Bitcoin được xem ông Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2008.
Tính tới ngày 11-09-2017, đã có 16.556.937 đồng Bitcoin được tạo ra. Với mức giá đang giao dịch là 4.267 USD/BTC thì tổng vốn hóa giá trị thị trường đồng tiền này đang được giao dịch lên đến hơn 70 tỷ USD.
Hàng ngày trên thế giới trung bình tổng giá trị thị trường số Bitcoin được giao dịch có giá trị hơn 2 tỷ USD, cao gấp 10 lần thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều này cho thấy thanh khoản của Bitcoin rất cao và được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Bitcoin là tiền mã hóa (Cryptocurrency). Ngày này có hàng trăm đồng tiền tương tự Bitcoin ra đời và đang được giao dịch rất sôi động.
Điểm đặc biệt của Cryptocurrency là hệ thống quản lý phân cấp, không chịu sự quản lý của bên thứ ba như ngân hàng trung ương hay một tổ chức nào đó của bất kỳ quốc gia nào.
Nguồn cung và giá trị của Cryptocurrency được quản lý bởi chính người dùng và các giao thức mật mã phức tạp của nó.
Đây được xem là một cuốn sổ cái ghi lại số dư của mỗi tài khoản và lịch sử tất cả tài khoản tham gia giao dịch trước đó.
Tuy nhiên Bitcoin hay các Cryptocurrency khác có sự khác biệt lớn so với đồng tiền ảo chúng ta thường biết đến trong các trò chơi điện tử.
Các đồng tiền ảo này thường được một tổ chức hay doanh nghiệp phát hành.
Tiền ảo này do người chơi được thưởng, được cho hoặc bỏ tiền mua và nó chỉ có giá trị trao đổi mua bán các vật phẩm ảo trong trò chơi giữa các người chơi hoặc với hệ thống.
Cryptocurrency cũng khác biệt so với tiền kỹ thuật số Digital Currency chúng ta thường biết đến.
Digital Currency là thông tin đồng tiền thông thường được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số (không phải tiền mặt).
Đây là những đồng tiền trong tài khoản ngân hàng hay tại các trung gian thanh toán như các loại ví điện tử.
Cơ sở của tiền kỹ thuật số vẫn là một đồng tiền thực được một ngân hàng trung ương ở một quốc gia hay một nhóm quốc gia (Euro) phát hành.
Điểm giống nhau giữa Virtual Currency, Cryptocurrency, Digital Currency đều là tiền ảo vì nó không thấy được bằng mắt thường, đều là tiền kỹ thuật số vì nó được lưu giữ trong mạng máy tính.
Điểm khác biệt là tiền mã hóa như Bitcoin được tạo ra bởi thuật toán phức tạp và được lưu giữ trên hệ thống mạng không tập trung, đồng cấp.
Hoàn toàn không có bất ký một cá nhân, tổ chức nào đứng ra "bảo chứng" về giá trị mà hoàn toàn do cộng đồng quyết định. Đặc biệt, tiền mã hóa luôn tạo ra một số lượng hữu hạn và với tốc độ ngày càng ít.
Trong khi đó tiền kỹ thuật thông thường là "tiền thật" hoặc có giá trị dựa trên cơ sở "tiền thật" được ghi nhận trên hệ thống máy tính.
Tiền ảo thông thường là loại tiền sử dụng trong một phạm vi nhất định như trong các chương trình trò chơi và chịu sự kiểm soát của cộng đồng nhỏ hẹp, nhà cung cấp dịch vụ trò chơi.
Hiện nay Bitcoin chỉ là một trong số hàng trăm đồng tiền mã hóa đang được lưu hành trên thế giới. Tuy nhiên, Bitcoin là một đồng tiền nổi bật với mức vốn hóa và thanh khoản cao.
Những đặc điểm tạo nên giá trị của Bitcoin hay các đồng tiền ảo là nguồn cung được kiểm soát một cách nghiêm ngặt.
Cứ 10 phút mới có lượng Bitcoin nhất định được tạo ra và nó thay đổi theo thời gian ngày càng ít.
Vào tháng 7 năm 2016, có 12,5 Bitcoin được tạo ra trong 10 phút, con số này giảm xuống chỉ còn 6,25 Bitcoin vào tháng 7 năm 2020. Đến năm 2140 tổng số lượng Bitcoin tạo ra tối đa chi có 21 triệu.
"Trại trâu", từ dùng chỉ các "mỏ" đào Bitcoin ở Đắk Lắk. Chủ nhân đã đầu tư gần 2 tỷ đồng. Tiếng ồn và hơi nóng tản ra từ máy móc là đặc trưng của các mỏ đào Bitcoin - Ảnh: XUÂN TIẾN
Việc hạn chế nguồn cung nghiêm ngặt nhằm tránh cho Bitcoin bị lạm phát về số lượng.
Đây là điểm ưu việt so với đồng tiền được phát hành bởi các ngân hàng trung ương.
Một đặc điểm nổi bật khác của Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác là tính bảo mật rất cao do có nền tảng là công nghệ blockchain.
Công nghệ blockchain ghi lại mọi dấu vết của giao dịch và không thể đảo ngược được. Do đó bất kỳ ai cũng không thể thay đổi một khi giao dịch đã diễn ra.
Dữ liệu của blockchain cũng lưu giữ đồng thời trên hàng chục nghìn máy tính của những người khai thác trên toàn cầu. Do đó khả năng bị mất giữ liệu gần như không có.
Đặc biệt tính bảo mật của Bitcoin rất cao đối với người sở hữu hay thực hiện lệnh mua bán. Người mua, người sở hữu không cần khai báo tên thật với bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào.
Người sở hữu chỉ cần một địa chỉ lưu trữ (ví) và một chìa khóa để giữ Bitcoin trong ví của mình. Bất kỳ ai cũng không thể mở được ví nếu không có chìa khóa thần thánh đó.
Việc giao dịch Bitcoin cũng được thực hiện một cách rất dễ dàng đến mọi nơi trên thế giới (miễn là có internet) với chi phí rất thấp và không bị kiểm soát.
Với những đặc tính nổi trội đó Bitcoin đặc biệt thích hợp trong bối cạnh thương mại điện tử ngày càng phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt trong bối cảnh mà xã hội, cộng đồng mạng đang hướng tới một thế giới phẳng.
Mạng toàn cầu và công nghệ đang làm cho ranh giới giữa các quốc gia, chủng tộc ngày càng xóa nhòa. Do vậy, nhu cầu sử dụng một đồng tiền "phi chính phủ" ngày càng lớn.
Ngày nay Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác được rất nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada, EU… công nhận là hợp pháp và được sử dụng để mua sắm hàng hóa, chuyển tiền.
Tuy nhiên, chính những đặc điểm nổi bật đó cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại. Các ngân hàng trung ương lo ngại mất đi đặc quyền phát hành tiền tệ của mình và gây ra sự mất ổn định của đồng tiền.
Nhiều chính phủ lo ngại các đồng tiền ảo sẽ giúp các hoạt động như rửa tiền, trốn thuế gia tăng. Thậm chí một số chính phủ lo người dân của mình sa vào "cờ bạc" khi đầu tư vào những đồng tiền ảo.
Ngày nay chức năng nổi trội nhất của các đồng tiền mã hóa như Bitcoin không phải là chức năng thanh toán như một đồng tiền thông thường mà chủ yếu nằm ở tính đầu cơ.
Với khối lượng dịch trị giá hàng tỷ USD mỗi ngày và đang không ngừng gia tăng là miền đất "hứa" của những người thích "đầu cơ".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì đây là một hoạt động bình thường. Thực tế, thị trường giao dịch ngoại tệ, hàng hóa trên thế giới cũng đang có tính đầu cơ rất cao với mức giao dịch hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.
Các đồng tiền mã hóa với nền tảng công nghệ blockchain và sự tiến bộ của công nghệ máy tính đang làm thay đổi nhanh chóng cách thức giao dịch, cuộc sống trên toàn cầu.
Về mặt kinh tế Cryptocurrency có thể làm thay đổi sâu sắc về "tiền" theo quan niệm truyền thống.
Do vậy, chắc chắn hiện nay mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của kỷ nguyên của Cryptocurrency.
HỒ BÁ TÌNH
Theo Tuoitre.vn