“Có áp lực đối với lãi suất, nhưng tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra”, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói...
Nên ứng xử thế nào với Bitcoin?
- Cập nhật : 13/09/2017
Việt Nam đang dần hình thành nền công nghiệp tiền kỹ thuật số với đầy đủ những hoạt động mua bán, "đào mỏ” và cả trung gian thanh toán.
Việt Nam đang dần hình thành nền công nghiệp tiền kỹ thuật số với đầy đủ những hoạt động mua bán, "đào mỏ” và cả trung gian thanh toán.Nguồn ảnh: supchina.com
Thiết lập quy tắc cho đồng tiền kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng khi thị trường này càng ngày càng rộng mở trở thành ngành công nghiệp mới trên thế giới. Việt Nam sẽ ứng xử với Bitcoin như thế nào?
Ngành công nghiệp Bitcoin
Thông tin Chính phủ yêu cầu thực hiện đề án nghiên cứu luật và quy định cho tài sản ảo, bao gồm cả tiền kỹ thuật số, đang làm nức lòng các tay chơi tài chính công nghệ (fintech), đặc biệt là các sàn giao dịch tiền ảo, các nhà đầu tư.
Thông điệp với Bitcoin gần đây nhất mà cơ quan quản lý đưa ra là vào năm 2014. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chủ động nghiên cứu về loại tiền này, không công nhận Bitcoin cũng như các đồng tiền kỹ thuật số tương tự là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam. “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế”, thông cáo của cơ quan quản lý nêu rõ.
Sự e dè của giới quản lý Việt Nam cũng tương tự như chính phủ các nước khác trên thế giới. Các loại đồng tiền kỹ thuật số mang lại những lợi ích đáng kể về mặt tiết kiệm chi phí giao dịch, nhưng đồng thời cũng đi kèm với tính ẩn danh, rửa tiền và gần đây là những quan ngại về dòng chảy tiền phi pháp, bao gồm cả các hoạt động khủng bố. Thực tế, theo số liệu báo cáo Global Cryptocurrency 2017, chỉ có 52% sàn giao dịch quy mô nhỏ hoạt động có giấy phép chính thức của chính phủ, với sàn quy mô lớn, tỉ lệ này chỉ ở mức 35%.
Tuy nhiên, những vướng mắc trên cũng không thể xóa đi một thực tế rằng giá trị Bitcoin đã liên tiếp phá mốc kỷ lục kể từ đầu năm đến nay, đỉnh điểm đã lên đến 4.800 USD/bitcoin. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá của một đồng tiền ảo Bitcoin đã cao hơn giá của một ounce vàng. Trên thế giới, Bitcoin cùng những đồng tiền kỹ thuật số khác đang dần hình thành nền công nghiệp mới, ghi mốc quan trọng trong dấu ấn lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo đã đạt gần 25 tỉ USD vào tháng 3.2017, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm 2016, theo báo cáo Global Cryptocurrency 2017. Có thể liệt kê thành những mảng hoạt động khác nhau bao gồm đào “mỏ” (mining - quá trình tạo ra đồng tiền kỹ thuật số), sàn giao dịch mua bán, ví điện tử (lưu trữ đồng tiền kỹ thuật số) và các công ty trung gian thanh toán.
Việt Nam cũng dần hình thành nền công nghiệp tiền kỹ thuật số với đầy đủ những hoạt động mua bán, đào “mỏ” và cả trung gian thanh toán (chủ yếu chuyển tiền xuyên biên giới). Mặc dù phát triển khá mạnh mẽ, tương đồng cùng thị trường thế giới, nhưng thực tế ít người Việt hiểu rõ về loại hình đầu tư mới mẻ này, trong số đó có không ít biến tướng về hoạt động đầu tư liên quan đến đa cấp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc quản lý đồng tiền kỹ thuật số trên thế giới hiện ở trong tình trạng cấm thì không cấm nhưng cũng không khuyến khích. Việt Nam cũng tương tự như vậy. “Mình muốn cấm cũng không thể nào cấm được, nếu cấm thì những giao dịch đi vào thế giới ngầm khó lòng kiểm soát. Vấn đề là công nhận nó như thế nào?”, ông Hiếu nói.
Tiền ảo sẽ là hàng hóa?
Trong bối cảnh Việt Nam đang lên kế hoạch thiết lập lại quy chuẩn cho cuộc chơi Bitcoin, thì nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng ở trong động thái tương tự. Trước đó, Hàn Quốc và Nga tuyên bố sẽ sớm có những bộ luật bảo vệ nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền ảo. Cả hai quốc gia này đều mạnh về lĩnh vực tiền ảo, có nhiều công ty ví điện tử, trung gian thanh toán ăn theo công nghệ mới nhất trên thế giới. Một đạo luật mới vừa ban hành cho phép tiền điện tử Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác được công nhận là một trong những phương thức thanh toán chính thức có hiệu lực tại Nhật bắt đầu từ 1.4.2017. Hai công ty Stargroup và Digital X tại Úc có kế hoạch hợp tác phát triển công nghệ cho phép người dùng gửi và rút Bitcoin từ 500 máy ATM của Stargroup.
Ngoài Bitcoin, hiện phổ biến hơn 10 loại tiền ảo như Ethereum, Litecoin, Monero, Dogecoin, MaidSafeCoin... Trên thế giới cho thấy chia làm 3 nhóm, số ít từ chối thẳng thừng tiền ảo, số đông tỏ ra lưỡng lự như Việt Nam, còn một nhóm lại khá thân thiện với Bitcoin như Nga, gần đây là Ấn Độ, Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thậm chí còn tạo ra một loại tiền kỹ thuật số riêng.
Ít ngân hàng trung ương nào chấp nhận quyền phát hành tiền ảo của các tổ chức bên ngoài. Giữ vai trò kiểm soát lượng cung tiền thật trong nền kinh tế, các ngân hàng trung ương ở những quốc gia ủng hộ Bitcoin phần lớn nhắm đến việc tận dụng lợi thế của đồng tiền kỹ thuật số trong lĩnh vực thanh toán. Chẳng hạn như Singapore đặt ra mục tiêu phục vụ cho hạ tầng thanh toán trong giao dịch các loại chứng khoán trên thị trường tài chính của mình, tương tự với Trung Quốc đặt mục tiêu hỗ trợ cho hệ sinh thái fintech đang có khối lượng giao dịch thương mại khổng lồ. Vì vậy, trong tương lai tiền kỹ thuật số sẽ có chỗ đứng, nhưng chỉ là trong một hệ sinh thái nhất định.
Theo ông Hiếu, những loại đồng tiền kỹ thuật số khó lòng trở thành một phương tiện thanh toán quốc gia, không thể tương đương như tiền đồng, hay ngoại tệ khác mà chỉ nên công nhận nó như là một loại hàng hóa để giao dịch. Trong khi đó, chính bản thân Ngân hàng Nhà nước gần đây tái khẳng định quan điểm không chấp nhận tiền kỹ thuật số vào lĩnh vực thanh toán và các tổ chức tín dụng sử dụng nó để làm trung gian thanh toán.
Trong tương lai, các sàn giao dịch Bitcoin sẽ phải xin giấy phép hoạt động, tương tự như sàn vàng trước đây. Ứng xử với vàng là một bài học gần đây. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã loại trừ chức năng phương tiện thanh toán của vàng và ứng xử với nó như một loại hàng hóa bình thường. Vì vậy, cũng không loại trừ trường hợp giao dịch Bitcoin tại một sàn giao dịch tập trung.
Hành động theo hướng nào của Chính phủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam trong những năm sau. Dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để Chính phủ đưa ra những khung pháp lý đầu tiên cho việc quản lý các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Thực tế chính sách quản lý luôn đi sau hành vi thị trường. Phải mất hơn 5 năm kể từ khi xuất hiện mới có các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng, còn các công ty ví điện tử chỉ mới nhận được giấy phép hoạt động chính thức năm 2016 sau khi thí điểm các cổng thanh toán từ năm 2009. Ông Tobias Fischer, Ngân hàng Phát triển châu Á, cho biết các nhà quản lý khó có thể theo kịp với tiến bộ kỹ thuật hiện tại. “Cần thêm thời gian để các nhà quản lý hiểu những gì đang diễn ra trên thị trường. Việc soạn thảo luật mà không hiểu về môi trường hiện tại, các công ty khởi nghiệp và công nghệ thì sẽ không hợp lý lắm”, ông Tobias nói.
Hiện ngành công nghiệp Bitcoin đang có những “biến thể” mới. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây tuyên bố hình thức chào bán tiền kỹ thuật số phát hành lần đầu (ICO), tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), là phạm pháp. Tính đến ngày 18.7, đã có 65 vụ ICO được hoàn tất ở Trung Quốc, huy động được khoảng 398 triệu USD. Các nhà đầu tư cũng dự kiến Trung Quốc sẽ sớm có bộ luật mới về kinh doanh Bitcoin.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng trong văn bản yêu cầu đưa ra các quy định hoạt động cho tài sản ảo, bao gồm tiền kỹ thuật số vẫn chưa nhắc đến công nghệ blockchain. Đây là công nghệ xương sống tạo ra loại tiền kỹ thuật số hiện nay, đồng thời là nền tảng quan trọng cho hàng loạt ứng dụng quan trọng khác dự kiến thay đổi đáng kể cách thức giao dịch của nền kinh tế hiện nay, như cho vay, thanh toán toàn cầu, kinh doanh hàng hóa, các loại hợp đồng điện tử...
Thiên Phong
Theo Nhipcaudautu.vn