tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Việt Nam đề xuất, nước ngoài họ có làm vậy không?

  • Cập nhật : 29/09/2016

(Tai chinh)

Nhiều người cho rằng dùng tiền ngân sách mua nợ xấu chẳng khác nào vứt xuống biển.

Sự tranh cãi xung quanh đề xuất dùng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu ngày càng trở nên gay gắt, người bảo không, người lại nói được.Và tất cả tranh cãi chỉ dừng lại ở hiện tượng bên ngoài, chứ chưa có một giải pháp cụ thể nào cho giải quyết vấn đề nợ xấu. Đồng thời, sự hiểu lầm ngày càng gia tăng khi có khá nhiều người hiểu dùng tiền ngân sách mua nợ xấu là... “vứt ngay xuống biển”.

Do đó, nếu sử dụng ngân sách như một khoản đầu tư sinh lời cho danh mục đầu tư là “nợ xấu” và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như những quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Đức…thì có lẽ, khoản đầu tư này sẽ rất hiệu quả.

Ngân sách nhà nước và giải pháp xử lý nợ xấu tại Nhật

Bắt đầu năm 1991, sự đổ vỡ của bong bóng tài chính Nhật bản chính thức kéo dài hơn một thập kỷ. Kết quả kèm theo là sự sụt giảm giá trị tài sản và nợ xấu ngày càng tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, năm 2001 – 2002, chính phủ Nhật bản quyết liệt đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để đồng thời vừa giải quyết nợ xấu và vừa tránh những hiểm họa từ hoạt động kinh doanh của các công ty trong nước.

Năm 2001, Chính phủ Nhật và BoJ (ngân hàng trung ương Nhật bản) đã đưa ra một chiến lược giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.Chiến lược này được gọi là “Major bank” và hướng đến đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu từ sổ sách của các ngân hàng kể từ 3 năm trước đó. Các ngân hàng bắt buộc phải loại bỏ các khoản vay (NPLs) bằng cách hoặc bán nợ xấu trực tiếp trên thị trường, hoặc theo đuổi thủ tục phá sản, hoặc nỗ lực phục hồi khoản vay…

Trung tâm của chiến lược trên là sự thành lập của công ty RCC (Resolution and Collection Corporation) và sự thông qua của luật Tái cấu trúc tài chính (Financial Reconstruction Law). Với luật Tái cấu trúc tài chính, RCC như được chấp thêm đôi cánh quyền hạn để mua các khoản nợ xấu theo giá thị trường và tham gia tái cơ cấu công ty.

RCC là một công ty quản lý tài sản cấp quốc gia (AMC) theo dạng tập trung, 100% vốn là vốn của công ty bảo hiểm tiền gửi Nhật bản. Và chỉ trong vòng năm 1999 đến giữa 2002, RCC đã mua lại hơn 55 triệu tỷ Yên (khoảng 495 tỷ USD) mệnh giá các khoản nợ xấu (NPLs) với mức giá 1,3 triệu tỷ Yên (tương đương mức chiết khấu 96%). Sau đó, với sự hỗ trợ của luật Tái cấu trúc tài chính, RCC sẽ tiến hành chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, hoặc chuyển đổi nợ thành cổ phần, hoặc phục hồi nợ từ những công ty gặp khó khăn, hoặc bán trên thị trường cho bên thứ ba.

RCC được trao nhiều quyền hạn đặc biệt cho phép giải quyết các trường hợp xử lý nợ khó khăn, chẳng hạn bất động sản gắn liền với tổ chức tội phạm mà các ngân hàng không thể thu hồi nợ hoặc bán nợ. RCC còn có thể nhận các tài sản xấu mà nhiều nhà đầu tư khác không muốn mua, và giúp giải quyết các tranh chấp lẫn đàm phán với những người nợ.Ngoài ra, RCC cũng giúp cải thiện tính minh bạch của thị trường nợ xấu bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn và công bố thông tin về tài sản thế chấp.

Với chiến lược xử lý nợ xấu bằng phương pháp tập trung thông qua RCC đã mang lại kết quả rất khả quan cho sự ổn định tài chính Nhật bản.Bên cạnh đó, quá trình mua bán nợ, xử lý nợ của RCC còn hình thành một thành trường có khả năng sinh lời cao – đó là thị trường mua bán nợ (distressed loan market).

Như vậy, yếu tố thành công cho hoạt động xử lý nợ xấu tại Nhật Bản bao gồm: (1) thành lập công ty RCC bằng vốn của ngân sách nhà nước; (2) thông qua luật Tái cấu trúc tài chính, dành riêng cho quá trình xử lý nợ xấu; (3) mức chiết khấu rất cao khi mua nợ xấu, lên tới 96%; (4) thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp để xử lý nợ xấu đã mua; (5) hướng đến thành lập thị trường mua bán nợ.

Ngân sách nhà nước và giải pháp xử lý nợ xấu tại Hàn Quốc

Khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á xảy ra, ngay lập tức tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hàn Quốc. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ gia tăng đến 18% vào năm 1998; tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của 30 tập đoàn lớn nhất vượt con số 500% vào năm 1997. Lãi suất cao, đồng nội tệ suy yếu đã đẩy phần lớn các ngân hàng và doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Trước tình hình bất ổn tài chính, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các hoạt động can thiệp một cách nhanh chóng và toàn diện để ổn định thị trường. Các biện pháp được tiến hành khá đồng bộ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đánh giá và phân loại lại nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.Trước cuộc khủng hoảng, chỉ các khoản nợ quá hạn trên sáu tháng mới bị xếp vào nhóm nợ xấu. Trong cuộc khủng hoảng, NHTW Hàn Quốc phải chấp nhận thực trạng nợ xấu và đưa ra các quy định pháp lý phân loại nợ theo chuẩn mực của thế giới. Kết quả là nợ xấu của toàn hệ thống tài chính vào tháng 3.1998 lên tới 118 ngàn tỉ won, bằng 18% tổng dư nợ (tương đương khoảng 27% GDP của Hàn Quốc năm 1998), trong đó có 42% là nợ quá hạn từ 3 – 6 tháng, và 58% là nợ quá hạn trên sáu tháng.

Thứ hai, thành lập Quỹ Công chúng và công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO)

Quỹ Công chúng được chia thành hai quỹ với mục đích đặc biệt, một quỹ dùng để xử lý các khoản nợ xấu (NRF), và quỹ còn lại là quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF).Quỹ NRF này huy động tổng cộng 21,6 ngàn tỉ won, trong đó 20,5 ngàn tỉ won đến từ việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 500 tỉ won vay từ ngân hàng trung ương Hàn Quốc, và số còn lại 600 tỉ won đến từ các định chế tài chính khác.

Mục đích của NRF là mua lại những khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính (chủ yếu là ngân hàng) và xử lý thông qua việc bán lại, phát hành chứng khoán hóa, hoán đổi nợ thành cổ phần, tái cơ cấu doanh nghiệp, thanh lý tài sản đảm bảo…Tỷ lệ thu hồi của NRF là 87,3%, đồng thời NRF lại sử dụng chính tiền thu hồi để tiếp tục mua các khoản nợ xấu của hệ thống.

Còn DIF thì huy động vốn để tái cơ cấu vốn cho các tổ chức tài chính và thực hiện chi trả cho người gửi tiền ở các tổ chức tài chính mất khả năng thanh khoản. Trong cuộc khủng hoảng này, DIF đã dùng khoảng 48 ngàn tỉ won cho mục đích trên. Bên cạnh đó, DIF cũng dùng tiền để mua lại các khoản nợ xấu như một thành viên của thị trường mua bán nợ.

Công ty quản lý tài sản Hàn quốc (KAMCO). Tháng 8/1997, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật cải tiến lại chức năng và nhiệm vụ của KAMCO, vốn là một công ty quản lý tài sản nợ thuộc Ngân hàng Phát triển Hàn Quôc (KDB), để cho phép công ty này mua bán nợ xấu toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Cấu trúc vốn điều lệ của KAMCO đến từ ba đơn vị: Bộ Tài chính và Kinh tế (đóng góp 42,8%), Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB, 28,6%), và các tổ chức tài chính khác (28,6%). KAMCO được vận hành bởi một ủy ban gồm các đại điện của Bộ Tài chính & Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Giám sát tài chính, Hiệp hội các Ngân hàng, công ty bảo hiểm tiền gửi, KDB, và ba chuyên gia độc lập (một luật sư, một chuyên gia kiểm toán, và một chuyên gia kinh tế).

Bên cạnh đó, KAMCO có nhiệm vụ điều hành một quỹ quản lý nợ xấu (NRF) với thời hạn hoạt động năm năm để giải quyết nợ xấu của toàn hệ thống.

Cùng với NRF, KAMCO mua lại các khoản nợ xấu từ các tổ chức tài chính và phân loại thành: tài sản thông thường và tài sản đặc biệt. Tài sản thông thường là những khoản nợ xấu mà khả năng hoàn trả là không chắc chắn.Và tài sản đặc biệt là những khoản nợ xấu của các công ty đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, do đó các khoản nợ này được cơ cấu lại với lãi suất thấp hơn và kéo dài thời gian trả nợ. Sau khi mua lại, KAMCO sẽ có 3 phương thức thu hồi nợ đã mua: (i) bán các khoản nợ xấu thông qua hoạt đông chứng khoán hóa (securitization), bán ngay (outright sale) và chuyển đổi nợ sang cổ phần; (ii) thanh lý tài sản đảm bảo dưới hình thức bán đấu giá hoặc bán công khai; (iii) tái cơ cấu khoản nợ tại công ty.

Thứ ba, thành lập những công ty đặc biệt để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và ngành tài chính theo nguyên tắc thị trường. Và một minh chứng là công ty tái cơ cấu doanh nghiệp (CRC, Corporate Restructing Company), quỹ tái cơ cấu doanh nghiệp (Corporate Restructing Fund), tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp (Corporate Restructing Vehicle)…Mục đích của các công ty đặc biệt này là làm sống lại những doanh nghiệp mất khả năng trả nợ nhưng có nhiều tiềm năng phục hồi. Để nắm quyền quản lý các công ty này, các công ty đặc biệt thường mua lại cổ phiếu và/hoặc mua lại nợ xấu từ các tổ chức tài chính như KAMCO, KDIC.

Như vậy, yếu tố thành công cho hoạt động xử lý nợ xấu bao gồm: (1) sử dụng ngân sách để thành lập các công ty tài chính chuyên biệt SPV như: KAMCO, Quỹ Công chúng, công ty Tái cơ cấu doanh nghiệp…; (2) mua nợ vẫn ở mức chiết khấu cao; (3) ban hành đạo luật riêng cho hoạt động xử lý nợ xấu; (4) thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý sau khi mua nợ; (5) tiến đến một thị trường mua bán nợ toàn diện.

Tóm lại, ngân sách nhà nước không phải dùng để tống khứ nợ xấu, mà là khoản đầu tư vào các công ty tài chính chuyên biệt nhằm hướng đến khả năng sinh lời hấp dẫn từ nợ xấu. Và rõ ràng, ở Nhật mức chiết khấu khi mua nợ xấu đã lên tới 96% và tỷ suất sinh lời sau xử lý nợ xấu từ RCC rất cao. Lẽ tất nhiên, ở các quốc gia đó, họ mua bán nợ xấu là mua bán quyền đòi nợ, chứ không như ở Việt Nam.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục