Nhiều tiệm vàng lúng túng khi thực hiện các quy định về kinh doanh vàng.
Đủ kiểu vi phạm về vàng trang sức
- Cập nhật : 16/09/2016
(Tien vang)
Hơn 2 năm từ khi cơ quan quản lý siết lại thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vẫn còn hàng trăm cơ sở kinh doanh mua bán vàng trang sức vi phạm quy định về nhãn mác, tuổi vàng...
Ngày 15-9, ghi nhận tại một số tiệm vàng quanh khu vực đường Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) cho thấy rất nhiều sản phẩm vàng trang sức không được gắn nhãn mác, ký hiệu hàm lượng vàng… theo quy định. Nhiều khách hàng vào mua đồ trang sức cũng chỉ quan tâm sản phẩm phù hợp, hỏi giá bán rồi trả tiền thay vì tìm hiểu kỹ về tuổi vàng, giá vàng thời điểm đó.
Có hóa đơn vẫn thiệt
Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã gửi báo cáo đến Văn phòng Chính phủ về công tác quản lý thị trường vàng. Theo đó, riêng trong 2 năm 2015-2016, các cơ quan chức năng của bộ đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở mua bán vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và phát hiện hơn 600 đơn vị vi phạm.
Cụ thể, năm 2015 có 432 cơ sở kinh doanh mua bán vàng vi phạm ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo, hàm lượng vàng không đạt theo công bố. Cơ quan chức năng đã xử lý hơn 4.000 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ vi phạm, trong đó tạm dừng lưu thông 2.886 mẫu và xử phạt hành chính 63/432 cơ sở vi phạm.
Đến 8 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện và xử lý thêm 183 cơ sở sản xuất - kinh doanh mua bán vàng trang sức do vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa.
Theo giám đốc một doanh nghiệp (DN) vàng tại TP HCM, mặc dù Thông tư 22 năm 2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng, quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều tiệm vàng vi phạm mà chưa bị kiểm tra, xử lý. “Ngay tại TP HCM, khu vực “phố vàng” chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn, rất nhiều tiệm không ghi nhãn mác, chưa nói tới hàm lượng vàng. Tình trạng mua đâu bán đó vẫn còn khá phổ biến và dù khách hàng có lấy hóa đơn khi mua nhưng lúc bán vẫn bị thiệt đủ đường” - giám đốc DN này nhìn nhận.
Mới đây, chuyện anh Phạm Vinh (Hà Nội) mua một kiềng vòng 999,9 trọng lượng vàng 7,04 chỉ tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, có giấy bảo đảm vàng nhưng khi bán, cửa hàng chỉ mua lại với chiếc kiềng 6,23 chỉ. Dù Bảo Tín Minh Châu nói do “giao nhầm” kiềng vàng của anh Vinh với khách hàng khác nhưng từ câu chuyện này, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng luôn phải lấy hóa đơn khi mua bán vàng, để ý hàm lượng và cả giá vàng tại từng thời điểm. “Nếu để mất hóa đơn, món vàng trang sức khi khách hàng bán cho tiệm sẽ được xem như vàng trôi nổi và bị mua với giá rất thấp” - vị giám đốc nêu trên khuyến cáo.
Không chỉ quản lý phần ngọn
Liên quan đến các quy định về quản lý sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ theo Nghị định 24 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng chưa kiểm soát được về chất lượng, đặc biệt là các DN, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định.
Trong khi đó, các cửa hàng vàng trang sức cho biết chỉ lấy vàng từ DN sản xuất, cơ sở chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép nên chất lượng sẽ do các đầu mối này quyết định.
Theo một số chuyên gia, điều này đang bộc lộ bất cập khi vàng nữ trang chỉ được quản lý phần ngọn (lưu thông) thay vì quản lý từ gốc (sản xuất, nhập khẩu). Trong khi đó, nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phải từ gốc.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM, cho rằng việc quản lý vàng nữ trang chỉ nắm phần ngọn là chưa hợp lý vì các tiệm mua bán vàng trang sức đều lấy hàng từ các “chành”, các đầu mối sản xuất lớn. “Thay vì kiểm tra hàng trăm cơ sở mua bán vàng trang sức trên cả nước, cơ quan chức năng chỉ cần thanh - kiểm tra hoạt động của các DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Nhiều tiệm vàng bị xử phạt do vi phạm về tuổi vàng cũng khó cho họ” - ông Dưng nhận xét.
Trước thực trạng này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 24, trong đó bổ sung quy định quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.
Tiệm vàng bị oan vì… cái cân?
Một trong các vi phạm của cơ sở mua bán vàng trang sức là sử dụng cân điện tử không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường và không phù hợp về phạm vi đo. Theo ông Nguyễn Văn Dưng, nhiều tiệm vàng đang "bị oan" vì quy định này. Cụ thể, theo quy định, các tiệm vàng, cơ sở mua bán vàng nữ trang phải dùng cân điện tử loại 200 g, trong khi nhiều tiệm vàng đang sử dụng cân loại 300 g, 500 g trở lên vì rẻ hơn đến hàng chục triệu đồng.
"Sản phẩm vàng được cân đo trên các loại cân này vẫn chính xác, đúng tiêu chuẩn nhưng theo quy định thì bị phạt" - ông Dưng phân tích.