Chỉ trong vài tuần trở lại đây, tại TP.HCM và Nha Trang thường xuyên diễn ra các cuộc hội thảo nhằm mời gọi người tham gia đầu tư vào Onecoin.
Vay vốn ngân hàng: Đường dài gian nan
- Cập nhật : 25/09/2015
(Tin kinh te)
Có tới 30% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng và chừng đó DN khác khó tiếp cận, ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ - số liệu từ VCCI.
Khó khăn vẫn dồn nén, không dễ vay vốn
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện phổ biến từ 9-11%/năm, ngắn hạn 7-8%/năm - mức khá thấp, ngang mặt bằng của thị trường gần chục năm về trước. Bên cạnh giá vốn rẻ, nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình cho vay ưu đãi.
Tưởng chừng như vậy sẽ không còn khó khăn cho các Doanh nghiệp (DN) và người cần vốn tìm đến ngân hàng, tuy nhiên, thực tế lại khác.
Tại Hội thảo "Cơ chế và giải pháp vốn hỗ trợ DN", do VCCI và Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Hà Nội) cho biết, các ngân hàng đã cởi mở và hỗ trợ DN rất nhiều. Tín dụng cũng tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, vẫn có tới 70% DN kinh doanh không có hiệu quả. Khó khăn bị dồn nén từ 7-8 năm về trước, nay tài sản không còn, vì vậy rất khó vay vốn kinh doanh.
Các DN nhỏ và vừa ở nông thôn đang rất khó khăn. Hầu hết những DN cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất như thức ăn chăn nuôi đang rất khát vốn, nhưng không thể vay để mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị. Các DN này không có tài sản đảm bảo nên khó có thể tiếp cận được ngân hàng, ông Lý nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, sau thời gian dài sản xuất kinh doanh khó khăn, tài sản đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng là thực tế chung của nhiều DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, muốn vay vốn, các ngân hàng đòi phải chứng minh khả năng tài chính, phải có tài sản đảm bảo, vì vậy việc tiếp cận vốn là rất vất vả với nhiều DN.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) nói rằng công ty ông hiện đang thuê 775 ha đất của Nhà nước để nuôi thủy sản, giá trị đầu tư vào các ao nuôi này là rất lớn. Tuy nhiên, tài sản trên đất thuê không thể thế chấp được nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng bị hạn chế, DN không thể phát triển được.
Về phía các ngân hàng lại cho rằng, room tín dụng vẫn còn bị hạn chế, hơn nữa quy định mới về việc đánh giá, phân loại nợ xấu và dự phòng rất khắt khe nên không thể dễ dàng giải ngân. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra quyết liệt, các ngân hàng hoạt động cẩn trọng hơn, dẫn đến quá trình cấp tín dụng chặt chẽ.
Ngân hàng còn đổ lỗi, cho rằng các DN hiện nay không có hồ sơ sổ sách tài chính đầy đủ, thiếu minh bạch, không đáp ứng yêu cầu. “Có DN có hồ sơ nhưng phương án đưa ra một đằng, triển khai lại một nẻo, dẫn đến mất lòng tin của ngân hàng” - ông Lê Đào Nguyên, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) nhận xét.
Trông chờ vào cho vay tín chấp
Ông Nguyễn Hoàng cho biết, hiện nay công nghiệp hỗ trợ là ngành rất có tiềm năng và các DN có điều kiện để tham gia. Tuy nhiên, vốn đòi hỏi rất lớn, DN không xoay sở được. Để giải quyết vốn cho DN, sắp tới, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cần có các giải pháp hỗ trợ như cho vay tín chấp, chấp nhận tài sản đảm bảo hình thành trên đất dự án như nhà xưởng... để vay vốn. Đề nghị ngân hàng hợp tác cùng chia sẻ rủi ro với DN, có như vậy mới thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cũng đề xuất ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp để giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng cần có đôi "mắt xanh" để đánh giá độ tin cậy, tín nhiệm của các DN, cũng như các dự án để mang lại lợi ích cho DN và chính mình, ông Lộc phát biểu.
Hiện hầu hết các DN vay vốn lãi suất trung dài hạn ở mức 10-11%/năm, vẫn khá cao nên khó đầu tư lâu dài. Bởi, nhiều ngành sản xuất bắt đầu phục hồi, nhưng lợi nhuận vẫn còn thấp, dưới 10%/năm, trong khi vay vốn lãi suất cũng tương đương coi như không hiệu quả, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội phản ánh.
Do vậy, giảm lãi suất là điều cần thiết để hỗ trợ DN khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho rằng việc này là có thể trong bối cảnh lạm phát 8 tháng đầu năm chưa đầy 1%.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ, cho rằng lãi suất khó giảm thêm trong 6 tháng tới. Đồng USD đang lên giá, nếu hạ lãi suất VND xuống, người dân sẽ chuyển hết sang USD. Ngoài ra còn áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn. Thực tế, sau 8 tháng, huy động trái phiếu chưa được một nửa của kế hoạch năm. Muốn các ngân hàng mua trái phiếu, lãi suất phải cao một chút mới hấp dẫn. Lãi suất cho vay DN thấp hơn trái phiếu thì không ngân hàng nào cho vay.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết đang chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh, trong đó có chú trọng tới cho vay tín chấp. Tuy nhiên, các DN cần phải chứng minh năng lực tài chính, cũng như tính khả thi, hiệu quả của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh... để được vay vốn.