Lich sử cho thấy mặc dù quyết định của IMF mang ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, là thành viên của “câu lạc bộ” SDR không cần thiết và không tác động quá nhiều tới việc nhân dân tệ được chấp nhận là một đồng tiền
Để sử dụng USD mà không ‘run’
- Cập nhật : 15/01/2016
(Tai chinh)
Khoảng 90% doanh nghiệp nhập khẩu không bảo hiểm tỉ giá.
Ngay từ những ngày đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức áp dụng cách điều hành tỉ giá mới. Theo đó, tỉ giá có tăng, có giảm, thay đổi hằng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và biến động trên thị trường thế giới.
Với cơ chế mới này, người dân và doanh nghiệp (DN) phải làm gì để hạn chế những rủi ro do biến động tỉ giá?
Còn thờ ơ
Thực tế cho thấy công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá đóng vai trò khá quan trọng với nhiều DN, song họ khá thờ ơ với công cụ này. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC, nhận xét đến nay phần lớn các DN vẫn không mua bảo hiểm tỉ giá.
“Đến trước đợt biến động tỉ giá hồi tháng 8-2015 vẫn có đến 90% DN nhập khẩu không mua bảo hiểm tỉ giá. Hơn nữa các hợp đồng bảo hiểm tỉ giá của DN Việt thường cũng rất ngắn hạn, với hơn 80% hợp đồng có thời hạn dưới ba tháng” - ông Hải dẫn chứng.
Một nghiên cứu gần đây với sự thực hiện của nhiều chuyên gia cũng chỉ ra tỉ lệ DN Việt mua bảo hiểm tỉ giá còn thấp so với các nước trong khu vực. Ví dụ, khoảng 40% DN nhập khẩu Trung Quốc có mua bảo hiểm rủi ro tỉ giá cho các khoản thanh toán quốc tế, ở Malaysia con số này là gần 50%.
Trên thực tế, việc không mua bảo hiểm tỉ giá khiến không ít DN mất hàng tỉ đồng. Đơn cử hồi tháng 8-2015, ba tập đoàn lớn là Điện lực (EVN), Than-Khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) kêu lỗ hàng ngàn tỉ đồng do biến động tỉ giá. Riêng TKV cho biết chênh lệch tỉ giá đã làm các nhà máy nhiệt điện mà tập đoàn đầu tư phát sinh khoản lỗ đến 1.200 tỉ đồng.
Ông Hải phân tích thêm, các DN thường bỏ qua việc bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn, như các khoản vay USD trung và dài hạn ở nước ngoài. Đến khi thị trường biến động mạnh thì mới tham gia vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như hoán đổi tiền tệ chéo. Lúc đó chi phí để bảo hiểm đã tăng rất cao so với lúc thị trường còn đang ổn định.
Phí còn cao
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhìn nhận trước đây DN thường trông chờ vào sự bảo hộ tỉ giá của NHNN, tức giữ tỉ giá cố định trong một thời gian dài. Nay với cơ chế mới thì DN nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỉ giá để tránh những thiệt hại do biến động không lường được trong tương lai.
Đáng tiếc là việc ứng phó với tình hình bất thường của thị trường ngoại hối chưa được DN mặn mà, bao gồm cả DN xuất nhập khẩu hay vay ngoại tệ.
Nguyên nhân khiến các DN ngại sử dụng công cụ bảo hiểm tỉ giá chủ yếu do phí ngân hàng lấy cao, công cụ bảo hiểm tỉ giá còn chưa thật sự phong phú và bản thân các ngân hàng cũng ngại rủi ro tỉ giá. Một số DN cho hay vẫn dùng USD để giao dịch nên không quan tâm nhiều tới bảo hiểm tỉ giá.
“Thêm nữa, chính sách tỉ giá lâu nay duy trì khá ổn định nên DN không muốn mất thêm một khoản chi phí khá cao cho dịch vụ này. Tuy vậy, với cơ chế mới, DN cần có công cụ tự bảo vệ mình trước biến động của tỉ giá” - đại diện một DN nói.
Tự bảo vệ mình
Trên thị trường hiện đang có các sản phẩm bảo hiểm tỉ giá như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn... Ngoài ra, các sản phẩm như hoán đổi lãi suất một đồng tiền cho USD cũng khá đa dạng và có nhiều lựa chọn cho khách hàng để bảo hiểm rủi ro biến động lãi suất, đặc biệt khi lãi suất USD đang có xu hướng tăng.
Theo TS Hiếu, thực chất bảo hiểm tỉ giá là dùng các công cụ phái sinh để giúp DN chủ động trong trường hợp tỉ giá biến động trong tương lai, chẳng hạn như mua kỳ hạn tỉ giá.
Ví dụ, một DN trong vòng ba tháng tới cần nhập một lô hàng trị giá 100.000 USD sẽ đến ngân hàng mua hợp đồng kỳ hạn tỉ giá trong ba tháng. Giá cấu thành cho hợp đồng này được tính vào ngày làm hợp đồng. Đơn cử giá USD ngày 13-1 là 22.425 VND/USD nhân với chênh lệch VND và USD khoảng 5,5%. Dù chênh lệch lãi suất VND/USD là 5,5% nhưng chia cho ba tháng còn 1,37%. Như vậy, tỉ giá ổn định mà DN mua bất cứ lúc nào cũng sẽ chốt ở mức 22.732 VND/USD.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận dù hiện nay NHNN điều hành tỉ giá đã linh hoạt hơn trước nhưng vẫn có sự kiểm soát chứ chưa thả nổi hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ phần nào kìm hãm các công cụ phái sinh phát triển. Lý do là DN nghĩ rằng khi Nhà nước còn kiểm soát thì sẽ không để tỉ giá biến động quá mạnh.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng muốn tỉ giá ổn định, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ… thì NHNN nên tạo điều kiện để xây dựng một thị trường các công cụ phái sinh mà qua đó người dân, DN có thể mua những hợp đồng bảo hiểm rủi ro tỉ giá. Điều này sẽ tạo sự yên tâm và tạo niềm tin cho người dân, DN vào chính sách tỉ giá.
Nhu cầu ngoại tệ giảm
Sau hơn một tuần áp dụng cơ chế tỉ giá mới cho thấy nhu cầu ngoại tệ của các khách hàng giảm rõ rệt so với trước đó. Thị trường ngoại tệ cũng không có sự biến động mạnh. Đặc biệt, nhiều khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm đến hạn đã rút và chuyển đổi qua tiền gửi tiết kiệm đồng Việt Nam.
Lý do là hiện nay lãi suất tiền gửi USD còn 0% trong khi trước đây khi sở hữu ngoại tệ, ngoài việc hưởng lãi suất người dân và DN còn kỳ vọng đồng USD tăng giá sẽ kiếm lời kép.
Nhiều DN đã dùng các sản phẩm phái sinh, mua các hợp đồng kỳ hạn tỉ giá. Việc mua kỳ hạn tỉ giá sẽ giúp họ dự trù chi phí một cách chính xác nhất và hạn chế được những rủi ro khó đoán định trước của sự biến động tỉ giá.
Ông NGUYỄN THANH TOẠI, Phó Tổng Giám đốc ACB