Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét việc cho phá sản công ty tài chính, quỹ tín dụng yếu kém nhằm tạo thói quen cho thị trường, cũng như cảnh báo các ông chủ ngân hàng phải nghiêm túc trong hoạt động.
Chứng khoán, ngân hàng, BĐS: Ngóng chờ vốn ngoại
- Cập nhật : 14/01/2016
(Kinh te)
Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Những lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, may mặc, điện tử, nông nghiệp, đang hứa hẹn sẽ nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 và hút vốn mạnh.
Vốn ngoại khởi sắc
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, các năm trước vốn FDIgiải ngân mỗi năm của Việt Nam khoảng 11,5 tỷ USD. Nhưng năm 2015, vốn giải ngân tăng mạnh lên hơn 14 tỷ USD, với đóng góp lớn từ dự án Samsung Bắc Ninh (3 tỷ USD). Theo ông Vinh, đây là một tín hiệu tốt, dù FDI vẫn chịu nhiều “điều tiếng” khi nhận nhiều ưu đãi hơn DN trong nước.
Tuy vậy, theo ông Vinh đóng góp của các DN FDI cho Việt Nam rất lớn, đặc biệt về giải quyết việc làm, với 5-7 triệu việc làm thường xuyên (như 1 dự án Samsung Thái Nguyên đã tạo ra hơn 200.000 việc làm). Do đó, theo ông Vinh, cần ủng hộ việc thu hút vốn FDI, nhưng phải chọn lọc các dự án chất lượng cao và tác động giúp DN Việt mạnh lên.
Ngay những ngày đầu năm 2016, một loạt dự án FDI có số vốn lớn cũng được cấp phép đầu tư vào Việt Nam, như: Tập đoàn tài chính AON Holdings bỏ ra 380 triệu USD mua lại tòa nhà Keangnam Landmark; Siêu thị Metro Việt Nam chính thức về tay Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) với giá trị 879 triệu USD; Tập đoàn ANA Holdings - hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản bỏ ra gần 110 triệu USD mua cổ phần Vietnam Airlines.
Theo các chuyên gia và hãng dự báo, triển vọng thu hút FDI trong năm 2016 của Việt Nam được dự báo sẽ sáng hơn cả năm 2015. Đặc biệt Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…
Vốn FDI sẽ chảy vào đâu?
Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hàng loạt FTA quan trọng có hiệu lực, đã và sắp được ký kết, các chuyên gia dự báo vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Những lĩnh vực được các công ty chứng khoán dự báo sẽ thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2016 là dệt may (đón đầu TPP), bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin.
Những năm gần đây, vốn FDI vào bất động sản luôn nằm trong tốp 3 lĩnh vực thu hút được nhiều vốn ngoại nhất. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2016, khi nhu cầu thuê đất khu công nghiệp, bất động sản thương mại, nhà ở, văn phòng tiếp tục tăng.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất. Tuy vài năm gần đây thị trường bất động sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo TS Thắng, bất động sản vẫn là lĩnh vực khá hấp dẫn và tiếp tục nằm trong tốp đầu về thu hút vốn FDI trong giai đoạn 2016-2020.
Riêng với ngành sản xuất sợi, nhuộm, dệt may cùng với dự báo sẽ tăng mạnh về vốn FDI thời gian tới để hưởng lợi từ TPP, nhưng theo TS Thắng, cần xem xét Việt Nam có thể làm tới đâu để cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp. Nhằm tránh cho Việt Nam chỉ mãi đi gia công, với phần giá trị gia tăng thấp như đi xuất khẩu thuê cho bên ngoài ngay tại thị trường của mình. Từ đó làm mất cơ hội hưởng lợi do các FTA, đặc biệt TPP mang lại.
Ngoài các lĩnh vực trên, dự báo về dòng vốn FDI trong năm 2016 còn nhắc tới lĩnh vực nông nghiệp (dù đây là lĩnh vực luôn đội sổ về thu hút vốn FDI kể từ khi Việt Nam mở cửa với đầu tư nước ngoài). Năm 2015, vốn FDI vào nông nghiệp đã có những tín hiệu tốt, đặc biệt dòng vốn từ Nhật Bản. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và đã đầu tư trồng rau, hoa tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
Năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt trên 22,7 tỷ USD; Trong đó, vốn giải ngân ước đạt 14,5 tỷ USD. Những dự án FDI lớn đầu tư vào Việt Nam năm 2015 phải kể đến như: Dự án Cty Samsung Display Việt Nam với vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD; Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD; Dự án Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD…