Theo công thức mà VPBank cung cấp, việc trích lập dự phòng trái phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số dư trái phiếu, thời hạn của trái phiếu, số dư nợ đã thu được từ phía khách hàng kể từ ngày mua trái phiếu và số năm kể từ năm mua trái phiếu đến hiện tại.
Đây là điều mà các ông lớn ngân hàng phải làm để thoát khỏi tình trạng kinh doanh bết bát
- Cập nhật : 23/03/2016
(Tai chinh)
Các ông chủ nhà băng lớn trên thế giới đang đua nhau theo đuổi 1 mô hình: rút lui khỏi một số nước hoặc một số lĩnh vực kinh doanh, kết hợp với 1 liều sa thải nhân viên thật mạnh. Tuy nhiên từng đó là chưa đủ.
Các ông sếp tại ngân hàng lớn hẳn đã từng rùng mình mỗi lần phải thông báo tới nhà đầu tư kết quả kinh doanh bết bát. Deutsche Bank báo cáo khoản lỗ 6,8 tỷ Euro (tương đương 7,4 tỷ USD) cho năm 2015. Tại thời điểm quý 3 năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sỡ hữu trung bình ở các ngân hàng lớn nhất thế giới - những ngân hàng với mức tài sản trên 1.000 tỷ USD - chỉ dừng ở mức yếu ớt 7,9%, thấp hơn nhiều so với mức 15-20% vào thời kỳ trước khủng hoảng tài chính. Nếu loại bỏ các ngân hàng Trung Quốc ra khỏi danh sách thì con số này còn rơi xuống mức thảm hại 5,7%.
Lợi nhuận đã suy giảm với tốc độ này trong mấy năm qua. Và để chống chọi với tình trạng này, các ông chủ nhà băng đang đua nhau theo đuổi 1 mô hình: rút lui khỏi một số nước hoặc một số lĩnh vực kinh doanh, kết hợp với 1 liều sa thải nhân viên thật mạnh. Một ví dụ phổ biến là Barclays: ngân hàng này trong tháng 1 nói họ sẽ cắt khoảng 1.000 vị trí trong mảng ngân hàng đầu tư và ngừng hoạt động tất cả các văn phòng ở Châu Á.
Tuy nhiên các giải pháp cực đoan hơn bao gồm chia nhỏ công ty thành những công ty chuyên ngành và ít phụ thuộc vào những quy định nặng nề thì có vẻ chưa được tính tới.
Trên thực tế, bất chấp sự phẫn nộ của nhà đầu tư về những khoản lợi nhuận nghèo nàn và sự kiên quyết của các nhà hành pháp rằng các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” (“to big to fail”) cần phải được chia nhỏ lại, các ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới gần như chưa thu hẹp lại 1 chút nào từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Theo FSB, năm 2008 tài sản của 11 ngân hàng “khủng” được coi là then chốt là 22.000 tỷ USD và con số hiện tại là 20.000 tỷ. Còn khối tài sản của 1 nhóm rộng hơn, bao gồm 30 ngân hàng được FSB miêu tả là “toàn cầu và quan trọng với hệ thống” lại tăng, chứ không giảm.
Trên bề nổi, đây là một bài toán đố. Để ngăn chặn khủng hoảng, các nhà hành pháp đã phải chồng chất hết quy định này đến quy định nọ với một mục đích duy nhất là làm cho cuộc sống của các ngân hàng được coi là mang đến những rủi ro lớn nhất cho sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Tất cả các ngân hàng đều phải tuân thủ quy định về vốn cao hơn, dùng nhiều tiền vốn từ cổ đông để chi trả cho các hoạt động hơn là từ tiền đi vay. Mặc dù quy định này làm lợi nhuận teo tóp đi nhưng lại tạo ra một tấm đệm hỗ trợ êm ái hơn trong trường hợp ngân hàng gặp phải rắc rối.
Nhưng những yêu cầu thêm về vốn này lại đặc biệt khắc nghiệt đối với những ngân hàng lớn nhất thế giới. Trong khi 1 ngân hàng nhỏ có thể bị yêu cầu giữ vốn tương đương với 7% giá trị tài sản rủi ro thì HSBC và JPMorgan Chase, 2 ngân hàng mà FSB coi là có hệ thống nhất, phải tăng tỷ lệ thêm 2,5 điểm phần trăm nữa. Các nhà quản lý ở Mỹ còn áp thêm 1 khoản phụ thu đối với JPMorgan Chase để đẩy tỷ lệ giữ vốn tối thiểu của ngân hàng này lên 11,5% vào năm 2019. Mục đích của biện pháp này không phải chỉ để tăng cường độ an toàn của các ngân hàng lớn với chi phí giải cứu tốn kém hơn mà còn để ngăn cản các ngân hàng trở nên quá đồ sộ ngay từ đâu.
Các điều khoản khác cũng nhắm riêng tới việc cản trở các ngân hàng lớn. Mỹ đã cấm việc “tự doanh”. Nước Anh đang “đeo vòng kim cô” cho bộ phận bán lẻ của các ngân hàng lớn để đề phòng biến cố xảy ra ở các bộ phận khác. Các chi nhánh ở nước ngoài phải tự có khả năng chống chọi với các cú sốc. Những quy định này ít ảnh hưởng tới các ngân hàng nhỏ vì họ thường không dàn trải ở quá nhiều nước hoặc kết hợp cả mảng bán lẻ lẫn mảng đầu tư.
Một số ngân hàng còn cho nhân viên pháp chế tham dự hầu hết các cuộc họp, kể cả những cuộc họp hội đồng quản tri. “Bây giờ cứ 1 người làm thì có 4 người kiểm tra,” một thành viên ngân hàng đầu tư càu nhàu.
Những thay đổi trên cũng đã có kết quả nhất định. Mặc dù 11 ngân hàng khiến FSB lo lắng nhất hầu như chưa nhỏ lại thì ít nhất chúng cũng đã dừng phát triển. Sự lan rộng về mặt địa lý của hai ngân hàng “toàn cầu” HSBC và Citi đã chậm lại đáng kể khi họ quyết định đóng cửa tại rất nhiều quốc gia. Rất nhiều ngân hàng đầu tư, đặc biệt là ở Châu Âu, đã thu hẹp lại để tập trung vào các mảng mà họ có thế mạnh, ví dụ như UBS đã hầu như bỏ hoàn toàn mảng kinh doanh trái phiếu, tiền tệ và hàng hoá. Nhìn chung, các ngân hàng đã dần dần tránh khỏi những hoạt động rủi ro và đòi hỏi quá nhiều vốn, như việc kinh doanh các công cụ tài chính, để tập trung dần vào các mảng khác như giúp đỡ các công ty tăng vốn hoặc quản lý tài sản cho các nhà đầu tư giàu có.
Một số ông lớn còn cực đoan hơn. Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới về tài sản, đã thu nhỏ hơn 1 nửa sau khi có chủ sở hữu mới là chính phủ Anh. General Electric đã trút bỏ gần hết những tài sản tải chính trong vòng 1 năm qua. Credit Suisse đang manh mún rút khỏi mảng ngân hàng bán lẻ nội địa, còn ngân hàng Deutsche Bank đang rao bán Postbank, nhánh ngân hàng bán lẻ lớn của họ ở Đức.