Lợi thế về tỷ giá cũng sẽ giúp các đơn vị Trung Quốc tiếp tục có sức cạnh tranh lớn trong lĩnh vực đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện là một động lực chính đối với tăng trưởng GDP.
Chuyên gia: M&A sẽ tăng mạnh nhờ thuận lợi đủ đường!
- Cập nhật : 10/08/2015
(Chung khoan)
6 tháng đầu năm nay lượng giao dịch các thương vụ M&A ở thị trường trong nước chiếm khoảng 75% tổng lượng giao dịch của cả năm ngoái 2014. "Tình hình không phải bắt đầu bùng nổ nữa mà đang trong giai đoạn cưỡi trên ngọn sóng M&A", ông John Ditty nhận định.
Tại diễn đàn, ông Bùi Ngọc Hồng, Luật sư thành viên, LNT & Partners nhận định rằng giao dịch M&A thật sự đang sôi động với giá trị giao dịch của các thương vụ ngày càng lớn và chờ đón sự bùng nổ.
Cùng nhận định này ông John Ditty, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Namcho biết trong 6 tháng đầu năm nay lượng giao dịch các thương vụ M&A ở thị trường trong nước chiếm khoảng 75% tổng lượng giao dịch của cả năm ngoái 2014 và chiều hướng cho thấy các giao dịch mua bán sáp nhập sẽ còn tiếp diễn. Kỳ vọng cuối năm nay số lượng sẽ tiếp tục tăng nhiều lên. "Tình hình không phải bắt đầu bùng nổ nữa mà đang trong giai đoạn cưỡi trên ngọn sóng M&A", ông John Ditty nhận định.
Theo ông John Ditty, những giao dịch mua bán sáp nhập ngày càng mở rộng nhiều lĩnh vực hơn nhưng nổi trội vẫn là những lĩnh vực liên quan đến phục vụ người tiêu dùng gồm hàng hóa tiêu dùng, khu mua sắm, bán lẻ, sản xuất và bất động sản...
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao của Recof Corporation (Nhật Bản) cũng cho rằng các thương vụ giao dịch M&A hiện nay đã đa dạng ngành nghề hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. "Việt Nam với lợi thế dân số đông, trẻ tuổi và thị trường còn sơ khai sẽ là mục tiêu M&A của các tập đoàn từ Nhật Bản trong các lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ, tài chính, tiêu dùng nhanh, logistics…", ông Yoshida chia sẻ.
Ông John Ditty cho rằng sự cải cách, tái cơ cấu điều chỉnh và những nỗ lực của Chính phủ trong việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh đã thúc đẩy các giao dịch M&A gia tăng. "Khi nhà đầu tư nhìn nhận môi trường đầu tư được cải thiện và tạo sự bền vững từ phía Chính phủ, họ sẽ có niềm tin để đẩy mạnh đầu tư", ông Ditty nói.
Ông Bùi Ngọc Hồng cũng nhận định rằng những cam kết mở cửa kinh tế thị trường đã dần rộng mở và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam dù chỉ 1% cũng phải xin phép, nhưng với các điều kiện thông thoáng theo quy định mới thì các nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 49% không còn phải xin phép như trước đây. Đó được xem là một điều kiện tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức M&A.
Tiến sĩ Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho rằng, các nhân tố thúc đẩy M&A tại Việt Nam chính là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành ngân hàng cùng với Nghị định 60 chính thức mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các điều kiện này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như: sắt thép, bán lẻ… Ngay trong tháng này sẽ ban hành thông tư quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, với sản phẩm chứng khoán phái sinh cũng đang trong quá trình được hoàn thiện để được triển khai. Với sự hồi phục của thị trường chứng khoán sẽ là điều kiện để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và đẩy mạnh làn sóng M&A trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các nhà đầu tư và nhà quản lý cho rằng, sự thay đổi của các chính sách gần đây đã có tác động khá lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt có tác động mạnh đến hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng.
Theo ông Đông, những động lực thúc đẩy hoạt động M&A bùng nổ là gần đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều luật quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)...
Mặc dù tiến trình này còn chậm, song các cuộc đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn trong các ngành như giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A.
Một yếu tố thực tế khác đang thúc đẩy thị trường M&A là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Vấn đề quan trọng khác đó là Khu vực Đông Nam Á đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người.