Những động thái tiếp theo của Trung Quốc với đồng nhân dân tệ chưa biết sẽ ra sao? Ở mỗi biên độ tỷ giá có một tác động khác nhau nên chưa thể nói cần phải làm gì trong trường hợp này. Nếu ứng phó ngay lập tức dễ dẫn đến tình trạng bị cuốn vào cuộc đua phá giá đồng nội tệ.
Chặn “cơn địa chấn” nhân dân tệ
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tin kinh te)
Động thái giãn biên độ tỉ giá lên ±2% của Ngân hàng Nhà nước được xem là hành động kịp thời nhằm tạo cơ chế phòng vệ để không bị ngợp trước sự mất giá của đồng nhân dân tệ
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá động thái nới biên độ tỉ giá từ mức ±1% lên ±2% của Ngân hàng (NH) Nhà nước trong ngày 12-8 là phản ứng nhanh và phù hợp trong bối cảnh không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ. Theo đó, các NH thương mại sẽ được phép giao dịch với tỉ giá sàn 21.240 đồng/USD và tỉ giá trần là 22.106 đồng/USD.
Giọt nước tràn ly
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có thế mạnh về ngoại hối tại TP HCM nhận xét việc NH Trung ương Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% hôm 11-8 và tiếp tục giảm thêm 1,6% trong ngày 12-8 giống như “giọt nước làm tràn ly” tác động lên tỉ giá USD/VNĐ, buộc NH Nhà nước phải có phản ứng.
Áp lực điều chỉnh tỉ giá không hẳn do đồng nhân dân tệ giảm giá mà NH Nhà nước đã cân nhắc nhiều yếu tố khác. Thực tế, từ đầu năm đến nay, dù NH Nhà nước đã điều chỉnh tăng 2% nhưng tỉ giá vẫn chịu áp lực rất lớn. Cơ quan này lý giải diễn biến kinh tế thế giới xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến như giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm; sự suy thoái của kinh tế châu Âu và khủng hoảng kinh tế Hy Lạp khiến đồng USD tăng giá mạnh.
“Trung Quốc là đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn của Việt Nam, việc đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ tác động bất lợi tới kinh tế Việt Nam. Nới biên độ tỉ giá USD/VNĐ cũng nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỉ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt” - đại diện NH Nhà nước phân tích.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TS Võ Trí Thành, cho rằng điều hành chính sách tỉ giá năm nay rất phức tạp vì kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng. Sau 2 năm xuất siêu, Việt Nam bắt đầu nhập siêu trở lại và đồng USD tăng giá mạnh. Áp lực này làm đồng tiền nhiều nước khác giảm giá, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
“Dù phải tính đến các yếu tố vĩ mô như nợ nước ngoài nhưng việc điều chỉnh biên độ tỉ giá của NH Nhà nước lần này là bước chuẩn bị cần thiết cho việc điều chỉnh tỉ giá linh hoạt hơn trong những năm tới” - ông Thành nhìn nhận.
Khó cho xuất khẩu
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh là thách thức khi sẽ khoét sâu thâm hụt thương mại của Việt Nam với thị trường này. Hơn nữa, hàng xuất khẩu Việt Nam cũng bất lợi ở các thị trường cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc (hàng Trung Quốc xuất đi EU, Mỹ… rẻ hơn hàng Việt Nam).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 12-8, nhiều DN xuất khẩu hàng sang Trung Quốc tỏ ra lo ngại khi đồng nhân dân tệ giảm giá. Ông Trần Văn Sơn, Công ty CP Hạt điều Gia Bảo, cho biết hơn 70% thị phần xuất khẩu hạt điều của công ty là sang Trung Quốc. Nếu vài tháng trước, một hộp hạt điều 300 g giá 65.000 đồng đổi được 3,45 đồng nhân dân tệ thì nay tăng lên 3,5 đồng (người tiêu dùng Trung Quốc phải mua với giá cao hơn). “Tính ra, công ty lỗ 1.000 đồng/hộp và sẽ còn thiệt hại hơn khi đồng nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá” - ông Bảo nói.
Trong khi đó, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng tiền sẽ làm giá nhập khẩu vào nước họ trở nên đắt đỏ hơn. Riêng mặt hàng gạo, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo các nước khác cùng xuất sang thị trường này. Theo tính toán của ông Tuấn, với mức giảm giá đồng nhân dân tệ 3,5% còn VNĐ nới biên độ thêm ±1% thì mỗi kg gạo sẽ tăng khoảng 250 đồng là không đáng kể và chưa tác động nhiều.
“Quan trọng là Trung Quốc có mở cửa cho gạo Việt vào hay không vì từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo tiểu ngạch rất phập phù khi nước này lúc đóng, lúc mở đường biên mậu. Xuất chính ngạch thì gặp khó vì giá cao” - ông Tuấn nói.
Nguy cơ tăng nhập siêu
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên việc đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ tác động đến cán cân thương mại. Có điều, TS Võ Trí Thành cho rằng trong thâm hụt thương mại với Trung Quốc, tỉ giá chỉ là một yếu tố bên cạnh cơ cấu hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN)… Bởi trong 15 năm qua, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc và ngay cả những giai đoạn đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh, thâm hụt thương mại của Việt Nam từ thị trường này vẫn tăng.
Năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc là 23,7 tỉ USD. Qua năm 2014, con số này tăng tới 28,8 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 16,5 tỉ USD từ Trung Quốc.
Phân tích kỹ sẽ thấy trong cơ cấu thương mại với Trung Quốc, 30% hàng nhập khẩu là các loại máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất; 30% hàng nhập khẩu khác là các loại nguyên phụ liệu trung gian cũng để phục vụ cho sản xuất. Theo TS Thành, đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam. “Riêng 10% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng có thể tác động trực tiếp đến hàng nội địa, cạnh tranh mạnh với hàng Việt vì giá rẻ hơn” - ông Thành nhận xét.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Điều chỉnh tỉ giá để linh hoạt, chủ động hơn
Từ đầu năm, NH Nhà nước dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng bất lợi đến tỉ giá, xuất khẩu của nước ta nên đã chủ động điều chỉnh giảm giá đồng Việt Nam 2%. Do vậy, thị trường ngoại hối và tỉ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là một cú sốc mới từ bên ngoài, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm.
Trung Quốc và các nước châu Á là nhóm đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn của Việt Nam, nước ta lại đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc nên việc giảm giá đồng tiền của các nước này sẽ có tác động bất lợi tới tỉ giá và xuất nhập khẩu. Do vậy, NH Nhà nước quyết định nới rộng biên độ tỉ giá từ ±1% lên ±2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỉ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường.
Trong thời gian tới, NH Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tiếp tục ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định; theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp. T.Nhàn ghi
Có tác động nhưng không lớn
Theo cán bộ phụ trách thương mại của Bộ Công Thương, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ theo lý thuyết sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khó khăn hơn và hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn về nước nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những lần điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ trước đây, thương mại Việt - Trung tuy có bị ảnh hưởng nhưng mức độ không lớn. Bởi lẽ, giao thương giữa 2 nước đến nay vẫn chủ yếu sử dụng USD, chỉ giao dịch một phần nhỏ bằng nhân dân tệ ở các vùng biên giới, cửa khẩu.
Ngoài ra, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu là các nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất nên dù điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ hay không thì nền kinh tế vẫn đòi hỏi nhập. Chưa kể nếu giá hàng hóa rẻ đi thì Việt Nam cũng có lợi.
Ở chiều xuất khẩu, dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và EU, nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị không lớn nên mức độ ảnh hưởng không nhiều. “Chúng ta chắc chắn bị tác động nhưng không lớn. Quốc gia bị tác động nhiều nhất chính là những nước có kim ngạch buôn bán lớn với Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, EU” - vị này nhận định. Ph.Nhung
Phải theo dõi sát tình hình Việc đồng nhân dân tệ bị phá giá ảnh hưởng không nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc bởi kim ngạch xuất khẩu nước ta sang thị trường này chỉ chiếm 10%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, châu Âu và các nước Đông Nam Á chiếm đến 90%. Vì thế, tỉ giá VNĐ/USD tăng lên sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, do nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 30% tổng nhập khẩu nên cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc luôn thâm hụt. Khi đồng nhân dân tệ giảm giá quá mạnh so với USD, độ lệch cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc sẽ lớn hơn, giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn tạo áp lực cạnh tranh lên hàng hóa sản xuất trong nước. Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế trong và ngoài nước để linh hoạt điều hành tỉ giá sao cho hợp lý. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia
Không tác động nhiều đến lãi suất Trong điều kiện xuất khẩu kém đi, lạm phát thấp, nhiều quốc gia liên tục phá giá nội tệ… thì NH Nhà nước nới biên độ tỉ giá là chính sách đúng đắn nhằm hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, các nước bạn tiếp tục phá giá đồng tiền, hàng hóa Việt Nam không đủ sức cạnh tranh, tình hình xuất khẩu không được cải thiện thì đến năm 2016, NH Nhà nước sẽ điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng hay tiếp tục nới rộng biên độ tỉ giá? Do Việt Nam là quốc gia nhập siêu nên khi tỉ giá tăng sẽ làm tăng giá cả hàng hóa, tác động nhất định đến lạm phát. Thế nhưng, lạm phát hiện nay chưa đến 1%, nếu trong thời gian tới có tăng lên thì lạm phát vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi VNĐ quá cao so với lạm phát, phổ biến ở mức 5%-6%/năm và lạm phát sẽ không tác động nhiều đến lãi suất. TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Trường Đại học Tài chính Marketing P.Nhung - T.Thơ ghi
Giá vàng tăng, chỉ số chứng khoán giảm
Giá USD bán ra ở các ngân hàng thương mại chiều 12-8 tăng 210 đồng/USD trong khi ở thị trường tự do tăng 180 đồng/USD
THÁI PHƯƠNG - SƠN NHUNG
Ngay sau khi NH Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá lên ±2%, các NH thương mại đã đồng loạt niêm yết giá USD lên sát trần. NH TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã thay đổi bảng niêm yết giá USD tới 87 lần trong ngày. Giá USD trong các NH chiều 12-8 ở mức 22.000 đồng/USD mua vào, 22.060 đồng/USD bán ra, tăng 210 đồng/USD so với phiên hôm trước. Trong ngày, có thời điểm giá USD áp sát giá trần khi leo lên 22.100 đồng/USD.
Giá USD trên thị trường tự do cũng có phiên “nóng”. Trong chiều 12-8, một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM báo giá USD mua vào 21.980 đồng/USD, bán ra 22.070 đồng/USD, cao hơn 10 đồng/USD so với giá trong NH thương mại và tăng đến 180 đồng/USD so với phiên trước.
Tương tự, giá vàng trong nước cũng tăng gần 700.000 đồng/lượng khi đóng cửa ở mức 33,72 triệu đồng/lượng bán ra, mua vào lên đến 33,37 triệu đồng/lượng. Giá vàng trên sàn quốc tế cũng leo lên 1.117 USD/ounce, mức cao nhất trong nhiều tuần qua do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Trong phiên giao dịch ngày 12-8, cả hai chỉ số chứng khoán đều giảm đáng kể, nguyên nhân chủ yếu do nhà đầu tư bị tác động tâm lý từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và NH Nhà nước điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá.
Theo đó, đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 8,81 điểm, xuống còn 604,24 điểm; chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng giảm điểm. Hầu hết các mã thuộc ngành NH đều giảm. Dù thị trường giảm điểm nhưng nhà đầu tư vẫn bắt đáy, mua vào nên thanh khoản trên thị trường tương đối ổn định, đạt gần 2.800 tỉ đồng cho cả 2 sàn.
Một chuyên gia tài chính cho rằng việc NH Nhà nước nới biên độ tỉ giá không ngoài dự báo bởi từ đầu năm đến nay, tình hình tỉ giá đã tương đối “ồn ào”. Dù vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối tốt, vốn nước ngoài vẫn đổ vào mạnh và các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 6 tháng khả quan.
Phó tổng giám đốc một NH thương mại cho rằng việc các NH tăng giá USD sau khi NH Nhà nước nới biên độ giao dịch là bình thường. Muốn xem cung cầu ngoại tệ có biến động hay không phải quan sát giá USD trong cả tuần giao dịch.