Các công ty quản lý tài sản của Trung Quốc đang bán ra những tài sản có rủi ro cao nhưng đi kèm với mức lợi suất hấp dẫn trên thị trường thứ cấp.
Việt Nam chống đỡ thế nào trước cú sốc nhân dân tệ?
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tin kinh te)
Chỉ trong hai ngày 11 và 12-8, Trung Quốc (TQ) đã bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ đến hai lần với mức giảm tổng cộng hơn 3,5%.
Có thể nói đây là kỷ lục giảm giá trong vòng hai thập niên qua của đồng tiền này.
Bất lợi đối với kinh tế Việt Nam
Lý giải về việc TQ đột ngột phá giá đồng nội tệ, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng nguyên nhân chính là do TQ muốn cải tổ lại thị trường ngoại hối của họ và họ muốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
“Bảy tháng đầu năm, xuất khẩu của TQ đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tăng trưởng kinh tế được dự báo không đạt như kỳ vọng. Thêm vào đó, chứng khoán TQ lao dốc khủng khiếp. Vì vậy, việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái được họ xem như là công cụ để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế nước này” - ông Phước phân tích.
Bên cạnh đó, TQ mong muốn thực hiện giấc mơ đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông Phước nhận định: “Trong nỗ lực đàm phán để đưa đồng nhân dân tệ thành đồng dự trữ quốc tế, trước hết TQ phải thực hiện điều chỉnh tỉ giá theo hướng để cung-cầu thị trường quyết định”.
Hầu hết các chuyên gia khác cũng nhìn nhận động thái phá giá mạnh đồng nhân dân tệ là cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Với không ít người, nhân dân tệ được coi như một trong những đồng tiền mạnh và thậm chí một số người còn kỳ vọng đồng tiền này có thể thay thế đồng USD!
Riêng với Việt Nam (VN), TQ là đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn nên việc điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ sẽ tác động bất lợi tới nền kinh tế VN trong bối cảnh chúng ta vẫn đang nhập siêu rất lớn từ TQ. Cụ thể, bảy tháng đầu năm nay VN tiếp tục nhập siêu từ TQ (VN xuất sang TQ đạt 9,3 tỉ USD nhưng nhập khẩu lên đến 28,8 tỉ USD, nhập siêu gần 20 tỉ USD).
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng hàng TQ vốn đã rẻ nay càng rẻ hơn tràn vào VN không chỉ qua con đường chính thức mà còn qua kênh buôn lậu.
Việc TQ phá giá nhân dân tệ sẽ khiến hàng xuất khẩu của VN qua TQ đắt đỏ hơn. Trong ảnh: Hàng trăm xe container vận chuyển thanh long từ Bình Thuận đậu ở cửa khẩu chờ xuất hàng sang Trung Quốc. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Tìm cách đối phó
Theo TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ngay sau khi đồng nhân dân tệ hạ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lập tức điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ mức +/-1% lên +/-2% được áp dụng ngay ngày 12-8. Đây là động thái tích cực, kịp thời.
Điều này giúp cho doanh nghiệp (DN) Việt giảm đến mức tối đa những thiệt hại từ cú sốc phá giá nhân dân tệ. “Mức độ tác động cụ thể của việc phá giá nhân dân tệ thế nào thì chúng ta cần tiếp tục theo dõi, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng đây cũng chính là cơ hội cho các DN trong nước quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu đi các thị trường khác. Cùng với đó, DN phải tái cấu trúc thật mạnh để có những sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Kiên nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Hiếu cho rằng với việc điều chỉnh đồng nhân dân tệ mạnh như vậy, trước mắt hàng TQ sẽ hơn trước đây ít nhất khoảng 4% nữa và sắp tới sẽ thêm 10%.
“NHNN điều chỉnh biên độ tỉ giá sẽ giúp DN trong nước xuất khẩu có lợi thế, bù đắp lại một phần nhập khẩu từ TQ”.
Ông Hiếu cũng đề nghị: “Ở góc độ quản lý, về lâu dài cần có phương án chống đỡ, chiến lược đối phó với khủng hoảng cụ thể. Đồng thời không nên đặt ra những kế hoạch màu hồng mà phải có những kịch bản đối phó với những khủng hoảng để xử lý. Thậm chí cần thiết vẫn phải điều chỉnh chính sách tiền tệ để phù hợp với thị trường”.
Bên cạnh đó, DN VN nên tìm thêm những thị trường khác để né nhập khẩu từ TQ và ngay xuất khẩu cũng vậy. “Hàng xuất khẩu của VN qua TQ sẽ có giá đắt đỏ hơn nên DN cần tìm thêm thị trường để phân bổ rủi ro. Đây cũng là động cơ để VN thoát khỏi lệ thuộc thị trường TQ” - ông Hiếu nói.
Còn theo ông Phước, việc NHNN mở biên độ tỉ giá để giúp hàng xuất khẩu không chịu nhiều ảnh hưởng từ việc hàng hóa của TQ quá rẻ đi vào thị trường VN.
Nhưng ông Phước lưu ý: “Thực tế chúng ta đâu chỉ có đối tác kinh tế là TQ mà còn nhiều quốc gia khác. Do vậy, lời giải tối ưu của tỉ giá không chỉ phục vụ riêng cho các yêu cầu đơn lẻ mà phải hài hòa các mục tiêu khác cho kinh tế vĩ mô cũng như nhìn trong mối tương quan giữa các đồng ngoại tệ khác”.
Điều chỉnh tỉ giá là bắt buộc Ngày 12-8, NHNN quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, áp dụng từ ngày 12-8. Theo NHNN, diễn biến kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế lớn như việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, với việc đồng nhân dân tệ được điều chỉnh giảm kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Với đặc thù TQ là đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn của VN thì việc điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế VN. Vì vậy, để tạo chủ động, linh hoạt cho tỉ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN, NHNN quyết định nới biên độ tỉ giá như trên. Ngay sau khi có quyết định từ NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giá mua bán USD. Vietcombank công bố giá bán USD tăng 206 đồng lên 22.046 đồng; mua vào tăng 180 đồng, lên 21.960 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD biến động mạnh ở mức mua vào và bán ra 21.950 - 22.150 đồng. Trong khi đó, ngay sau khi có thông tin NHNN điều chỉnh tỉ giá, giá vàng miếng đã tăng mạnh, cao nhất đạt 33,3 triệu đồng/lượng, tăng 240.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. TRÀ PHƯƠNG Đòn chí tử TQ phá giá nhân dân tệ vì xuất khẩu đang suy giảm. TQ vốn được xem là công xưởng của thế giới, tuy nhiên hàng hóa làm ra mà không tiêu thụ được thì sẽ chết chìm. Vì vậy họ phải tìm mọi cách để bán hàng ra. Hạ giá để tiêu thụ hàng hóa là cách nhanh nhất giải quyết vấn đề này. Với việc phá giá nhân dân tệ thì TQ đã đánh một đòn chí tử vào kinh tế thế giới, thậm chí có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh tiền tệ. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia ngân hàng