Hàng trăm triệu USD tiếp tục được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành dệt may rót vào mở rộng các nhà máy tại Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới
- Cập nhật : 11/05/2018
Ngành công nghiệp điện tử của nước ta mặc dù hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế.
Với lợi thế là dân số trẻ, gần 60% trong tổng dân số ở độ tuổi lao động (17-60 tuổi), nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp điện tử, cho nên Việt Nam rất có cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và học tập các kiến thức quản lý và đào tạo nhân lực từ các ngành công nghiệp điện tử phát triển trong khu vực. Bên cạnh đó, chi phí cho nhân công lao động ở Việt Nam cũng tương đối thấp. Vậy, câu hỏi đặt ra là: liệu các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này có tận dụng được những cơ hội để thay đổi cục diện?
Kim ngạch xuất khẩu đồ điện tử chiếm 28,9%
Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đồ điện tử, đồ điện gia dụng chiếm 28,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (điện thoại di động và linh kiện, máy ảnh máy quay phim và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác) đạt 61,8 tỷ USD, tăng 14,45 tỷ USD, bằng 130% năm 2016.
Sự phát triển của những chiếc Smartphone
Sự hiện diện của smartphone ngày càng nhiều hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người với những tiện ích như nghe nhạc, lướt web, ứng dụng mạng xã hội, chơi game, chụp ảnh, thực hiện các giao dịch tài chính…
Sau hơn 10 năm, thị trường smartphone cạnh tranh khốc liệt và phát triển như vũ bão, có những người thành công nắm giữ phần lớn thị phần, có những kẻ thất bại bị mua lại và sát nhập. Đến nay smartphone đã có rất nhiều khác biệt, tiện ích, gọn nhẹ, tích hợp nhiều thứ hơn dần trở thành một phần quan trọng trong thời kì công nghệ.
Trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD, tăng 31,9% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu điện thoại di động đạt 184,4 triệu chiếc và chủ yếu sang các thị trường như Nga, Đức, Áo, Indonesia, Mỹ, Ả rập…
Kim ngạch nhập khẩu 53,9 tỷ USD, tăng 11,93 tỷ USD so với 2016
Trong năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng đồ điện tử, đồ điện gia dụng chiếm 25,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Cụ thể kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này (điện thoại di động và linh kiện, máy ảnh máy quay phim và linh kiện, hàng điện gia dụng và linh kiện, máy móc và thiết bị dụng cụ phụ tùng khác) đạt 53,9 tỷ USD, tăng 11,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng đồ điện tử, đồ điện gia dụng đạt 53,9 tỷ USD. Chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Cạnh tranh khốc liệt trong ngành camera quan sát
Cả năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 181,5 triệu chiếc camera và giá trị nhập khẩu đạt 1,17 triệu USD. Trong đó camera chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc (80%), Hàn Quốc (17,5%), Philippines (1,1%)… Camera được nhập khẩu chủ yếu gồm 2 loại chính là camera dùng để sản xuất, lắp ráp điện thoại di động và camera quan sát.
Năm 2017, đánh dấu sự gia tăng và cạnh tranh khốc của ngành camera quan sát Việt Nam. Sự gia tăng và cạnh tranh không chỉ trong lĩnh vực bán buôn của các nhà phân phối, hay các đại lý, hãng camera, các công ty lắp đặt mà còn cả các đơn vị ngoài, hoạt động trong lĩnh vực khác. Hiện tại trên thị trường có 3 dòng camera quan sát chính là: hàng sản xuất tại Việt Nam, linh kiện nhập khẩu; hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, Đài Loan và hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối FDI
Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử cũng đạt những kết quả ấn tượng: Dự kiến năm 2017, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu công nghiệp điện tử lớn của thế giới. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công. Sức lan tỏa và mối liên kết giữa doanh nghiệp điện tử FDI với doanh nghiệp điện tử trong nước còn rất yếu.
Về cơ cấu sản phẩm, điện tử dân dụng chiếm đến 80%, còn lại là điện tử chuyên dụng với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khoảng 20 - 30%. Hầu hết sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Trong số 80% sản phẩm điện tử dân dụng, vai trò thực sự của các doanh nghiệp trong nước rất mờ nhạt. Các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng chỉ ước tăng 5-10%/năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong nước nên phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước xung quanh hoặc trực tiếp từ Nhật Bản.
Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo về các ngành kinh tế. Trung tâm thông tin Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo “Doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2017 ngành điện tử”. Nội dung bài báo cáo đem lại cái nhìn toàn cảnh tình hình xuất nhập khẩu toàn ngành điện tử năm 2017 về kim ngạch, mặt hàng, thị trường, doanh nghiệp xuất nhập khẩu,… đồng thời báo cáo là sự phân tích, dự báo triển vọng và xu hướng phát triển ngành điện tử trong tương lai.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử