Từ đầu năm đến hết ngày 13/8, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (BQL KCN) đã cấp mới chứng nhận đầu tư 63 dự án và điều chỉnh tăng vốn hơn 331 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 1,55 tỉ USD.
Tổng thầu Trung Quốc báo giá mới: Không chấp nhận!
- Cập nhật : 04/06/2018
Theo Tổng Giám đốc TISCO, công ty chắc chắn không chấp nhận mức giá mà tổng thầu MCC đưa ra và sẽ tiến hành đàm phán.
Trong báo cáo của HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tại Đại hội đồng cổ đông 2018 có cập nhật tình hình dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của doanh nghiệp này.
Một thông tin quan trọng được cho biết, đó là tổng thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã gửi đến TISCO văn bản kèm theo báo giá với chi phí hơn 136,89 triệu USD (tức hơn 3.121 tỷ đồng) thực hiện hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC.
"Do chưa có chỉ đạo cụ thể của các cấp có thẩm quyền nền TISCO chưa triển khai đàm phán báo giá với MCC", báo cáo của HĐQT TISCO cho biết.
Trao đổi thêm với Đất Việt về thông tin này, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc TISCO cho biết, mức chi phí hơn 136,89 triệu USD là mong muốn chủ quan của MCC, còn để ra được mức giá mà hai bên có thể chấp nhận được là một vấn đề lớn.
"Đó là chi phí thực hiện toàn bộ công việc còn lại của dự án mà MCC mong muốn. Hiện tại, hai bên vẫn chưa đàm phán về vấn đề này.
Chắc chắn TISCO không chấp nhận mức giá đó, còn MCC đưa ra thế nào thì đó là quyền của họ.
Chúng tôi vẫn đang mổ xẻ, phân tích vì để đưa ra được con số chuẩn nhất thì hai bên phải rà soát lại toàn bộ hợp đồng để có số liệu cụ thể cho từng hạng mục, khối lượng công việc đã hoàn thành, khối lượng công việc đang dở dang và khối lượng công việc đang còn thiếu, sau đó áp lại với đơn giá, định mức của Nhà nước Việt Nam, khép với tổng mức đầu tư của dự án sao cho hiệu quả.
Việc này phải làm từng bước một, nếu vội vàng phía đối tác có thể gây sức ép cho phía Việt Nam, khiến việc đàm phán khó khăn", ông Hoàng Ngọc Diệp nói.
Tổng Giám đốc TISCO cũng nhấn mạnh, MCC là một công ty lớn của Trung Quốc và họ mong muốn giữ được thương hiệu, uy tín của mình. Chính vì thế, MCC rất tha thiết tiếp tục thực hiện dự án này.
Tuy nhiên, hiện MCC và TISCO vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng, chẳng hạn các loại chi phí, các vấn đề liên quan đến nội dung kỹ thuật...
"MCC sẵn sàng ngồi đàm phán và đưa ra yêu cầu rằng nếu muốn quyết tâm thực hiện lại dự án này thì các điều kiện khả thi của dự án phải đầy đủ, như vốn, cơ chế...
Nếu các vướng mắc, khó khăn của dự án được giải quyết thì cả hai bên sẽ bắt tay vào làm ngay và thời gian sẽ rất nhanh.
Hiện MCC đang đợi, còn TISCO cũng đang đôn đốc. Hai bên cũng rất quan tâm đến những vật tư thiết bị của dự án mà MCC đã đưa sang. TISCO thường xuyên đôn đốc, phối hợp với MCC và các nhà thầu phụ Việt Nam tiến hành nhiều đợt kiểm tra tình hình bảo quản vật tư thiết bị tại hiện trường dự án, lập biên bản xác nhận hiện trạng và kiến nghị phương án tăng cường quản lý, bảo vệ, bảo quản, tránh mất mát, han gỉ, lão hóa xuống cấp của vật tư thiết bị", ông Hoàng Ngọc Diệp cho biết.
Nhìn lại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, ông Diệp nói rằng, MCC đã chia sẻ một phần chi phí dự án. Trước đây, phía tổng thầu Trung Quoosc đưa ra mức khá cao, song qua nhiều lần, mức chi phí đã được hạ thấp xuống.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục đàm phán. Quan điểm của TISCO khi thực hiện hợp đồng này là những rủi ro nào thuộc bên MCC thì MCC phải chịu, rủi ro nào thuộc về phía Việt Nam thì phía Việt Nam phải chịu.
Chúng tôi đang đề nghị MCC chịu các chi phí những phần gì thuộc họ và hỗ trợ theo cam kết. Việc này đang căng thẳng nhưng TISCO sẽ cố gắng đàm phán để đạt được kết quả tốt nhất.
Phía MCC nói họ bị thiệt hại rất nhiều vì thời gian, tiến độ dự án bị kéo dài, song TISCO cũng nói thẳng chúng tôi cũng thiệt hại rất nhiều, thậm chí thiệt hại nhiều hơn phía MCC.
Cả hai bên đều mong muốn đưa dự án đi vào hoạt động, đặc biệt với MCC, thương hiệu của họ đối với Việt Nam rất quan trọng, dự án này gắn liền với MCC thì họ cũng phải chấp nhận hy sinh cùng với TISCO thì mới thực hiện được dự án.
Nếu MCC không chịu, tổng mức đầu tư vượt lên, dự án không hiệu quả thì TISCO cũng không làm được, khó khăn cho cả hai bên", Tổng Giám đốc TISCO chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng Ngọc Diệp, tổng mức đầu tư của một dự án bình thường bị đội lên do nhiều nguyên nhân, nhưng với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, tổng mức đầu tư bị đội lên chủ yếu là do lãi vay trong thời gian xây dựng đội lên. Thời gian thi công dự án kéo dài, lãi vay ngân hàng cộng vào, lãi mẹ đẻ lãi con, còn về bản chất, khối lượng, giá trị thực tế của dự án không biến động nhiều.
"Khó khăn của TISCO thì rất nhiều nhưng hiện sản xuất giai đoạn 1 đã tương đối ổn định. Nếu việc thoái vốn nhà nước thành công để công ty tự chủ được, chắc chắn cơ hội thực hiện tiếp dự án này rất khả thi.
Riêng đối với vốn vay cho dự án, tôi cho rằng ngân hàng cũng cần chia sẻ với TISCO, tất nhiên là trên cơ sở TISCO phải có phương án tổng thể, giá trị làm dự án, thời gian làm dự án thế nào..., lúc đó mới tái cơ cấu lại nguồn vốn, cần giãn nợ cái gì, khoanh nợ cái gì, trả lãi cái gì...
Sự sống của TISCO liên quan đến đồng vốn của ngân hàng nên hẳn các ngân hàng sẽ giúp đỡ công ty.
Bao nhiêu tiền của đã đổ vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, nó liên quan đến lịch sử của công ty, đến công ăn việc làm của hàng vạn người lao động... Vì thế, chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án này để vực dậy công ty", ông Diệp khẳng định.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn