Đồ gỗ Trung Quốc núp bóng Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ sẽ dẫn đến nhiều rủi ro; nếu Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với đồ gỗ Việt Nam, điều đó sẽ tác động rất lớn đến toàn ngành
Đến 2020, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đạt 30-35% GDP
- Cập nhật : 30/05/2018
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 598/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025.
Mục tiêu giai đoạn đến 2020 tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP đạt từ 30-35%, tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tỉ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 85-90%; lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 25-30%; tốc độ tăng trưởng đầu tư và số lượng DN trong công nghiệp cao hơn tốc tăng trưởng bình quân toàn xã hội.
Tốc độ tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp bình quân hàng năm cao hơn 5,5%; thu hẹp khoảng cách các chỉ số về năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN-4; tỉ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và của khu vực tư nhân năm sau cao hơn so với năm trước về số lượng DN, số lao động và doanh thu; tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo (MVA) bình quân đạt từ 8-10%.
Giai đoạn đến 2025 tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP được duy trì ở mức trên 35%, tỉ trọng hàng chế biến, chế tạo trong xuất khẩu được duy trì ở mức trên 85%; tỉ trọng lao động, DN và đầu tư trong công nghiệp cao hơn so với giai đoạn 2015-2020.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh công nghiệp với các nước ASEAN-4, đặc biệt về các chỉ số liên quan đến MVA; năng suất trong ngành công nghiệp tăng bình quân từ 6-7%; tỉ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và của khu vực tư nhân bình quân cao hơn giai đoạn 2015-2020; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; hình thành một số DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Nâng cao giá trị gia tăng
Nhiệm vụ và một số chương trình/Đề án ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018-2025 là thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp.
Cụ thể, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm của các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, hóa chất, thực phẩm, điện tử… giấy nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu…
Phát triển ngành thép nội địa, ưu tiên đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được có công nghệ thân thiện môi trường như thép tấm cán nóng và các loại thép hợp kim phục vụ ngành cơ khí chế tạo. Xây dựng lộ trình để loại bỏ dần các nhà máy gang, luyện thép và cán thép quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và năng lượng thay thế bằng các nhà máy có công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tăng cường hiệu quả khai thác và sử dụng của ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp than, dầu, khí và một số loại khoáng sản khác như alumin, limonit, manhetit, boxit, titan...
Khuyến khích các DN lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên
Nhiệm vụ khác là phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, qua đó tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng giá trị xuất khẩu; khuyến khích phát triển chế biến bằng công nghệ cao.
Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cung cấp đầy đủ năng lượng với giá hợp lý, làm động lực phát triển cho các ngành công nghiệp khác.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm cơ khí, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như: ô tô, các sản phẩm máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế, linh kiện phụ tùng ô tô, đóng tàu biển...
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp, ngành công nghiệp Việt Nam ưu tiên và thương hiệu của các DN công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra là các nhiệm vụ: Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN theo đúng lộ trình đã được phê duyệt; thực hiện tái cơ cấu các DNNN trong các ngành công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả của các nguồn lực; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp tư nhân; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng cơ cấu lại các ngành công nghiệp; xây dựng năng lực hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp.
Nguồn: Hương Dịu/Baohaiquan.vn