Nếu con đường phía trước là một ngõ cụt, người ta cần khôn ngoan giảm tốc hoặc ngừng lại và tìm một lối đi khác để khỏi phải đâm đầu vào tường; nếu gánh nặng lỉnh kỉnh mà người ta mang vác trong suốt hành trình dài cuối cùng trở nên vô dụng, người ta cần dũng cảm vứt bỏ mớ hành trang đấy dù bao công lao khó nhọc đã bỏ ra; và nếu, với một tư duy kinh doanh bình thường, khi cơ hội đã qua, người ta cần nhanh nhạy “cắt lỗ” thay vì bám víu vào não trạng “đã đâm lao thì phải theo lao".
Tổng thầu Trung Quốc chưa ký hợp đồng xây 12 nhà ga tuyến Cát Linh - Hà Đông
- Cập nhật : 16/09/2015
(Xay dung)
Bộ Giao thông ra hạn chót đến 30/9, Tổng thầu Trung Quốc phải ký hợp đồng xây dựng nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nếu không sẽ thay giám đốc điều hành dự án.
Tại cuộc họp kiểm điểm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiều 14/9, ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, đánh giá dự án đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng Tổng thầu Trung Quốc vẫn “bình chân như vại” và không nghiêm túc.
Dù hạn chót tới 31/12 phải hoàn thành 12 nhà ga, nhưng Tổng thầu chưa ký hợp đồng thi công. Với các hạng mục đã triển khai, Tổng thầu chưa thanh toán cho thầu phụ số tiền hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, phía Việt Nam đã điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh hợp đồng EPC là hơn 250 triệu USD nhưng tới nay tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa có ý kiến phản hồi.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đặt câu hỏi tại sao thầu phụ hoàn thành khối lượng mà không thanh toán? Ông Yu Jiang, Giám đốc điều hành dự án, Tổng thẩu EPC chỉ nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng”.
Cũng theo phản ánh của Ban quản lý dự án đường sắt, tiến độ đúc dầm bê tông để gác lên trụ cầu đột ngột chậm lại, từ 4 dầm trong một đêm nay đã xuống còn một dầm, thậm chí nửa đầu tháng 9 nhà thầu chỉ đổ được 6 phiến dầm. Theo Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng thầu không cung cấp vật liệu, nên doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đúc dầm.
Khi Thứ trưởng Trường truy trách nhiệm các bên liên quan, sự việc được giải thích là do Tổng thầu muốn hạ giá nên đối tác đã ngừng cung cấp vật liệu và thiết bị thi công.
Ông Trường gay gắt, Tổng thầu phải hoàn thành việc ký hợp đồng với các nhà thầu thi công 12 nhà ga dưới sự giám sát của lãnh đạo Bộ hạn chót đến 30/9. Nếu không ký được hợp đồng, lãnh đạo Bộ Giao thông sẽ kiến nghị Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thay Giám đốc điều hành dự án tại Việt Nam.
Xét về tiến độ tổng thể dự án, ông Trường cho rằng sự chậm trễ có nguyên nhân cốt yếu là vấn đề con người, các đơn vị phối hợp chưa tốt, chưa sáng tạo. Ông yêu cầu phía Trung Quốc phải nghiêm túc thực hiện dự án.
"Tổng thầu phải phải xây dựng xong 12 nhà ga trước 31/12, tới 30/5/2016 phải xong phần thô toàn dự án và 30/6/2016 phải hoàn thành xây lắp", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiên quyết.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC) được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai nước.
Tuyến đường sắt đi trên cao dài 13 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1,435 mm với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.