Vụ gian lận kiểm tra khí thải của Volkswagen có thể mở ra cánh cửa cho một ngành sản xuất ôtô hoàn toàn mới.
Mô hình Chính quyền cảng gây tranh luận
- Cập nhật : 13/11/2015
(Thoi su)
Từng bị hoài nghi khi dự thảo bộ luật được cho ý kiến ở Thường vụ quốc hội lẫn kỳ họp trước, song tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 11/11, nhiều đại biểu tái đề xuất cần có mô hình chính quyền cảng.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay mô hình Chính quyền cảng tại dự thảo lần đầu trình Quốc hội hồi tháng 6 đã được thay bằng Ban quản lý khai thác cảng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Theo ông Lý, để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Bộ luật lần này vẫn quy định theo hướng chỉ áp dụng mô hình này ở một số cảng biển (mới) ở khu vực theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, tên gọi Chính quyền cảng được thay bởi Ban quản lý khai thác cảng để không gây nhầm với cấp chính quyền ở địa phương.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), do đây là vấn đề rất mới nên chỉ cần quy định là “Ban quản lý khai thác cảng” chứ không gọi Chính quyền cảng là phù hợp.
Đồng ý với việc cần có Ban quản lý khai thác cảng, song Phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Phúc cho rằng luật cần quy định về nguyên tắc khu vực nào thì được áp dụng mô hình này chứ không nên để cho Chính phủ quy định về sau.
Vẫn theo ông Phúc, việc quy định Ban quản lý khai thác cảng biển là doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa là điều cần bàn kỹ. “Tới đây khi chúng ta cần huy động các nguồn lực để đầu tư, liệu có cổ phần hóa Ban quản lý khai thác cảng không hay nó là công ích rồi ta không cổ phần hóa, đã cổ phần hóa thì không gọi doanh nghiệp nhà nước nữa”, ông Phúc nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận xét rằng việc chế định chức năng nhiệm vụ của Ban này như dự thảo luật thì phải gọi đúng tên là Chính quyền cảng. “Quy định về tên gọi như thế là chúng ta câu nệ về con chữ lẫn e ngại việc chính quyền cảng và chính quyền địa phương trùng nhau mà không nhìn vào bản chất và hiệu quả kinh tế của Chính quyền cảng đem lại”, ông Kiên quả quyết.
Vị đại biểu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: Nếu đối chiếu với chức năng và nhiệm vụ thì mô hình trên không hẳn là một ban quản lý cảng, nên đề nghị Quốc hội cho dùng đúng từ chính quyền cảng cho phù hợp.
Dẫn ví dụ từ cụm cảng Hải Phòng với số tiền đầu tư lên đến 28.000 tỷ đồng, ông Kiên lo ngại nếu không quy định rõ thì sẽ không có một cơ quan quản lý tốt. “Điều này sẽ dẫn tới tình trạng giống như ở cảng Thị Vải - Cái Mép. Chúng ta đầu tư một cầu cảng dài 600m, nếu cho tàu Panamax dài 360m vào thì thừa 240m. Nhưng tiếp nhận thêm một tàu nữa thì lại thiếu. Cuối cùng về bản chất vẫn là lãng phí của các doanh nghiệp”, ông cảnh báo.
Tuy nhiên, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, dùng từ ngữ gì đi nữa thì thực chất đây là một loại định chế lưỡng tính. “Tức là nó vừa có hoạt động của cơ quan công quyền nhưng vừa là doanh nghiệp”, ông Lịch phân tích.
Từ đó, vị đại biểu TP HCM kiến nghị phải có chế định lưỡng tính tức là phần nhà nước ủy quyền thì thực hiện chức năng nhà nước và phần kia hoạt động như doanh nghiệp, tương tự như mô hình Ban quản lý các khu công nghiệp và công ty đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý thừa nhận, đây là vấn đề mới với Việt Nam nên nếu áp dụng mô hình Chính quyền cảng ngay sẽ gặp nhiều vướng mắc, chẳng hạn như việc trao một số thẩm quyền về quản lý nhà nước tại khu vực cảng cho “Chính quyền cảng” nhưng chính quyền cảng lại là doanh nghiệp…
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhìn nhận việc sử dụng cụm từ “Chính quyền cảng” sẽ gây nhầm lẫn với quy định về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp nên Bộ luật lần này chỉ mới áp dụng một số điểm của mô hình chính quyền cảng thông qua việc cho phép thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại một số khu vực cảng biển sẽ được đầu tư mới.
“Điều này nhằm khắc phục những hạn chế trong việc đầu tư, khai thác manh mún, thiếu hiệu quả như tại một số cảng biển thời gian qua, tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển”, ông Lý nói.
Dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) được trình ra Quốc hội lần đầu vào kỳ họp giữa năm nay. Dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự luât vào ngày 25/11.