Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đề xuất bắt đầu nghiên cứu khả thi ngay trong tháng này.
Tồn đọng khoáng sản ở Hà Giang: Kẻ khóc người cười
- Cập nhật : 12/09/2015
(Doanh nghiep)
Nhiều doanh nghiệp khai khoáng ở Hà Giang đang “khóc” trước tình trạng tồn quặng. Nhưng đằng sau việc tồn đọng đó cũng có những tiếng cười cho người dân và một số cán bộ địa phương.
Bớt nỗi lo ô nhiễm môi trường
Việc khai thác khoáng sản ở Hà Giang tác động tiêu cực đến môi trường như ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí… Những năm trước đây khi các mỏ khai thác quặng hoạt động rầm rộ khiến nhiều con suối, ruộng vườn của bà con bị ảnh hưởng do sạt lở bãi thải, nguồn nước ô nhiễm.
GS TSKH Đặng Trung Thuận, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – cho biết: “Bất kỳ hoạt động nào cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ như ảnh hưởng đến không khí, bụi trong quá trình mở mỏ, lấy quặng, nổ mìn, vận chuyển, tuyển... đều gây ảnh hưởng đến môi trường”.
Còn việc khai thác quặng ảnh hưởng đến các hoạt động khác như trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, GS Thuận cho hay, riêng đối với quặng sắt, khi ở dưới sâu, sắt khó hòa tan đưa lên khỏi mặt đất sắt ô xi hóa, sau khi tuyển rửa cho ra bùn có màu đỏ gồm oxit sắt và sét và loại thải này không thích ứng để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp.
“Khoáng sản thường nằm ở các khu vực đồi núi, nơi có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, không có mặt bằng khai thác nên phải tạo mặt bằng gây mất lớp thực bì, mất rừng, dẫn đến tạo dòng chảy có thể gây sạt lở ở vùng hạ du gây lũ quét, lũ ống, hầu như nơi nào có hoạt động khai thác khoáng sản đều diễn ra tình trạng đó, chỉ có quy mô là khác nhau” – GS TSKH Đặng Trung Thuận cảnh báo.
Từ năm 2014 đến nay, hàng chục điểm mỏ ngừng hoạt động. Theo đó nhiều dòng suối đã trở nên trong xanh, những hộ dân sinh sống gần bãi thải không còn sống trong nơm nớp lo sợ, hiểm nguy trực chờ. Khói bụi, tiếng ồn cũng không còn hiện hữu.
Hàng nghìn ha rừng phòng hộ không… biến mất
Theo thông tin mà Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang cung cấp, từ năm 2006 đến nay trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi gần 2.000 ha rừng để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế mà chủ yếu là khai thác khoáng sản và thủy điện, trong đó có hơn 1.300ha diện tích rừng phòng hộ, chủ yếu là giai đoạn 2006 – 2009.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để khai thác khoáng sản và các dự án phát triển khác đã được Bộ NN&PTNT cũng như UBND tỉnh Hà Giang ra Quyết định hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang, chất lượng rừng do các doanh nghiệp trồng tỷ lệ cây sống thấp, chỉ khoảng 30 – 40%, nguyên nhân là do các doanh nghiệp không đôn đốc chủ nhân khoán chăm sóc, bảo vệ.
Thêm nữa, việc khai thác khoáng sản còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tổn thất lớn đến tài nguyên rừng, dần làm mất tính đa dạng sinh học, thậm chí làm biến mất một số nguồn gen, giống dược liệu quý hiếm.
Trước tình hình đó, Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang kiến nghị rà soát chi tiết vùng quy hoạch khai thác khoáng sản, đối với dự án chiếm diện tích rừng lớn cần phải xem xét, đánh giá cẩn trọng, cần thiết không đưa vào quy hoạch, đồng thời kiểm tra các dự án khai thác ảnh hưởng đến môi trường, nhất là tài nguyên rừng. Không cấp phép khai thác mới và cho phép mở rộng diện tích khai thác ảnh hưởng đến rừng và xử lý mạnh, kiến quyết thu hồi, đóng cửa đối với các mỏ trây ì không thực hiện các nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Nếu như với tình trạng tồn khoáng sản ở Hà Giang như hiện nay, các khu mỏ không hoạt động, các doanh nghiệp không xin cấp phép mới thì đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng cho ngành lâm nghiệp của Hà Giang.