Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Tân Sơn Nhất vừa được phê duyệt nhằm khắc phục một phần tình trạng quá tải tại sân bay lớn nhất Việt Nam.
Da giày hưởng lợi tỷ giá, đặt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD
- Cập nhật : 12/09/2015
(Tin kinh te)
Năm 2015, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD và giá trị tăng dần đến mốc 17 tỷ USD vào năm 2016. Đây được coi là một triển vọng khá sáng sủa khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về tình hình hoạt động, sản xuất công nghiệp tháng 8 và 8 tháng năm 2015, sản lượng giầy, dép da tháng 8 ước đạt 32 triệu đôi, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 8 ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 8 tháng năm 2015, sản lượng giầy, dép da ước đạt 216 triệu đôi, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trước diễn biến phức tạp của việc điều chỉnh giảm giá của đồng Nhân dân tệ trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nhận định, cũng giống như dệt may, ngành da giày chưa bị ảnh hưởng nhiều. Để chủ động được tình hình sản xuất, các doanh nghiệp trong ngành cần phải bám sát diễn biến thị trường nhằm sản xuất bền vững.
Mặc dù Bộ Công Thương cho hay ngành da giày chưa bị tác động nhiều bởi việc Trung Quốc giảm giá của đồng Nhân dân tệ, song đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định da giày đang được hưởng lợi từ tỷ giá.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày Liên Phát, chuyên sản xuất giày xuất khẩu tại Bình Dương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng khoảng 1,7 triệu đôi xuất khẩu cho đến tháng 2 năm sau.
Bà Liên khẳng định hầu hết các doanh nghiệp da giày trong nước đều đã có đơn hàng nhiều do được lợi từ việc Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, thị trường lao động năm nay tương đối dễ thở, không còn tình trạng cạnh tranh gay gắt dẫn đến tình hình sản xuất sáng sủa hơn so với năm 2014.
Đặc biệt, theo bà Liên, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu như da giày Liên Phát không gặp khó khăn, ngược lại toàn hưởng lợi. "Bởi giá trị tiền thu về cao, giảm áp lực khi các chi phí khác tăng lên, có khoản chênh lệch để bù trừ cho chi phí sản xuất”, bà Liên phấn khởi nói.
Trước những thuận lợi đó, theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có những đơn hàng xuất khẩu ổn định và đang chuẩn bị cho mùa sản xuất mới. Năm 2015, mục tiêu kế hoạch sản lượng giày dép da đạt 280,2 triệu đôi, xuất khẩu đạt 14 tỷ - 15 tỷ USD là khả quan.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam cho biết: "Mục tiêu của ngành vẫn tập trung vào việc tăng trưởng xuất khẩu, làm chủ được thị trường nội địa cũng như gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ở mức 65-70%. Đồng thời tạo ra được vùng nguyên phụ liệu đủ đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nội địa”.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, diễn biến tình hình đàm phán các hiệp định thương mại lớn có nhiều tiến triển và đạt kết quả khả quan, ngành da giày đặt mục tiêu sản xuất giày dép các loại năm 2016 đạt 314 triệu đôi, kim ngạch xuất khẩu đạt 16-17 tỷ USD, phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 60-65%.
Mặc dù được dự báo tình hình xuất khẩu của ngành là khả quan, đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng nhưng Bộ Công Thương cảnh báo giày dép xuất khẩu vào các thị trường, nhất là EU và Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp da giày Việt Nam phải tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu da giày của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường thế giới hiện nay có nhiều biến động về nguyên liệu sản xuất. Về lâu dài, ngành da giày cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.