Trước đây, ngành công nghiệp này là một mối đe dọa ảnh hưởng đến thị trường dệt may. Tuy nhiên, giá dầu giảm và sự đi xuống của nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đã khiến giá một số sản phẩm mới thậm chí rẻ hơn hàng second hand.
Khối ngoại "thao túng" thức ăn thuỷ sản
- Cập nhật : 07/11/2015
(Chung khoan)
Nhiều năm liền, thị phần thức ăn thuỷ sản gần như là sân chơi độc diễn của khối doanh nghiệp FDI, dẫn đến thao túng giá, khiến ngành thuỷ sản ngắc ngoải. Mới đây, Chính phủ có chỉ đạo kiểm tra quá trình "làm giá" đối với khối ngoại sản xuất thức ăn thủy sản để xử lý. Điều này có giúp tháo nút thắt suy giảm xuất khẩu thuỷ sản?
Chuyện chuyển giá, "làm giá" là vấn đề muôn thuở của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khối FDI trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thuỷ sản cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét có hay không sự chuyển giá của khối FDI sản xuất thức ănthủy sản để xử lý theo quy định.
"Nút thắt" FDI
Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế của khối FDI sản xuất thức ăn thủy sản chiếm thị phần lớn tại Việt Nam.
Chỉ đạo này đã tạo sự quan tâm của giới doanh nghiệp thuỷ sản bởi nhiều năm nay, với nhu cầu thức ăn phục vụ cho thủy sản trong nước hàng năm khoảng 3,53 triệu tấn, khối FDI đã chiếm hơn 80% thị phần. Riêng ngành cá tra, 70 – 80% nông dân và doanh nghiệp đều sử dụng thức ăn của doanh nghiệp FDI. Còn thức ăn cho tôm gần như 100% thuộc về của khối ngoại.
Có thể liệt kê các doanh nghiệp FDI đang đứng đầu lĩnh vực thức ăn thuỷ sản ở Việt Nam như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Tomboy (Pháp). Ngoài ra, còn có các công ty của Đài Loan như (Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu…), của Trung Quốc như (Tongwei, Hoa Chen…), Hàn Quốc (CJ Master…)…
Vì thống trị thị trường nên nhiều năm liền, dư luận trong ngành thuỷ sản cho rằng khối FDI thỏa sức mặc cả về giá, chỉ có tăng chứ không có giảm. Đây chính là căn bệnh nguy hiểm nhất của ngành thuỷ sản hiện nay. Một vấn đề nữa là nếu ngăn chặn không hữu hiệu, xuất khẩu thuỷ sản sẽ càng thêm khó khăn.
Theo ghi nhận, trong 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào giá thức ăn thuỷ sản của khối FDI cũng tăng 6 – 7 lần, có năm tăng đến 35%. Trong 9 tháng năm 2015, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước chỉ đạt 4,69 tỷ USD, giảm đến 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vấn đề ở đây là kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm không chỉ do nhu cầu của thị trường không tăng mà còn do thuỷ sản Việt đang phải cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại nhưng giá rẻ hơn đến từ các nước khác. Điểm mấu chốt chính là chi phí đầu vào của thuỷ sản Việt quá cao, trong đó phần lớn đến từ thức ăn do khối FDI sản xuất ra.
Cần mạnh tay
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thủy sản, thời gian qua, quản lý nhà nước đã lơ là với những doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn cho thủy sản dẫn đến giá sản phẩm tăng liên tục. Trong khi đó, dù đang dẫn dắt thị trường nhưng các doanh nghiệp FDI đều than phiền rằng nếu không tăng giá sẽ thua lỗ vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm thì khối FDI hầu như không giảm giá và chưa bao giờ giảm giá trong mấy năm qua.
Đơn cử như nguồn thức ăn chiếm tới 70% tổng chi phí cho mỗi chu kỳ nuôi tôm. Trong khi đó, cứ đến lúc tôm tăng trưởng mạnh là các doanh nghiệp FDI lại đồng loạt tăng giá, nông dân vẫn phải chấp nhận mua dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Cuối cùng, lợi nhuận rơi vào túi FDI, còn nông dân vẫn lấy công làm lời.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đòi hỏi cơ quan thuế cần bóc tách giá kê khai trên từng hạng mục để tính thuế nguyên liệu đầu vào, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp FDI xuất trình hồ sơ xuất xứ, bảng quy trình sản xuất…, dựa trên đó, so sánh với giá thị trường thức ăn thuỷ sản.
Một điểm băn khoăn khác là trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá trị cá tra nhưng trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP về về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra lại không đề cập về thức ăn cá tra. Phải chăng đây cũng là một lỗ hỏng lớn cho xuất khẩu cá tra?
Ngoài ra, vấn đề còn tồn tại là việc quá phụ thuộc vào thức ăn của doanh nghiệp FDI. Từ đó, doanh nghiệp thuỷ sản khó kiểm soát được chất lượng thức ăn, kéo theo việc vi phạm các hàng rào kỹ thuật về chất lượng khi xuất khẩu.
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản 100% vốn trong nước do ít vốn nên hầu như không thể cạnh tranh với khối FDI có nguồn vốn mạnh. Hơn nữa, thương hiệu và chất lượng sản phẩm của khối FDI tốt hơn nên nông dân, doanh nghiệp thuỷ sản ưu tiên chọn mua. Vấn đề tồn tại này bao giờ được các bộ, ngành hỗ trợ khắc phục?
Trong chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra về kê khai giá, niêm yết giá, giá bán của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.