Thị trường logistics (kho vận) được đánh giá là rất tiềm năng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do nhưng hiện “miếng bánh” hàng chục tỉ USD nằm chủ yếu trong tay doanh nghiệp nước ngoài
Năm 2028, TPP mới tác động mạnh tới ngành chăn nuôi
- Cập nhật : 17/10/2015
(Tin kinh te)
Khi TPP chính thức ký kết, ngành chăn nuôi được nhận định là khá yếu thế và dễ bị “nhấn chìm”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chăn nuôi Việt Nam còn đủ thời gian để chuẩn bị đối phó trước cơn “sóng lớn” này.
Phát biểu tại Hội thảo “Tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và hội nhập kinh tế đến ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Công ty UBM tổ chức sáng 16-10, tại Hà Nội, ông Ngô Trung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trên thực tế, không phải cứ ký kết Hiệp định thương mại (FTA) là nhập khẩu sẽ tăng lên và xuất khẩu khó khăn.
Khi TPP ký kết, thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về 0%, chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh nhưng nhìn tổng thể thì ngành chăn nuôi cũng sẽ được hưởng những lợi ích nhất định bởi nhiều mặt hàng như máy móc sản xuất phục vụ ngành chăn nuôi thuế cũng về 0%. Mặt khác, theo lộ trình giảm thuế thì tới năm 2028 thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi mới về 0%. Từ nay tới lúc đó, ngành chăn nuôi còn đủ thời gian để chuẩn bị.
Đồng quan điểm với ông Khanh, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn thời gian để củng cố khi hội nhập nói chung, đặc biệt là tham gia TPP nói riêng.
Mặc dù đánh giá tổng quan thì còn hàng chục năm nữa ngành chăn nuôi trong nước mới thực sự bị tác động trực tiếp, mạnh mẽ từ TPP, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nếu không nghiêm túc chuẩn bị ngay từ bây giờ việc bị “lấn sân” hay thậm chí “chết chìm” hoàn toàn vẫn có thể xảy ra. Và giải pháp quan trọng nhất chính là thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng: trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói chung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là khâu đột phá. Đồng thời, khi các chuỗi liên kết được hình thành sẽ tạo thuận lợi trong xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Vấn đề nguồn giống cũng rất quan trọng nên ông Trúc đề nghị phải nhanh chóng củng cố và làm tốt khâu giống vật nuôi, tập trung chọn tạo một số giống bản địa, chọn tạo một số bộ giống phục vụ phương thức chăn nuôi bán chăn thả, phù hợp với lợi thế từng vùng sinh thái, góp phần nâng năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, khuyến khích nhập khẩu giống ông bà năng suất cao, phù hợp với chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Phấn đấu đến năm 2020, công tác giống vật nuôi góp phần nâng cao 15-20% năng suất vật nuôi, góp giảm 8-10% giá thành.
Về mặt chính sách, để giảm bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi giai đoạn hội nhập và góp phần hạ giá thành sản xuất, một số chuyên gia đề nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế tín dụng đặc biệt cho ngành chăn nuôi như được vay lãi suất ưu đãi và theo chu kỳ sản xuất và theo mùa vụ với các cơ sở sản xuất con giống, chăn nuôi thương phẩm, giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm và các hoạt động như xử lý môi trường và chất thải chăn nuôi, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và xóa bỏ các khoản phí, lệ phí chăn nuôi, thú y không hợp lý, chồng chéo để hỗ trợ giảm chi phí cho chăn nuôi.
Theo Thanh Nguyễn
Báo Hải Quan