tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành thép chật vật chống đỡ các vụ kiện chống bán phá giá

  • Cập nhật : 19/10/2015

(Cong nghiep)

Chiếm tới 50% lượng tôn, thép xuất khẩu của Việt Nam nhưng cả ba quốc gia Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều bắt đầu tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm này. Các DN sản xuất tôn, thép trong nước đang vô cùng lo lắng trước nguy cơ bị mất thị phần xuất khẩu.

 

Theo Hiệp hội Thép VN, chỉ trong vòng tháng 09/2015, ba thị trường Đông Nam Á là: Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép VN. Nếu không đáp ứng được những điều kiện về chống bán phá giá, DN nước ta sẽ phải chịu một mức thuế rất cao, thậm chí lên đến 50%.

Nguy cơ mất thị trường

Chỉ trong vòng một tuần, Thái Lan đã liên tiếp đưa ra ba vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn, thép các loại nhập từ VN. Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (BCT) cho biết, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) cũng vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim có độ dày từ 0,2 – 2,6 mm và rộng từ 700 – 1300 mm của VN vào thị trường này.

Theo ông Nam, MITI sẽ trực tiếp gửi bảng câu hỏi điều tra cho các nhà sản xuất, xuất khẩu thép của VN, DN thép trong nước cũng có thể gửi yêu cầu đến MITI để nhận bản câu hỏi. Quyết định sơ bộ về cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng.

Ngày 08/9 vừa qua, Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) cũng đăng công báo 680/KADI/IX/2015 thông báo tiến hành điều tra rà soát hoàng hôn (sunset review) vụ việc chống bán phá giá thép cuộn cán nguội (CRC/S) nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng 10 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, phần lớn DN thép có quy mô vừa và nhỏ. Năng lực chống đỡ trước các vụ kiện chống bán phá giá nói riêng, phòng vệ thương mại (PVTM) nói chung còn hạn chế.

Trong khi đó, nhiều thị trường đã và đang tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các rào cản phi thuế quan. Trong đó, điều tra áp thuế CBPG lên mặt hàng thép nhập khẩu đang là một “vũ khí” được ưu dùng. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (BCT), giai đoạn 1994-2014, thép là mặt hàng bị điều tra CBPG nhiều nhất, chiếm 29% tổng số vụ..

Tính chung, trong 5 năm trở lại đây, riêng tại thị trường Mỹ, thép VN bị kiện chống bán phá giá tới 5 vụ và chỉ duy nhất 1 vụ điều tra liên quan đến sản phẩm ống thép cacbon là cho kết quả có lợi cho DNVN. Với những vụ kiện như vậy, Mỹ đã lui về xếp gần cuối bảng danh sách các thị trường xuất khẩu thép của VN, với mức đóng góp rất mờ nhạt: 2,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Tương tự, kể từ sau khi áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép cuộn không gỉ của VN ở mức 35,6% (từ ngày 10/5/2013 và sẽ kéo dài trong 3 năm), Brazil không còn nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu của VN nữa.

DN phải học thật nhanh kỹ năng

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, nguyên nhân khiến cho sản phẩm thép trở thành đối tượng thường bị điều tra chống bán phá giá là do các quốc gia đều muốn bảo hộ các ngành công nghiệp cơ bản. Trong đó, thép là ngành công nghiệp cơ bản luôn được các Chính phủ ưu tiên bảo hộ và phát triển sản xuất trong nước.

Một trong những giải pháp hiện nay để tránh vướng phải các vụ kiện, DN nên chủ động phân bố thị trường rộng hơn.

Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, chỉ tính riêng trong 3 năm (2011-2013), nước ta đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép tại một số thị trường như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Indonesia, Hàn Quốc…

Theo ông Sưa, khi vướng vào các vụ kiện PVTM, dù chưa biết kết quả ra sao, song DN chắc chắn sẽ có những thiệt hại về thời gian theo đuổi vụ kiện, tốn kém chi phí không nhỏ.

Để giảm tải rủi ro, việc đầu tiên các DN thép VN có thể làm là chủ động phân bố thị trường rộng hơn. Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI lại có cách đặt vấn đề khác, từ trước đến nay, kim loại cơ bản, đặc biệt là thép luôn đứng đầu về số vụ kiện PVTM trên thế giới.

Đứng sau kim loại cơ bản, thứ hạng bị kiện nhiều là hóa chất, nhựa, cao su, máy móc thiết bị và dệt may. Chính vì vậy, các DNDN phải sẵn sàng tư thế để đón nhận những vụ kiện PVTM có thể sẽ ngày càng nhiều hơn vì chúng ta đang tiến sâu vào hội nhập.

Thực tế, các mặt hàng DNVN không bán phá giá, không được trợ cấp của Chính phủ nhưng vẫn liên tục bị kiện, bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Các chuyên gia khuyến cáo, việc kiện chống bán phá giá hiện nay cũng không căn cứ câu chuyện DN có bán dưới giá thành sản xuất hay không. Mục đích được đối tác xác định rõ ràng là bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, bên nào thắng, bên nào thua phụ thuộc cơ bản vào kỹ năng, thậm chí là kỹ xảo.

Vì là người đi sau, kinh nghiệm về PVTM của DNVN chắc chắn thua kém DN của rất nhiều quốc gia. Vấn đề này cũng không thể đi tắt, đón đầu như nhiều tiêu chí phát triển khác. DN buộc phải học hỏi thật nhanh, nghiên cứu thật sâu, thật chuyên nghiệp. DN cũng không nên bi quan về vấn đề nguồn lực. Vấn đề chính là phương pháp và cách thức tổ chức để luôn là người chủ động. Khi các DN dành sự quan tâm đặc biệt đến PVTM thì mọi khó khăn có thể vượt qua.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục