Vốn cho doanh nghiệp (DN) nông nghiệp hiện nay bị mắc ở tài sản thế chấp. Vì không đáp ứng được điều kiện, DN lấy chính sản phẩm của mình ra để thế chấp thì ngân hàng lại không chấp nhận.
Đừng bỏ mặc ngành chăn nuôi
- Cập nhật : 21/08/2015
(Kinh doanh)
Những thông tin về đùi gà Mỹ nhập khẩu về VN đang được bán với giá quá rẻ, chưa tới 20.000 đồng/kg đăng trên báo chí thời gian qua khiến nhiều người quan tâm.
Các trang trại gà công nghiệp trong nước thua lỗ nặng nề vì bán dưới giá thành do thịt gà nhập khẩu về bán với giá quá rẻ - Ảnh: Trần Mạnh
Các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi tại VN như chúng tôi cũng rất quan tâm.
Là một cường quốc về nhiều sản phẩm nông nghiệp là đầu vào của ngành chăn nuôi nên Mỹ có chi phí sản xuất thấp.
Theo thông tin chúng tôi có, giá thành sản xuất gà lông ở các trang trại của Mỹ hiện nay chỉ khoảng 19.000 đồng/kg đã giúp cho Mỹ trở thành một trong những quốc gia cạnh tranh nhất trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm thịt gia cầm.
Tuy nhiên, trước khi về đến VN, thịt gà Mỹ sẽ phải cộng thêm hàng loạt chi phí khác như đông lạnh, vận chuyển, thuế nhập khẩu, lưu kho, phân phối... nên mức giá rẻ chưa tới 1 USD/kg như báo chí phản ánh vừa qua là có vấn đề.
Cũng không nên quên rằng ngành gia cầm của Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ diễn ra từ cuối năm ngoái đã khiến các sản phẩm thịt gia cầm xuất xứ từ Mỹ đã bị cấm nhập khẩu ở nhiều thị trường.
Đã có hơn 30 quốc gia cấm nhập khẩu hoàn toàn thịt gia cầm từ Mỹ. Dịch cúm gia cầm cũng gần như phá hoại toàn bộ ngành nuôi gà đẻ và gà tây ở Mỹ khi phải tiêu hủy hàng loạt.
Trong khi rất nhiều quốc gia đã phản ứng nhanh và hiệu quả việc cấm nhập gà từ Mỹ, một số quốc gia khác đã phản ứng quá chậm làm cho tràn ngập thịt gà Mỹ tại thị trường trong nước với một giá bán đáng ngờ gây ra khủng hoảng cho thị trường nội địa.
Nếu cuộc khủng hoảng hiện tại trong ngành gia cầm VN vẫn tiếp tục, các công ty và người chăn nuôi trong nước sẽ dần dần thu nhỏ quy mô do sự giảm nhu cầu thịt sản xuất trong nước. Khi ngành công nghiệp gia cầm và chăn nuôi trong nước đang cắt giảm mạnh, các nhà xuất khẩu sẽ ngừng bán ở mức giá thấp đáng kinh ngạc và bắt đầu tăng giá đáng kể. Trong trường hợp xấu nhất, VN có thể phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Khi đó, một biến động về sản lượng và giá cả trong các mặt hàng như bắp, đậu tương hoặc một đợt cúm gia cầm bùng phát tại EU hoặc Mỹ thì VN sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn để đáp ứng nhu cầu về thịt gia cầm vốn ngày càng trở thành một phần quan trọng trong bữa ăn của người Việt.
Tôi đồng ý rằng bằng việc hội nhập và ký kết các hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế của VN sẽ được thúc đẩy khi mở ra những cơ hội và thị trường mới.
Tuy nhiên, nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất nội địa cũng phải cần được bảo hộ. Ngay tại các nước châu Âu mà tôi sinh sống, ngành nông nghiệp vẫn được bảo hộ bởi nhiều chính sách khác nhau.
Để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước trước nguy cơ nhập quá nhiều thịt gà từ các quốc gia có chi phí sản xuất thấp như Mỹ, Brazil, Argentina, Thái Lan, châu Âu có những hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch nhập khẩu, đánh thuế nhập khẩu và các quy định về chống bán phá giá.
Ví dụ, mặt hàng thịt ức gà philê muối nhập khẩu vào EU đang bị đánh thuế ở mức 15,4%. Trong khi đó, thịt gà Mỹ nhập khẩu vào châu Âu đang gặp những trở ngại bởi các quy định về việc sử dụng hóa chất cấm cho gà tại nước này.
Quay trở lại trường hợp gà Mỹ bán với giá siêu rẻ tại VN, tôi cho rằng Chính phủ và các hiệp hội cần có những hành động phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước như EU đã áp dụng. Đó có thể là các hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch nhập khẩu, thuế nhập khẩu hay là thuế chống bán phá giá mà các hiệp hội chăn nuôi VN vừa đề xuất.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng VN cũng phải đối mặt với rất nhiều những cái gọi là “hành động phòng vệ thương mại” khi xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ và EU trong thời gian qua.
Ngay khi có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, tôi tin rằng ngành gia cầm VN sẽ sớm vượt qua được cuộc khủng hoảng này và thậm chí là có thể xuất khẩu trong tương lai.
KAY DE VREESE (tổng giám đốc Công ty TNHH Bel Gà - công ty của Bỉ và Hà Lan có nhà máy tại Lâm Đồng)