Hơn 30 vạn tấn quặng sắt và mangan đang tồn ở Hà Giang dẫn đến hàng nghìn công nhân mất việc làm, máy móc tiền tỷ hoen gỉ theo thời gian, nguồn thu của tỉnh giảm bớt đáng kể… Vậy nguyên nhân tồn là do đâu?
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chậm chân sẽ thiệt!
- Cập nhật : 18/10/2015
(Doanh nhan)
Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), chia sẻ kinh nghiệm về phát triển công nghiệp hỗ trợ sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Phóng viên: Công nghiệp hỗ trợ vốn gắn với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, Chính phủ Hàn Quốc đã làm gì để “nuôi lớn” ngành công nghiệp này, thưa ông?
Chính phủ Hàn Quốc còn khuyến khích các tập đoàn lớn cần có một cơ quan, ủy ban giao dịch công bằng để những DN nhỏ và vừa được cạnh tranh công bằng trên mọi lĩnh vực. Theo đó, DN nhỏ và vừa phải trở thành nền tảng, động lực quan trọng nhất để đóng góp vào tăng trưởng, ổn định nền kinh tế quốc dân.
Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với công nghiệp hỗ trợ từ năm 2003 thông qua đặt hàng của Công ty Daewoo (Hàn Quốc). Đến nay, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn ở vạch xuất phát. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Cách đây nhiều năm, Hàn Quốc chỉ tập trung sản xuất công nghiệp nhẹ như da giày, túi xách, giày dép... Để theo kịp xu hướng thế giới, Hàn Quốc đã và đang đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp hiện đại như sản xuất điện thoại thông minh, kinh doanh giải trí, các nhà máy lọc dầu, đóng tàu, sản xuất ô tô... Việt Nam cũng nên hòa nhập xu thế này.
Gia công giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc) ở huyện Củ Chi, TP HCM Ảnh: Vĩnh Tùng
Công nghiệp hỗ trợ muốn phát triển cần có một “siêu” DN hoặc một tập đoàn lớn phụ trợ nhằm cung cấp đủ số lượng, sản lượng để nghiên cứu, phát triển và duy trì DN. Hiện Hàn Quốc đang có vài DN hàng đầu thế giới (Samsung, Hyundai, LG...) sản xuất ra số lượng sản phẩm và các phụ kiện đi kèm rất lớn. Nhiều DN đang sản xuất công nghiệp phụ trợ đạt doanh thu trên 1 tỉ USD/năm. Những tập đoàn này đều nhận được sự hỗ trợ từ các DN cấp 1, cấp 2, cấp 3.
Như tôi đã nói, muốn có một nền tảng kinh tế vững mạnh và phát triển cần có một tập đoàn DN cực lớn đi theo để giúp đỡ. Việt Nam chưa thực sự có một nền công nghiệp phát triển cao cấp như vậy. Ngành công nghiệp phụ trợ cần những ưu đãi về thuế, phối hợp và hợp tác với các trung tâm nghiên cứu của nhà nước. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm đầu tư phát triển mạnh hơn ở lĩnh vực này để cung cấp cho các DN lớn khác.
Liệu những bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc có phù hợp và giúp ích gì cho Việt Nam trong giai đoạn này không, thưa ông, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của TPP?
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển một lĩnh vực kinh tế chuyên sâu nào đó. Vì lẽ đó, Chính phủ Hàn Quốc luôn tạo điều kiện và có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các DN hỗ trợ.
Với Việt Nam, theo tôi, cần chú trọng vào các DN phụ trợ và sự đầu tư từ các “siêu” tập đoàn. Nếu Việt Nam muốn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển (như phát triển sản xuất ô tô, điện tử..) thì cần đưa ra chính sách hấp dẫn với các tập đoàn lớn để thu hút sự đầu tư vào phát triển, sản xuất và xuất khẩu.
Nhiều DN, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã và đang đầu tư vào Việt Nam nhưng tỉ lệ DN Việt tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn Hàn Quốc còn rất thấp. Phải chăng cánh cửa chưa thật sự mở cho DN Việt?
- Các DN Hàn Quốc luôn mong muốn có nhiều cơ hội để hợp tác phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có DN nào thực sự bảo đảm đủ công nghệ, kỹ thuật để cung cấp đủ cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm.
Tôi mong rằng thời gian tới, các DN Hàn Quốc có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với DN Việt Nam trên các lĩnh vực viễn thông, y tế, công nghiệp phụ trợ… Việt Nam cần quan tâm thu hút hơn nữa các DN sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc trên cơ sở hợp tác để phát triển sản xuất riêng tại Việt Nam.
Đứng thứ 5 thế giới
Theo ông Hong Sun, trong 40 năm qua, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu, thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và là một cường quốc về công nghiệp điện tử.
Nền kinh tế Hàn Quốc từng bị khủng hoảng nặng nề. Chính phủ đã phải vay khẩn cấp 57 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế để tiến hành cải cách mạnh mẽ: thực hiện phong trào cải cách nông thôn, ruộng đất và lập kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm thực hiện trong 7 lần liên tiếp (1962-1996)... Nhờ có đường lối, phương hướng lãnh đạo rõ ràng, Hàn Quốc đã có sự biến đổi nhanh trong thực hiện kế hoạch 5 năm này (năm 1962, tổng sản lượng quốc gia (GNP)/người/năm là 83 USD, sau khi thực hiện kế hoạch 5 năm, GNP tăng lên 125 USD/người/năm).
“Hàn Quốc đặc biệt chú trọng việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài: chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính, nguồn nhân lực cho các DN có tỉ suất xuất khẩu cao để xuất khẩu nhiều hơn nữa. Chúng tôi có chính sách gửi sinh viên giỏi sang những nước tiên tiến để nghiên cứu, tìm tòi, học tập về khoa học tự nhiên và xã hội; thành lập một số viện nghiên cứu khoa học và ĐH khoa học tự nhiên nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn hỗ trợ các DN xây dựng tham gia những công trình lớn ở nước ngoài, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như công nghiệp sản xuất ô tô, điện tử, đóng tàu, dầu khí… và công nghiệp phụ trợ phát triển song hành với các tập đoàn lớn” - ông cho biết.