Đồng Euro và đồng Yên đang bị mất giá so với đồng USD, khiến sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất khẩu vào hai thị trường này có giá thành cao hơn sản phẩm nội địa.
Hàng nội không thể cạnh tranh nếu sử dụng máy móc cũ, lạc hậu
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
Thời gian tới chúng ta phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan, nếu sử dụng máy móc, thiết bị cũ quá lạc hậu sẽ không tạo ra được những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.
Đồng thời còn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất dẫn tới giá thành sẽ rất cao.
Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đối với các doanh nghiệp trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Dân trí chiều 26/8.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn vốn đầu tư cho mua sắm trang thiết bị và đổi mới công nghệ. Vì thế, Chính phủ chấp nhận cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để phát triển sản xuất. Và lâu nay, các doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất và tồn tại là vì còn có sự bảo hộ của nhà nước thông qua hàng rào thế quan và hàng rào kỹ thuật.
Hàng nội không thể cạnh tranh được ngay cả thị trường trong nước nếu tiếp tục sử dụng máy mọc, thiết bị quá cũ và lạc hậu (ảnh minh họa)
Tuy nhiên khi Việt Nam hội nhập sâu, hàng rào bảo hộ thuế quan sẽ dần được dỡ bỏ, hàng hoá chất lượng tốt của nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Do đó, để tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo, các doanh nghiệp chỉ nhập các thiết bị cũ trong trường hợp bất khả kháng và không nên nhập khẩu thiết bị quá cũ nát và lạc hậu.
“Thông tư quản lý về thiết bị đã qua sử dụng có quy định tuổi thiết bị sẽ không quá 10 năm kể từ ngày sản xuất và các máy móc thiết bị nhập khẩu phải được chế tạo theo tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam hoặc của các nước G7. Điều này sẽ đảm bảo các thiết bị cũ sẽ không lạc hậu quá 1 thế hệ công nghệ và chất lượng cũng ở mức độ chấp nhận được. Chúng tôi mong các doanh nghiệp cùng chia sẻ sự quan ngại của nhà nước để tránh cho Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới. Quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Máy móc không phải là yếu tố duy nhất quyết định năng suất!
Trước phản biện của một số doanh nghiệp cho rằng, năng suất lao động thấp chủ yếu do trình độ công nhân thấp, đào tào chưa căn bản, thực chất mới là nguyên nhân chính chứ không phải là yếu tố máy móc. Bên cạnh đó, giá thành cao cũng do khấu hao thiết bị lớn. Chính vì thế việc hạn chế nhập máy móc, thiết bị cũ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Máy móc không phải là yếu tố duy nhất quyết định năng suất lao động. Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh chóng của công nghệ và sự đòi hỏi rất cao của thị trường hiện nay thì cho dù chúng ta có đội ngũ nhân lực trình độ cao, có quy trình quản lý tốt nhưng vẫn sử dụng máy móc cũ lạc hậu 20-30 năm thì cũng không thể tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia hàng đầu thế giới là thành viên của TPP và EVFTA (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Châu Âu..)
“Hiện nay ngành công nghệ chế tạo máy của Việt Nam đang ở trình độ rất thấp vì thế chưa thể cung cấp "máy cái" cho các doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải nhập khẩu thiết bị máy móc để sản xuất. Đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản thay máy cũ bằng máy mới mà phải có một hệ thống quản lý tiên tiến, đào tạo được đội ngũ nhân lực trình độ cao phù hợp với công nghệ mới. Doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ cả 3 yếu tố này thì mới thực sự là đổi mới được công nghệ.
Nhà nước vẫn chấp nhận cho nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ nhưng không được quá lạc hậu để đảm bảo phát triển sản xuất phải bền vững, lượng vốn đầu tư vào sản xuất không quá lớn góp phần hạ giá thành sản phẩm. Trong tương lai chắc chắn giảm dần việc nhập khẩu thiết bị cũ và dần tiến tới cấm hoàn toàn việc nhập khẩu thiết bị cũ khi chúng ta đã có trình độ phát triển tương đương với các nước công nghiệp” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Để tránh việc các doanh nghiệp hiểu nhầm về dự thảo thông tư mới của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích: Phạm vi áp dụng của thông tư mới chỉ áp dụng đối với các máy móc thuộc chương 84 và 85 về danh mục hàng hóa nhập khẩu. Tức là, chỉ bao gồm một số máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, không bao gồm: máy móc xây dựng, thiết bị y tế, các sản phẩm hàng hóa nhóm II có khả năng gây mất an toàn, thiết bị ngành in, thiết bị tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, thiết bị nhập khẩu phục vụ cho việc sửa chữa, gia công và một số thiết bị chuyên ngành do các bộ/ngành đã có văn bản quy định riêng.
“Có một số máy móc mà tuổi sử dụng hơn 10 năm nhưng vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, vòng đời công nghệ hoặc một thế hệ công nghệ ngày càng được rút ngắn, trung bình từ 3-10 năm. Khi chúng ta phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước tiên tiến, nếu sử dụng thiết bị quá lạc hậu sẽ không sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ. Vì thế, tất cả các nước đều có quy định hạn chế việc nhập thiết bị cũ, đảm bảo sự an toàn cho nền kinh tế. Thậm chí, các nước phát triển cấm hoàn toàn việc nhập khẩu thiết bị cũ” – Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ.
Doanh nghiệp được hỗ trợ khi đổi mới công nghệ
Liên quan đến cơ chế chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, từ trước đến nay Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Từ năm 1999, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ. Đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia chương trình và đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước.
Chính phủ cũng đã có Nghị định số 80 năm 2007 về Doanh nghiệp KH&CN, trong đó có chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Bộ KH&CN cũng đã xây dựng đề án phát triển thị trường công nghệ, hàng năm tổ chức các chợ công nghệ, thiết bị để giới thiệu công nghệ trong nước và nước ngoài cho doanh nghiệp.
Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng dự án và được Bộ KH&CN phê duyệt để hỗ trợ một phần kinh phí giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới.
“Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ thì có thể liên hệ với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để được trợ giúp” – Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Trước câu hỏi: Nếu doanh nghiệp không nhanh chóng đổi mới công nghệ thì khi Việt Nam gia nhập FTA và TPP sẽ đổ vỡ hàng loạt. Tuy nhiên, làm thế nào để các ông chủ doanh nghiệp hiểu sâu sắc việc điều này mà bỏ qua những mục tiêu trước mắt để áp dụng giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ phát triển bền vững?
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để giải quyết bài toàn về đổi mới công nghệ thì cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhất là những nội dung của các hiệp định thương mại tự do. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ của chính doanh nghiệp mình thông qua việc thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và dành một phần lợi nhuận trước thuế đầu tư cho quỹ.
Bên cạnh đó, nhanh chóng tiếp cận với các quỹ của nhà nước và xây dựng các dự án đổi mới công nghệ mang tính khả thi để tận dụng được sự hỗ trợ của nhà nước, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đối ứng cần thiết cho dự án. Khẩn trương tìm hiểu thông tin về sản phẩm hàng hóa cùng loại của nước ngoài để lựa chọn công nghệ phù hợp.
Đặc biệt là cần quan tâm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, bao gồm: nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, chỉ dẫn địa lý,...Ngoài ra cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ mới và quy trình quản lý mới.