Quá trình dịch chuyển vốn, tiềm năng sẵn có và sức ép cải cách... được nhận định là điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới.
Ký hợp đồng tư vấn thiết kế mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
- Cập nhật : 29/08/2015
(Tin kinh te)
Tổng giá trị Hợp đồng tư vấn thiết kế tổng thể là 25,6 triệu USD, với thời gian thực hiện 15 tháng (kể từ tháng 8/2015 đến tháng 11/2016).
Ngày 28/8, tại Hà Nội, Ban quản lý dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đại diện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã cùng đối tác Amec Foster Wheeler Energy Limited (Anh) ký kết Hợp đồng tư vấn thiết kế tổng thể (FEED) - Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Công tác lập thiết kế tổng thể là hạng mục công việc rất quan trọng trong việc triển khai dự án, đồng thời là cơ sở để thực hiện các công tác thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị, xây dựng nâng cấp mở rộng nhà máy sau này.
Tổng giá trị Hợp đồng tư vấn thiết kế tổng thể là 25,6 triệu USD, với thời gian thực hiện 15 tháng (kể từ tháng 8/2015 đến tháng 11/2016).
Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited là một trong những nhà thầu tư vấn thiết kế hàng đầu trên thế giới, trụ sở đặt tại nước Anh. Đây cũng là nhà thầu tư vấn lập thiết kế tổng thể tư vấn thiết kế cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước đây và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Phát biểu tại lễ ký, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đề nghị Tổng thầu Foster Wheeler thực hiện nghiêm túc các điều khoản hợp đồng đã ký, đồng thời bằng kinh nghiệm và năng lực tốt nhất của mình thực hiện việc thiết kế tổng thể, bảo đảm nhà máy lọc dầu Dung Quất trong tương lai là nhà máy lọc dầu tối ưu nhất về công nghệ, kỹ thuật và có sức cạnh tranh cao.
Ông Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc-Hóa dầu Bình Sơn và Ban quản lý dự án tổ chức phối hợp tốt và giám sát chặt chẽ nhà thầu, công tác thiết kế, để đảm bảo tiến độ, chất lượng như hợp đồng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế để chế biến 100% sản phẩm dầu thô từ mỏ Bạch Hổ với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, bắt đầu đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2010. Tổng mức chi phí đầu tư mở rộng và nâng công suất nhà máy trong thời gian tới khoảng 1,813 tỷ USD, thời gian thực hiện 78 tháng và hoàn thành trong năm 2021.
Việc mở rộng nhà máy nhằm nâng công suất chế biến, nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn EURO 4, EURO 5, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ; đồng thời đáp ứng nhu cầu các sản phẩm lọc-hóa dầu trong nước...
Việc đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Chính phủ chấp thuận. Sau khi thực hiện nâng cấp mở rộng, công suất chế biến Nhà máy tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm (công suất nhà máy sẽ tiếp tục được tối ưu hóa tăng trong quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế), chế biến được các chủng loại dầu thô thông dụng trên thế giới./