Theo WB, do chi phí lương sẽ tăng lên nên lợi thế nhân công giá rẻ, tay nghề thấp trong ngành dệt may của Việt Nam sẽ dần mất đi.
“Giật cục” như mía đường
- Cập nhật : 15/07/2016
Mấy năm trước, ngành mía đường trong nước luôn chịu cảnh cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu giá thấp, khiến các DN mía đường trong nước luôn ở tình trạng tồn kho lớn, tiêu thụ khó khăn, thậm chí thua lỗ, còn người trồng mía thì chán nản chuyển đổi cây trồng. Nhưng niên vụ này, tình hình đã có những thay đổi.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Mía đường, trong niên vụ đường 2016-2017, lượng đường tiêu thụ toàn cầu được dự báo tăng 174 triệu tấn, vượt sản lượng sản xuất, đẩy lượng đường tồn kho giảm xuống mức thấp nhất kể từ vụ 2010-2011. Tương tự, Tổ chức Đường thế giới (ISO) ước tính, nhu cầu tiêu thụ đường toàn cầu sẽ tăng 1,75% so với niên vụ trước.
Nhưng ngược lại, nguồn cung đường sẽ khó dồi dào như mấy năm trước, do quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới là Brazil hạn chế bán ra vì tình hình chính trị bất ổn. Trong khi các nước thuộc top 5 quốc gia xuất khẩu mía đường hàng đầu thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… niên vụ này cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, sản lượng đường sụt giảm so với mùa trước, nên nguồn cung cũng giảm theo.
Cụ thể, Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - sẽ đối mặt với việc tồn kho đường giảm 18%; Trung Quốc có thể phải nhập khẩu tới 7,9 triệu tấn đường; sản lượng đường tại Thái Lan giảm khoảng 9,4 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2010, vì nông dân bỏ mía chuyển đổi sang cây trồng khác; Philippines thì trong tháng 6 vừa qua đã phải nhập khẩu thêm 100.000 tấn đường để bình ổn giá, khi sản lượng đường vụ này giảm 11 triệu tấn so với niên vụ trước.
Hay như Hoa Kỳ có sản lượng đường vụ 2016-2017 dự báo sẽ giảm 200.000 tấn, và nước này sẽ tăng nhập khẩu 8% lên mức 3,2 triệu tấn đường trong năm nay. Các nước châu Âu cũng đang dần khôi phục sản xuất mía đường, nhưng sản lượng đạt được vẫn hụt đến 2,3 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ.
Trên thực tế, do thay đổi tương quan giữa cung và cầu nên mặt hàng đường đang có biến động giá trên toàn cầu. Nhưng việc tăng giá bán lại ít mang đến lợi nhuận cho nhà nông, bởi sức ép mất mùa do thiên tai, do bỏ ruộng... Và người nông dân trồng mía, thậm chí cả DN sản xuất đường của Việt Nam có thể khó cải thiện tình hình so với các niên vụ trước.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, trong hai niên vụ đường gần nhất lại là năm khó khăn. Niên vụ mía đường 2014-2015, cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường từ mía, sụt giảm 11% so với niên vụ trước do một phần bị giảm diện tích trồng mía, phần khác do khô hạn.
Trong niên vụ 2015-2016 (tính đến ngày 30/5/2016) đã có 37/41 nhà máy đường kết thúc vụ sản xuất, đạt sản lượng 1,2 triệu tấn đường, giảm trên 172.000 tấn; dự kiến cả vụ mía đường này sản lượng sẽ giảm hơn 210.000 tấn. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy trên cả nước vào khoảng 490.000 tấn, giảm trên 10.000 tấn.
Nhìn toàn cảnh sản xuất mía đường niên vụ 2015-2016 cho thấy, khô hạn, xâm ngập mặn đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích trồng mía tại các tỉnh phía Nam. Vì vậy, sản xuất thiếu trầm trọng nguyên liệu và có đến 5 nhà máy đường buộc phải đóng cửa.
Một số vùng nguyên liệu như tỉnh Sóc Trăng có đến 6.500 ha mía chết trắng. Vùng nguyên liệu mía lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh Hậu Giang có gần 10.000 ha mía thì năng suất cũng giảm. Tại Cà Mau, người dân đã phá bỏ gần 4.000 ha mía để chuyển sang nuôi tôm. Tỉnh Ninh Thuận trong niên vụ 2015-2016 đã giảm gần 200 ha đất trồng mía do sâu bệnh…
Bên cạnh đó, chất lượng, năng suất mía cũng chưa đạt so với yêu cầu của nhiều nhà máy chế biến đường chất lượng cao. Nếu so sánh thì Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng năng suất lại thuộc 3 nước thấp nhất.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, dù ngành mía đường Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hiện nay sản xuất trong nước đã dư cung và có triển vọng xuất khẩu, nhưng chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa cao dẫn đến giá thành khó cạnh tranh.
Chính vì vậy nên dù cầu về đường cao hơn khả năng cung ứng trên bình diện toàn cầu, nhưng các DN mía đường Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu (ước khoảng 400.000 tấn/năm). Đường ngoại nhưng giá bán luôn rẻ hơn các loại đường sản xuất trong nước từ 2.000-2.500 đồng/kg, vì vậy đường sản xuất trong nước vừa thoát cảnh tồn kho, giảm giá lại đối mặt với thị trường được giá mà không bán được.
Và để giảm áp lực cho DN, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương áp thuế từ 80-85% đối với đường nhập khẩu (đường thô và đường trắng) ngoài hạn ngạch.
Ngày 1/7/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư số 09/2016/TT-BCT quy định việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường năm 2016. Theo đó, ngoài 85.000 tấn đường được nhập theo hạn ngạch sẽ có thêm 100.000 tấn đường được nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, dự báo năm 2016 cả nước sẽ thiếu đường, nên nhập khẩu để ổn định giá đường. Tuy nhiên, việc nhập khẩu sẽ vào thời điểm thích hợp để không ảnh hưởng đến nông dân trồng mía và DN trong nước.
Thanh Thanh
(Thời báo Ngân hàng)