tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Da giày Việt vẫn yếu ở sân nhà

  • Cập nhật : 20/07/2016

Tại các chợ sỉ lẻ của TP. Hồ Chí Minh, ước có trên 65% là hàng Trung Quốc, Thái Lan ở mọi phân khúc, số lượng đa dạng, giá rẻ hơn hàng Việt từ 15% – 30%. 

 
giay da xuat khau rat duoc ua chuong tren thi truong

Giày da xuất khẩu rất được ưa chuộng trên thị trường

Thế mạnh trong xuất khẩu

Theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (LEFASO), da giày là ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, chiếm đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước hàng năm. Toàn ngành có trên 600 DN, với 1.700 dây chuyền sản xuất giày dép. Năng suất sản xuất hàng năm đạt 910 triệu đôi giày dép, 180 triệu túi xách và 250 triệu sản phẩm khác từ da.

Đây cũng là ngành có lượng lao động rất lớn, trên 800 nghìn lao động làm việc tại các xưởng sản xuất giày dép, túi xách và 500 nghìn  lao động làm việc trong các nhà máy công nghiệp hỗ trợ.

So sánh với nhiều ngành công nghiệp khác, ngành da giày đã đạt được nhiều thành tựu (năm 2015 xuất khẩu 15 tỷ USD), giải quyết một lượng lớn việc làm. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng tăng 2,4% thì giá trị xuất khẩu tăng 4,8%. Năm 2016, ngành da giày túi xách hướng tới kim ngạch nhập khẩu 17 tỷ USD.

Tuy nhiên, chính việc tập trung sản xuất cho xuất khẩu, nhiều DN trong ngành gần như bỏ quên thị trường nội địa. Người tiêu dùng Việt rất khó tìm kiếm cho mình sản phẩm da giày Việt mang tính đặc trưng, độc đáo và giá cả hấp dẫn.

Ghi nhận tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm da giày Việt hiện nay có ba phân khúc trung bình, cao cấp và xuất khẩu. Trong đó, nhóm bình dân là đa dạng mẫu mã, màu sắc, chất liệu và giá cả nhất. Nhóm sản phẩm này chất lượng không cao, chất liệu thật giả lẫn lộn, ít đầu tư vào thiết kế.

Mặc dù giá bán rẻ, dưới 300.000 đồng/sản phẩm nhưng không được người tiêu dùng ưa chuộng và gần như không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc cả về giá cả lẫn mẫu mã. Nhóm sản phẩm cao cấp thuộc một số tên tuổi DN lớn, có thị trường tiêu thụ nội địa khá tốt như Vina Giày, Biti’s, Hồng Thạnh, Thái Bình,  Khotaco Khánh Hòa…

Đây là hàng chất lượng cao, chất liệu cao cấp từ da cá sấu, da bò, da trăn… hình thức sản phẩm đẹp, nhưng ít mẫu mã, màu sắc, thiết kế kiểu dáng nghiêng về sự sang trọng đẳng cấp, chủ yếu dành cho đối tượng trung niên, doanh nhân.

Giới trẻ rất ít lựa chọn loại sản phẩm này, và chúng bị lép vế trước các thương hiệu ngoại  cùng loại giá tương đối bình dân như Coast, Guess hay Charles & Keith… (giá từ 1,5 triệu - 5 triệu đồng/sản phẩm).

Liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Nhóm sản phẩm được ưa chuộng và người tiêu dùng tìm mua nhiều nhất là hàng xuất khẩu, với rất nhiều chủng loại giày dép túi xách, phụ kiện thời trang (thắt lưng, ví, bao túi máy tính xách tay…). Những sản phẩm này có kiểu dáng, màu sắc, chất liệu đa dạng.

Đặc biệt là đáp ứng tốt yêu cầu của mọi phân khúc giá cả và đối tượng tiêu dùng, từ trẻ em, giới trẻ đến người trung niên, với giá bán từ 1 triệu đồng/sản phẩm trở lại, trong đó có rất nhiều sản phẩm giá không quá 300.000 đồng, vừa có chất lượng tốt vừa hợp thời trang.

Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này không bán đại trà ngoài thị trường. Trong khi đó, tại các chợ sỉ lẻ của TP. Hồ Chí Minh, ước có trên 65% là hàng Trung Quốc, Thái Lan ở mọi phân khúc, số lượng đa dạng, giá rẻ hơn hàng Việt từ 15% – 30%.

Theo LEFASO, hàng của DN Việt sản xuất có đến 90% sản phẩm dành cho xuất khẩu, chỉ 10% là dành tiêu thụ nội địa, và sản phẩm của ngành hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường nội (nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước hiện nay khoảng 150 triệu đôi/năm). Đó là chưa kể việc sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, nên khó cạnh tranh lại với hàng Trung Quốc.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch LEFASO, điểm yếu của ngành da giày tại thị trường nội địa là kém phát triển cả về chất lượng và chủng loại, bởi sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (đến 60%). Công nghiệp phụ trợ cho ngành như thuộc da, hóa chất kém phát triển.

Hiện DN trong ngành đang chủ động liên kết để phát triển thị trường trong nước. LEFASO đã làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, để khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất sản phẩm mới, nâng dần giá trị.

Trước mắt, LEFASO đã khai trương một trung tâm phục vụ cho ngành da giày, túi xách. Trung tâm sẽ làm cầu nối để DN trong ngành liên kết với nhau từ nguồn nguyên liệu, nhân lực, thiết kế và nghiên cứu thị trường để tập trung sản xuất, đẩy mạnh nhóm sản phẩm tiêu thụ nội địa.


Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục