Các chuyên gia cho rằng nguồn vốn ngân sách phải đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển hạ tầng giao thông, chứ không thể trông chờ vào khu vực tư nhân. Thế nhưng, nghịch lý là ngân sách lại không đáp ứng đủ được nhu cầu đầu tư giao thông.
Giải bài toán vốn cho hạ tầng
- Cập nhật : 08/09/2015
(Bat dong san)
Chỉ những nhà đầu tư năng lực tốt mới có thể tham gia vào lĩnh vực hạ tầng.
Vừa qua, CTCP Hoàng An đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông - Vận tải xin rút vốn đầu tư khỏi CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận). Dù hợp đồng BOT giữa Bộ Giao thông - Vận tải và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa được ký kết tháng 2/2015, việc Hoàng An xin rút vốn đầu tư cho thấy chủ đầu tư dự án này đang có khó khăn nhất định.
Là một trong những công trình trọng điểm phía Nam, dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao xztốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 51,1 km tuyến cao tốc và 4,5 km tuyến nối, tổng mức đầu tư khoảng 14.678 tỷ đồng...
Trong văn bản gửi đến Bộ Giao thông - Vận tải, Hoàng An lý giải việc rút vốn đầu tư là do: dự án không thu xếp được vốn tín dụng cho triển khai; việc phân chia khối lượng không được thống nhất cùng các nhà đầu tư; các vướng mắc này tiếp tục không có hướng để tháo gỡ khiến cho dự án bị đình trệ không triển khai được, gây rất nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông hạ tầng Cửu Long (CIMP) - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền - tính đến cuối tháng 8/2015, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận góp được 1.408 trong tổng số 1.542 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đạt 91,29%.
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc CIMP cho biết, sau 6 tháng dự án được tái khởi động, công ty này chưa nhận được báo cáo của nhà đầu tư về việc hoàn thành huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT…
Trong bối cảnh Nhà nước đang thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư, khuyến khích các công ty tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông như hiện nay, sự việc như tại CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho thấy việc huy động vốn cho một dự án hạ tầng giao thông không phải là dễ dàng. Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, huy động vốn cho hạ tầng giao thông là một vấn đề cấp thiết, cần phải giải quyết sớm trong thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, nhiều năm qua phần lớn nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là dựa vào ngân sách và ODA. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế hiện tại, hai nguồn vốn trên không đủ để đáp ứng yêu cầu về phát triển giao thông theo tốc độ phát triển kinh tế. “Áp lực cho giao thông tới đây rất căng thẳng. Để trở thành nước công nghiệp hiện đại thì hạ tầng giao thông phải là hạ tầng của một nước phát triển…”, ông Thiên nói.
Chủ trương đưa giao thông trở thành bước đột phá để thúc đẩy kinh tế đã rõ, nhưng vấn đề hiện tại là huy động vốn đầu tư như thế nào? Thực tế những năm gần đây các DN tư nhân đã quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Nhiều dự án hạ tầng giao thông được ký kết theo các hình thức hợp tác công - tư như BOT hay BT đã được thực hiện. Theo ông Thiên, cấu trúc đầu tư hạ tầng đã có thay đổi, chuyển từ khu vực Nhà nước sang tư nhân do khả năng tài trợ của các ngân hàng cũng mạnh lên và năng lực của các công ty tư nhân cũng lớn mạnh hơn.
Điều còn lại ở đây chính là lựa chọn đúng nhà đầu tư có năng lực. Nhiều dự án hạ tầng giao thông đã được giao cho nhà đầu tư tư nhân, nhưng tiến độ đầu tư cũng không được đảm bảo hoặc việc huy động vốn gặp khó khăn. Kinh nghiệm của các nước phát triển trong thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng cũng cho thấy, chỉ có những nhà đầu tư có năng lực mới có thể tham gia vào lĩnh vực hạ tầng, do đây là một lĩnh vực đòi hỏi quy mô vốn lớn và thời gian thu hồi vốn lâu.
Về phần Nhà nước, theo ông Thiên, việc tạo ra một chính sách hỗ trợ để huy động tốt hơn vốn đầu tư từ các công ty tư nhân cũng là việc cần phải thực hiện. Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định về hợp tác công tư và lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đầu tư hợp tác công - tư. Có thể nói đây là 2 nghị định có tác động tích cực đến niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng lưu ý rằng các cam kết bảo đảm mức độ ưu tiên, khuyến khích tại các dự án hạ tầng vẫn cần được làm rõ hơn nữa. Đồng thời, một hình thức liên doanh đầu tư giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ là một trong số những lời giải cho bài toán huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.