Bộ Công Thương đề xuất đưa dự án nhiệt điện Long An II, công suất 1.600 MW vào quy hoạch điện VII.
Lào chính thức phê duyệt đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mê Kông
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Việc Lào chính thức phê duyệt dự án đập thủy điện Don Sahong sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Mới đây quốc hội Lào đã phê chuẩn dự án đập thủy điện Don Sahong ở thượng lưu sông Mê Kông, vốn đang gây ra những tranh cãi giữa các nước trong khu vực. Bất chấp những ý kiến phản đối của các nước khác, Lào vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch này và dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2015.
Với công suất dự kiến 260 MW, chính phủ Lào đang hy vọng đập Don Sahong có thể biến Lào trở thành “bình ăcquy của khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên dự án thủy điện này nằm ở vị trí đầu nguồn sông Mê Kông, nên việc phê chuẩn dự án vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các nước láng giềng phía hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Theo đó, một khi đập thủy điện này hoàn tất, nó sẽ làm thay đổi dòng chảy của con sông, phá vỡ luồng di cư của các loài cá, gây thiệt hại cho ngành thủy sản cũng như ngành du lịch sinh thái của các nước phía hạ nguồn.
Theo tờ Bưu điện Phnom Penh (Phnom Penh Post) cho biết, ông Daovong Phonekeo, Tổng Giám đốc Cục Kế hoạch và Chính sách năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng Sản Lào, đã xác nhận rằng quốc hội Lào đã phê chuẩn dự án đập thủy điện này với công ty MegaFirst của Malaysia và hiện đang chờ ký duyệt và bắt đầu xây dựng vào cuối năm nay.
Tác động tới Việt Nam
Dòng sông Mê Kông là trung tâm của một hệ sinh thái xuyên suốt các quốc gia trong khu vực. Nên một khi đập thủy điện chính thức được xây dựng sẽ phá vỡ sự di cư của các loài cá. Ngoài ra đập thủy điện còn được cho là ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu cư dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vốn chiếm hơn 1/4 GDP của cả đất nước và là vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Việc ngăn nước xây đập thủy điện sẽ làm cho lượng phù sa bồi đắp ở phía hạ lưu sẽ giảm đi, điều này đồng nghĩa với việc lượng phù sa giảm nhiều và gây xói lở bờ sông, tác động lớn đến hoạt động canh tác.
Ngoài ra một đặc điểm điển hình của đồng bằng Cửu Long là nhiễm mặn vào mùa hạn hán và đến mùa mưa thì một lượng nước khổng lồ từ phía thượng lưu tràn về góp phần rửa mặn cho vùng đất này. Nên động thái mới của Lào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng triệu người dân khi phải giải quyết bài toán khó rửa mặn cho vùng đồng bằng này trong thời gian sắp tới. Theo đó, Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới về việc làm, sản lượng lúa trong thời gian tới.